Học sinh lớp 5 làm phần mềm

Thứ sáu, 03/08/2012, 11:17
  Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ 18 dành cho học sinh (HS) phổ thông đã chính thức khép lại. Các phần mềm sáng tạo của HS lớp 5 làm nhiều người quan tâm.
Kiểm tra thiết bị điện
 
Phần mềm sáng tạo Bảng điều khiển thông minh của em Nguyễn Dương Kim Hảo (Trường tiểu học Chi Lăng, Q.Tân Bình, TP.HCM) đã đoạt giải nhất khối tiểu học tại Hội thi Tin học trẻ toàn quốc 2012 vừa kết thúc tại TP.Đà Lạt.
 
 Khuôn mặt rạng ngời niềm vui chiến thắng, Hảo nói: “Phần mềm Bảng điều khiển thông minh của em có ưu điểm là sẽ giúp chúng ta có thể dễ dàng kiểm tra, tắt mở từng thiết bị điện trong toàn bộ khu nhà hoặc công ty, xí nghiệp… mà không cần phải đi đến tận nơi”.
 
 Học sinh lớp 5 làm phần mềm
Nguyễn Dương Kim Hảo nhận giải nhất - Ảnh: Gia Bình

 

Hảo cho hay, với phần mềm này người dùng có thể điều khiển các thiết bị điện bằng cách: Sử dụng phần mềm trên máy vi tính (lập trình vb.net) kết nối với mạch điều khiển trung tâm (chip AT89C51 được nạp chương trình viết bằng hợp ngữ asm).

Dùng điện thoại di động truy cập vào web điều khiển (lập trình C) chạy trên module web sever, hoặc có thể sử dụng phần mềm trên điện thoại di động (lập trình vb.net) điều khiển phần mềm trên máy tính. Ngoài ra còn bổ trợ thêm remote điều khiển từ xa, giúp cho người già, người khuyết tật, trẻ em sử dụng các thiết bị dễ dàng hơn.

Phần mềm này còn có ưu điểm là có thể kiểm tra các cửa đang đóng hoặc mở; cài đặt chuông báo động cửa bằng phần mềm hoặc remote; hẹn giờ tắt - mở thiết bị điện, hẹn giờ tắt máy… Do phần mềm đơn giản, gọn nhẹ nên sẽ phù hợp với nhiều đối tượng từ trẻ em đến người già. Đặc biệt, chi phí lắp đặt thấp nên sẽ phù hợp với điều kiện kinh tế của các gia đình.
 
Xuất phát từ việc gia đình Hảo thường đi ra ngoài, nhưng lại hay quên tắt các thiết bị điện, nên Hảo nảy sinh ra ý tưởng và viết ra phần mềm.

“Em mất hết 1 năm mới viết xong đấy, trong lúc làm cũng gặp phải một số khó khăn như: không có người hướng dẫn nên nhiều khi mạch điện không chạy phải tự “mò” rất lâu mới có thể sửa được…”, Hảo nói.

Dù phần mềm đoạt giải nhất, nhưng theo Hảo vẫn còn hạn chế bởi mô hình và thiết bị tự ráp chưa mang tính thẩm mỹ cao. Hiện Hảo đang trong quá trình hoàn thiện để có thể áp dụng sử dụng trong gia đình. “Em sẽ thêm chức năng kiểm tra nhiệt độ, đồng thời tích hợp thêm giao diện nâng cao, phục vụ cho nhu cầu điều khiển số lượng lớn thiết bị” - Hảo cho biết về hướng phát triển của chương trình trong tương lai. (Gia Bình)
 
Xây dựng kho tư liệu
 
Có cùng đam mê lịch sử, Nguyễn Tuấn An (HS lớp 5A Trường tiểu học Hoàng Diệu, Hà Nội) đã xây dựng “Kho tư liệu lịch sử lớp 4 - lớp 5” phục vụ việc giảng dạy và học tập môn lịch sử. Phần mềm của An đoạt giải ba Hội thi Tin học trẻ toàn quốc 2012.
 
 Học sinh lớp 5 làm phần mềm
Nguyễn Tuấn An - Ảnh: H.Bình

 

Để làm kho tư liệu này cậu bé An đã học Frontpage 2003 và sử dụng phần mềm Violet, phần mềm Powerpoint để làm, sử dụng Google để tìm và tải tài liệu trên mạng internet.

