Bàn phím không dây nhiều mẫu nhưng ít người mua

Thứ năm, 17/01/2013, 22:05
Bên cạnh hàng chính hãng, thị trường bàn phím không dây cho thiết bị di động có nhiều sản phẩm trôi nổi không thương hiệu với mẫu mã nhái giống hệt nhưng giá bán chỉ bằng 25%. 
Bàn phím không dây nhiều mẫu nhưng ít người mua

Trong khi chờ đợi các thiết bị lai máy tính bảng - laptop có giá “mềm” hơn, việc sắm thêm bàn phím không dây cho máy tính bảng là giải pháp được nhiều người dùng tính đến, tuy nhiên, rất khó để tìm được bàn phím ưng ý, hợp túi tiền.

Hầu hết bàn phím không dây dùng cho máy tính bảng có đặc điểm chung là nhỏ gọn (để có thể mang theo máy tính bảng), kết nối với thiết bị qua Bluetooth nên có thể sử dụng được với mọi loại tablet, thậm chí cả điện thoại có kết nối này. Thị trường có rất nhiều loại, giá cả chênh lệch nhau cả triệu đồng.

Hiện tại, một số hãng sản xuất máy tính bảng đều có bàn phím không dây để phục vụ cho sản phẩm của mình như Apple có Wireless Keyboard cho các sản phẩm chạy iOS, Mac; Microsoft có Wedge Mobile Keyboard cho các máy tính bảng chạy hệ điều hành Windows…

Các sản phẩm này thường có thiết kế dạng bàn phím rời. Vì kết nối qua Bluetooth nên nhìn chung, chúng đều có thể sử dụng được với mọi máy tính bảng nhưng bàn phím của hãng nào thường được thiết kế riêng cho máy của hãng đó nên chỉ tối ưu khi sử dụng với thiết bị cùng hãng.

Giá sản phẩm khá cao, từ 1,5 đến 2 triệu đồng, và rất ít nơi bán.

Gần đây, các hãng sản xuất phụ kiện truyền thống cho máy tính như Logitech, Genius, Rapoo hay phụ kiện cho smartphone, máy tính bảng như Puro, Rock cũng tham gia sản xuất bàn phím không dây.

Sản phẩm của các hãng này đa dạng hơn về mẫu mã, từ kiểu bàn phím rời, bàn phím dẻo có thể cuộn tròn, dạng đế (dock) hay bao da đi kèm. Nhìn chung, dạng đế hay bao da thường dành cho máy có màn hình 9,7 – 10,1 inch. Giá sản phẩm chỉ dao động từ 800 nghìn đến 1,6 triệu đồng.

Bàn phím không dây nhiều mẫu nhưng ít người mua

Mẫu bàn phím nhái của Apple được các cửa hàng bán từ 380 đến 550 nghìn đồng trong khi hàng chính hãng Apple 1,7 triệu đồng. Ảnh: Hải Mỹ.

Hàng chính hãng có bao nhiêu dạng thì hàng trôi nổi cũng có từng đấy kiểu ăn theo, khác nhau có chăng nằm ở chất liệu, giá cả.

Ví dụ, một chiếc bàn phím dành cho iPad chính hãng Apple giá 1,7 triệu đồng và chỉ được bán tại một vài cửa hàng, trong khi đó sản phẩm có mẫu mã y chang nhưng là hàng Trung Quốc được nhiều cửa hàng trên phố Lê Thanh Nghị (Hà Nội) bán chỉ 380 nghìn đồng.

Đáng chú ý, hàng chính hãng thường sử dụng kết nối Bluetooth 3.0 (cho tốc độ kết nối nhanh và ổn định, tiết kiệm năng lượng hơn) trong khi hàng nhái sử dụng kết nối Bluetooth 2.0.

Các loại bàn phím cuộn tròn hay kèm bao da của Trung Quốc thường là bàn phím cao su, lại thiết kế cho phù hợp với chiều dài của máy tính bảng nên phím nhỏ, rất khó bấm.

Trong khi đó, bàn phím rời nhái của Apple cũng bắt chước dạng phím chìm, gõ chuẩn hơn nhưng chất lượng gia công còn ẩu, các gờ bằng nhựa rất sắc.

Bàn phím không dây nhiều mẫu nhưng ít người mua
Bàn phím kèm bao da của Trung Quốc có nhiều màu sắc thời trang

Ngoài các mẫu mã nhái, thị trường cũng có nhiều bàn phím không dây của các nhà sản xuất Trung Quốc, loại này thường dưới dạng bàn phím kèm bao da hay dạng đế.

Với loại bàn phím bao da, hàng Trung Quốc có nhiều màu hẫp dẫn, đặc biệt bàn phím có nhiều màu (thay vì chỉ hai màu đen, trắng như hàng hãng) cùng tông với bao da trông khá bắt mắt và thời trang. Bao da đi kèm nhiều mẫu được thiết kế rất điệu đà.

Theo phản ánh của nhiều cửa hàng, nhu cầu đối với các loại bàn phím Bluetooth cho máy tính bảng không cao, lác đác mới có khách mua, trong đó, loại bàn phím kèm bao da được chuộng hơn vì khi gập lại trông gọn như một cuốn sổ tay.

Với nhiều người, tâm lý chung khi nghĩ về bàn phím cho máy tính bảng là không có thì thiếu, có thì thừa, "tốt nhất không nên chọn loại đắt tiền cho phí", anh Minh Tâm (Linh Đàm, Hà Nội) bộc bạch.

Theo VNE

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích