Apple, công ty công nghệ có giá trị nhất trên thế giới hiện nay, vừa hé lộ quy trình thiết kế phần cứng đã được giữ kín từ trước đến nay. Quy trình này đã tạo ra những sản phẩm điện tử phổ biến nhất trong 10 năm trở lại đây.
Trong cuộc đấu pháp lý về bằng sáng chế với Samsung, Apple đã triệu tập nhân viên thiết kế kì cựu có 17 năm gắn bó với Apple, Christopher Stringer, để làm người làm chứng đầu tiên cho công ty. Christopher đã nói với ban hội thẩm: “Nhiệm vụ của chúng tôi là tưởng tượng ra những sản phẩm không tồn tại và biến chúng thành sự thực”.
Các sản phẩm của Apple, đặc biệt là iPhone, được đánh giá rất cao trong ngành. Thiết bị đã cách mạng hoá ngành công nghiệp điện thoại thông minh này thậm chí còn được trưng bày trong Viện Bảo tàng Nghệ thuật đương đại San Francisco.
Để có được những sản phẩm này, Apple đã phải nhờ tới chuyên gia sáng tạo Jonathan Ive và “bộ sậu” các nhà thiết kế của ông đến từ Anh, Mỹ, Úc, Nhật và Đức hơn một thập kỷ nay.
Nhà thiết kế sáng tạo Jonathan Ive
Theo ông Christopher, nhóm thiết kế của Apple bao gồm 15 đến 16 nhà thiết kế công nghiệp, dẫn đầu bởi Jonathan Ive. Nhóm này thiết kế tất cả sản phẩm của công ty và dành ra thời gian mỗi tuần để thảo luận chung quanh một chiếc bàn ăn trong nhà bếp. Đó là nơi mọi người trong nhóm cảm thấy thoải mái nhất, Christopher nói.
Nhóm của Jonathan Ive chủ yếu làm việc trong một phòng studio rộng ở khuôn viên công ty Apple tại Cupertino, California, có nhạc giải trí phát ra từ một dàn loa khổng lồ. Căn phòng này chỉ mở cửa đối với một bộ phận nhỏ nhân viên của công ty.
Hầu hết các thành viên trong nhóm đều đã làm việc cùng nhau từ 15 đến 20 năm, theo Christopher, người sở hữu hàng trăm bằng sáng chế thiết kế. “Chúng tôi đã cùng hội cùng thuyền trong một thời gian dài khủng khiếp, và chúng tôi là một nhóm người khá điên khùng. Cả bọn đều bị ám ảnh về các chi tiết.”, Christopher cho biết.
Qua nhiều năm, nhóm này đã có được danh tiếng nhờ kết hợp sự thu hút về mặt thẩm mỹ với các tính năng kĩ thuật. Christopher là người tham gia thiết kế chiếc iPhone đầu tiên, có mã nội bộ là M-68, cùng với hàng loạt sản phẩm di động của Apple.
Jonathan Ive đang xem xét khung máy tính Mac
Một khi ý tưởng thiết kế sản phẩm đã hình thành thông qua những buổi thảo luận, nhóm thiết kế phác thảo các ý tưởng đó và dựng mẫu bằng quy trình thiết kế có hỗ trợ của máy tính. Nhóm thiết kế không luôn luôn tuân theo quy trình sáng tạo một chiều từ ý tưởng đến phác thảo, dựng mẫu và phát triển demo. Theo Christopher, các concept đã phát triển sẽ bị vứt bỏ nếu một ý tưởng tốt hơn nảy sinh.
“Chúng tôi luôn nghi ngờ. Chúng tôi luôn đặt câu hỏi.”, ông nói.
Christopher cũng liệt kê một số vấn đề về sản xuất đối với chiếc iPhone đầu tiên, từ việc đặt mặt kính gần sát mặt thép cứng cho đến việc cắt lỗ trên mặt kính.
“Mọi người đều nghĩ chúng tôi điên.”, Christopher chia sẻ.
Có lẽ cũng nhờ sự sáng tạo vô hạn đến điên khùng này mà ngày nay chúng ta mới có được những sản phẩm ưu việt của Apple, góp phần làm cho đời sống công nghệ có một bước tiến vượt bậc.