Sau khi kết thúc học kỳ 1 lớp 4 (năm học 2010 - 2011), An đã thực hiện ý tưởng của mình trên giấy. Cậu bé còn đọc trước sách lịch sử lớp 5 và thử làm hết các bài tập lịch sử trong sách bài tập, rồi nhờ cô giáo dạy lớp 5 kiểm tra. Khi đã có kết quả đúng, An bắt đầu tiến hành làm phần mềm.

Giữa học kỳ 2 lớp 4, khi An đã đưa phần mềm “Kho tư liệu lịch sử  lớp 4 - lớp 5” cho các thầy cô Trường tiểu học Hoàng Diệu giảng dạy thử. “Em thật sự bất ngờ khi các cô cho em biết, các bạn rất thích thú và có sự say mê học hơn trong tiết lịch sử. Càng vui hơn, khi một số bạn làm phần bài trắc nghiệm lịch sử lớp 5 nói rằng, thấy dễ hơn và thích học môn lịch sử” - An nói.
 
“Bản thân em cũng nhận thấy học sử rất khó. Nếu không có những minh chứng cụ thể thì giờ học sẽ nhàm chán và không tài nào nhớ nổi. Em hy vọng rằng phần mềm của mình sẽ giúp các bạn và thầy cô học môn lịch sử hào hứng và yêu thích môn học đó”, An bày tỏ. (Thu Hằng)
 
Học sử từ tên đường
 
Ngay từ lớp 5, Ngô Phương Linh, HS lớp 6, Trường THCS Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội mới tập tành viết phần mềm tin học. Năm nay, Phương Linh chọn một đề tài khá hóc búa và đang là vấn đề thời sự hiện nay, đó là lịch sử. “Đây là môn học rất hay nhưng cực kỳ khó nhớ, khó thuộc khiến việc học không hiệu quả, vừa lãng phí thời gian, vừa mất công sức của thầy cô” - Phương Linh bộc bạch.
 
 Học sinh lớp 5 làm phần mềm
Ngô Phương Linh (phải) - Ảnh: T.H

 

Có lúc đi qua một con đường, hay bắt gặp một tên phố Linh không biết cái tên đó bắt nguồn từ đâu. Em tâm sự: “Nhiều lần em băn khoăn tự hỏi: ông này là ai mà lại được đặt tên làm tên con phố này nhỉ? Thật xấu hổ, khi mình là người Việt Nam mà không biết gì về lịch sử nước mình. Từ đó, em quyết tâm thiết kế trang web học lịch sử qua tên đường phố”.
 
Trang web có giao diện thân thiện gồm 5 menu chính: trang chủ, danh nhân, sự kiện, bản đồ, tác giả. Muốn tìm hiểu nội dung nào, chỉ cần nhấp chuột vào nội dung đó. Chẳng hạn, khi chỉ vào tên đường, bạn sẽ thấy các thông tin cụ thể về con đường với những cái tên quen và không quen.

Theo Phương Linh, đây là một cách để học lịch sử, khi bạn đọc như thế sẽ dễ nhớ hơn, và việc nhớ thông tin là từ sự mong muốn chứ không hề bị ép buộc. Ngoài ra, trang web còn có công cụ tìm kiếm các danh nhân lịch sử một cách thuận tiện nhất.

Nếu như trước đây, các bạn HS cố gắng nhồi nhét để nhớ mà không tài nào nhớ ra các mốc lịch sử, thì nay, trang web có những công cụ tìm kiếm, bạn sẽ tạo cho mình được thói quen và nhớ được tất cả các thông tin. Từ nguồn gốc việc đặt tên cho các con phố ở Hà Nội, đến những nhân vật nổi bật đã sống hoặc có cống hiến lớn cho dân tộc, đất nước Việt Nam qua mọi thời kỳ của lịch sử được nhớ tới một cách trang trọng nhưng rất đỗi gần gũi.
 
Đặc biệt đến với website còn được thử sức với hệ thống các câu hỏi trắc nghiệm được thiết kế bởi phần mềm chuyên nghiệp Adobe Presenter. Không những thế, bạn còn đưa được bản đồ lên website cá nhân, chia sẻ với mọi người.
 
Phương Linh chia sẻ: “Em hy vọng trang web của mình sẽ mang lại nhiều điều thú vị cho mọi người, đặc biệt là các bạn HS, nhất là những kiến thức bổ ích về lịch sử một cách dễ dàng. Em mong muốn tặng cho mọi người website này để mọi người có thể nhúng nó vào website của chính mình. Từ đó sẽ được phát triển rộng rãi hơn”. Phần mềm của Linh đoạt giải ba Hội thi Tin học trẻ toàn quốc 2012.
 
Theo Thanhnien

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích