Nhiệm vụ bất khả thi hay Điệp viên 007 đã thành hiện thực khi một nhóm chuyên gia bảo mật cho ra đời ứng dụng di động có thể xóa các thông điệp nhạy cảm đã gửi đi mang tên Wickr.
Đôi khi, người dùng muốn chia sẻ SMS, ảnh, video... cho ai đó nhưng các thông tin đó có thể quá nhạy cảm và họ không chắc người nhận đã xóa file đi hay chưa. Dữ liệu có thể rơi vào tay người khác (như khi đem máy đi sửa, cho bạn bè mượn điện thoại...) và bị dễ dàng phát tán lên trên mạng. Do đó, họ sẽ cần đến một ứng dụng với khả năng tự hủy thông điệp.
Các nhà phát triển Wickr khẳng định phần mềm này được trang bị cơ chế mã hóa dữ liệu "cấp dành cho quân đội". Người sử dụng chỉ cần cài đặt và mở ứng dụng đó ra để soạn tin nhắn, đính kèm ảnh... rồi hẹn thời gian thông tin tồn tại từ 1 giây (ngay sau khi file được mở) cho tới 6 ngày.
Ứng dụng tự hủy thông điệp trên thiết bị di động. Ảnh: BusinessWeek.
"Những gì xuất hiện trên Internet tồn tại mãi mãi. Dữ liệu cá nhân của bạn không đáng bị như thế", nhóm tác giả Wickr khẳng định.
Đây cũng chính là chủ đề gây nhiều tranh cãi gần đây khi một loạt những vụ ồn ào như lộ clip phòng the hay các hình ảnh hớ hênh của sao bị lan truyền trên Internet. Không những thế, nhiều năm sau, những nội dung đó vẫn có thể bị tìm kiếm và lôi ra làm dẫn chứng minh họa.
Giáo sư Victor Mayer-Schönberger tại Đại học Oxford nhận định: "Với con người, quên là điều thường tình, họ chỉ nhớ những gì đặc biệt. Tuy nhiên, trong kỷ nguyên số, điều này đã thay đổi, họ 'nhớ' mọi chuyện nhờ sự hỗ trợ của mạng kết nối toàn cầu".
Một số chuyên gia tranh luận rằng thông tin cá nhân (không phải kiến thức chung của nhân loại) được đưa lên Internet cũng sẽ cần có "hạn sử dụng" để những giây phút bột phát của người dùng không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ về sau. Nhưng cũng có ý kiến phản bác rằng như thế sự hấp dẫn của Internet sẽ mất đi.