Mạng Internet tròn 30 tuổi

Thứ năm, 03/01/2013, 16:30
Ngày 01/01/2013 đánh dấu kỷ niệm 30 năm ngày chuyển đổi toàn bộ máy tính mạng ARPANET – tiền thân của mạng Internet – sang công nghệ có tên TCP/IP.

TCP là viết tắt của “Transmission Control Protocol” và IP viết tắt của ““Internet Protocol”. Hai công nghệ này cùng hoạt động với nhau để định tuyến lưu lượng dữ liệu Internet – hay còn gọi là “các gói dữ liệu” – từ một máy tính có kết nối Internet sang một máy tính khác.

vintcerf2.jpg
Ông Vint Cerf

Ông Vint Cerf, phó chủ tịch của Google đồng thời là nhà đồng sáng tạo ra TCP/IP - cha đẻ của Internet - giải thích trong một bài blog đăng ngày 02/01/2013 rằng TCP/IP rất quan trọng với tương lai của Internet. Ông Cerf nói: “Trước đây không hề có ngôn ngữ chung. Mỗi mạng lại sử dụng công nghệ truyền thông riêng để truyền đi các gói dữ liệu, và không có cách nào để truyền đi các bit thông tin giữa các mạng với nhau”.

Nếu thiếu một mạng liên kết (tên gọi Internet xuất phát từ ý nghĩa mạng liên kết), khó mà tưởng tượng được bao nhiên tiện nghi công nghệ ngày nay sẽ không thể tồn tại.

TCP/IP đóng góp một phần quan trọng trong sự ra đời của Gopher (1991) - một ứng dụng cho phép tìm kiếm và truy xuất tài liệu qua mạng Internet. Gopher được coi là tiền thân của Web hiện đại, mặc dù nhà sáng lập Web, ông Tim Berners-Lee, đã phát triển HTML cùng khoảng thời gian đó.

Giao thức mà ông Cerf và những người khác sáng tạo ra cũng giúp con người có thể tải về trực tiếp các nội dung truyền thông. Sau khi Berners-Lee bắt đầu World Wide Web, một công ty có tên Real đã phát hành RealAudio vào tháng 04/1995.

RealAudio là ứng dụng đầu tiên cho phép tải về các đoạn audio ghi âm. Điều này đã thúc đẩy sự phát triển của công nghệ tải nội dung truyền thông với sự xuất hiện của các chương trình như Windows Media, Flash..

Nếu không có giao thức mạng TCP/IP, không thể xuất hiện các dịch vụ nhắn tin như Skype. Skype sử dụng giao thức mạng TCP/IP để xác định vị trí cần truyền cuộc gọi video hoặc cuộc gọi thoại tới người mà bạn muốn liên lạc.

Các tính năng sử dụng TCP/IP đã trở nên quá phổ biến tới mức Internet đã bị cạn kiệt nguồn tài nguyên địa chỉ cho các thiết bị. Để khắc phục điều này, giao thức IPv6 chính thức đi vào hoạt động từ tháng 06/2012. IPv6 tăng số lượng địa chỉ từ 4,3 tỷ lên hàng nghìn tỷ.

Ông Cerf trầm ngâm nói: “Tôi cảm thấy vô cùng may mắn khi được đóng góp một phần, và giống như niềm tự hào của một người cha, rất vui mừng khi được chứng kiến Internet phát triển. Tôi hi vọng các bạn sẽ cùng với tôi đóng góp cho Internet, để Internet tiếp tục kết nối chúng ta trong tương lai”.

Theo Ictnews

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích