Tại sao dân mạng lại hung hăng?

Thứ hai, 30/07/2012, 11:06
“Bút chiến” triền miên trên mạng vừa không giải quyết được gì, vừa có ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe tâm lí, song tại sao ngày nay “dân mạng” lại quá hung hăng?

>>Những trò 'câu view' gây bức xúc cộng đồng mạng 
>>Nội dung trên mạng xã hội cũng bị truy tố nếu vi phạm bản quyền

Ngày nay, chúng ta dễ dàng bắt gặp những cuộc chiến “comment” (bình luận) trên Internet, xuất phát từ đâu: một câu nói, đường dẫn, clip hay bài báo. Đó là những dòng bình luận dài đằng đẵng nhưng không giải quyết được vấn đề nào. Cuối cùng, không ai nghe ai, và xét về vấn đề sức khỏe, đó không phải là điều tốt đẹp gì.
 
Nếu chỉ biết gõ những dòng chữ dài vô nghĩa, không thỏa mãn được gì và không có lợi lộc gì, vậy tại sao chúng ta lại lâm vào các “cuộc chiến bàn phím” này? Tại sao dân mạng lại hung hăng tới vậy?
 

 
Theo Art Markman, Giáo sư tâm lí đại học Texas (Mỹ), sự kết hợp của nhiều yếu tố kết hợp đã “đẻ” ra cơn bão bình luận giận dữ và thô bạo trên web hiện đại.

Đầu tiên, những người bình luận thường nặc danh và do đó, họ không phải chịu trách nhiệm vì sự thô lỗ của mình. Thứ 2, họ ở cách xa mục tiêu của cơn giận dữ của họ - ví dụ, một bài báo, nhân vật trong bài hay đơn giản là độc giả khác có ý kiến trái ngược – và mọi người có xu hướng đối đầu với những thứ trừu tượng ở cách xa hơn là chung sống hòa bình với chúng. Thứ 3, viết những điều khó nghe thì dễ hơn là nói ra chúng.
 
Và bởi vì tranh luận trên mạng không có tính phản hồi ngay lập tức như đối thoại một-một hay đối thoại nhóm, người bình luận mặc sức viết những đoạn độc thoại “tràng giang đại hải”, cốt chỉ để thể hiện quan điểm “sáng suốt” của họ. Markman cho rằng trừ khi là trên phim nhân vật mới độc thoại, còn trong thực tế, mọi người luôn tranh luận liên tục, đặc biệt khi giận dữ và vì thế người trong cuộc buộc phải bình tĩnh và lắng nghe người khác.
 
Cuối cùng, Edward Wasserman – Giáo sư Đạo đức báo chí Đại học Washington & Lee cho rằng, chính truyền thông đã khiến mọi người sai lầm trong cách nói chuyện với nhau. Giao tiếp – theo học giả - là thực sự nắm được góc nhìn của người đối diện, hiểu nó và đối đáp. “Âm bậc của giọng nói và điệu bộ, cử chỉ có ảnh hưởng lớn trong việc giúp bạn hiểu người khác đang nói gì. Càng rời xa các cuộc đối thoại trực diện, bạn càng khó giao tiếp.”
 
Theo quan điểm của ông, báo chí nên hạn chế sự giận dữ hay lòng căm thù – những tâm lí đã trở nên quá bình thường đối với người đọc.

Đúng là nên mang tới cái nhìn toàn diện về một cuộc tranh luận, song không đáng đưa ra nếu đó chỉ là cuộc công kích cá nhân, hay gửi tới thông điệp với giọng điệu đặc biệt giận dữ. Ngay cả một người dù đưa ra quan điểm hợp lí song lại mang âm hưởng tức giận cũng có thể làm hỏng tính chất tự nhiên của tranh luận vì họ khuyến khích mọi người đáp trả lại tương tự.

Wasserman kết luận: “Nếu bình luận trên website được đăng tải để phục vụ cho mục đích tấn công cá nhân bằng những từ thông tục nhất, bạn (chủ website) đang gửi đi thông điệp rằng đây là hành vi được chấp nhận.”
 
Còn về phần mình, mọi người nên tìm kiếm một con người thực sự - không phải một cái nick trên mạng – để nói chuyện, và cũng nên thừa nhận rằng sẽ có một nhóm người trong xã hội nghĩ khác so với chúng ta. “Bạn nên dành sự tôn trọng cho những người có ý kiến khác mình.”

Đối thoại qua lại với một người khác quan điểm với mình là một kĩ năng, và rất tiếc, theo Wasserman, kĩ năng đó ngày càng hao mòn, không chỉ với những thành viên bình thường mà cả với các lãnh đạo hiện nay.
 
Theo ictnews

Các tin cũ hơn