>>Tin đồn: Apple ra mắt iPad mỏng hơn trong mùa hè này
>>Apple đóng cửa MobileMe, chào đón iCloud
New York Times (Mỹ) đã có bài phóng sự miêu tả thủ thuật tuyển dụng và giữ chân nhân viên của tập đoàn công nghệ khổng lồ này.
Việc nặng, lương bèo
Hiện có đến 30.000 trong tổng số 40.000 nhân viên của Apple tại Mỹ đang làm việc tại các chuỗi cửa hàng bán lẻ của tập đoàn này.
Lương thấp, cửa hàng luôn nườm nượp khách, cơ hội thăng tiến rất ít… Vì vậy có thể nói, nhân viên bán hàng tại các chuỗi cửa hàng Apple Store là một công việc không hấp dẫn. “Làm việc nặng, nhận lương thấp” - đã trở thành định nghĩa chung cho công việc tại Apple.
Tuy nhiên, đối với rất nhiều người, Apple “bảnh” hơn nhiều so với những tập đoàn danh tiếng khác như McDonald’s, Walmart hay Starbucks.
Rất nhiều bạn trẻ Mỹ háo hức được làm việc tại các chuỗi cửa hàng Apple Store - Ảnh: Reuters
Chỉ có một nhóm nhỏ ứng viên may mắn được chọn ra trong một “rừng” đơn xin việc mà Apple quy định gởi qua trang web của tập đoàn. Và vì thế, cứ mỗi nhân viên tại Apple Store nghỉ việc (đa số là do vỡ mộng), sẽ có một lượng lớn ứng viên khác háo hức chờ được giao vị trí của người đó.
Apple nhắm vào những ứng viên có đức tính “ân cần, hòa nhã” và “tính chủ động trong công việc”, chứ không phải những người có kiến thức rộng về công nghệ. Đối với “Táo”, công nghệ có thể học, còn những đức tính kể trên là bẩm sinh.
Xin phép trước khi đụng vào iPhone
Apple sẽ mời các ứng viên được chọn đến dự hội nghị tại một khách sạn nào đó. Chỉ cần đến trễ vài phút, ứng viên sẽ lập tức bị loại.
Đợt tập huấn cho “lính mới” (thường có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần) được bắt đầu bằng màn “chào đón nồng nhiệt”.
Khi các nhân viên mới trúng tuyển bước vào văn phòng, các quản lý và nhân viên hướng dẫn thực tập sẽ đứng dậy, vỗ tay chào đón họ.
Nhân viên bán hàng mới tại các cửa hàng Apple Store sẽ được chào đón bằng tràng pháo tay nồng nhiệt từ quản lý và các nhân viên hướng dẫn thực tập - Ảnh: Reuters |
Màn chào hỏi này thường làm các nhân viên mới bối rối, nhưng khi tràng pháo tay tiếp tục kéo dài trong vài phút, “lính mới” sẽ thực sự cảm thấy hòa mình vào tập thể.
“Hai bàn tay tôi thường mỏi nhừ sau những màn chào hỏi này”, ông Michael Dow, nhân viên hướng dẫn thực tập lâu năm của Apple tại thành phố Providence, bang Rhode Island (Mỹ), cho biết.
Trong các buổi tập huấn tiếp theo, các nhân viên mới sẽ được học về những kỹ năng giao tiếp tinh tế với khách hàng.
Apple đặt ra một quy luật tối thượng cho nhân viên, đó là luôn hỏi xin phép trước khi muốn đụng vào iPhone của bất kỳ ai.
“Chúng tôi nói với các thực tập viên rằng điều đầu tiên bạn cần làm là nắm rõ khó khăn của khách hàng, nhưng đừng hứa sẽ khắc phục được nó. Nếu được, hãy để cho khách hàng có cảm giác rằng bạn đồng cảm với họ. Tuy nhiên, bạn phải cực kỳ thận trọng; nếu không, họ sẽ thấy bạn giả tạo”, bà Shane Garcia, cựu cửa hàng trưởng một cửa hàng Apple Store tại Chicago, cho biết.
“Nhồi sọ”
Khẩu hiệu mà các nhân viên bán hàng mới của Apple thường xuyên được nghe trong thời gian tập huấn, cũng như khi họ được nhận làm chính thức, đó là “Làm phong phú cuộc sống mọi người”.
Mục đích là nhằm “nhồi sọ” các nhân viên ý niệm họ đang làm một công việc có tính chất cao cả, vĩ đại hơn rất nhiều so với việc bán hàng hay sửa chữa các sản phẩm. Và đây chính là bí quyết hấp dẫn nhân viên của Apple.
Apple cho các nhân viên tại các Apple Store cảm giác họ đang làm một công việc mang ý nghĩa lớn lao, chứ không đơn thuần là bán hàng - Ảnh: Reuters |
Tập đoàn này hiểu rõ, rất nhiều người sẵn sàng bỏ qua yếu tố tiền nong nếu họ nhận thấy họ đang làm cái gì đó có mục đích lớn lao.
Bí quyết này mang lại thành công mỹ mãn cho Apple. Nó cho phép họ trả công cho nhân viên với mức lương thấp hơn nhiều so với mức của nhân viên làm việc các cửa hàng thiết bị công nghệ khác như Verizon và AT&T.
Theo The New York Times, lương bình quân của các nhân viên làm việc tại các cửa hàng Apple Store là khoảng 30.000 USD/năm, trong khi thu nhập trung bình của nhân viên tại cửa hàng Verizon gần gấp đôi số đó.
Theo Thanhnien