Về vụ kiện này, luật sư Nguyễn Thành Công cho biết đã gởi đơn thẳng đến tòa án nơi Apple đặt trụ sở (California, Mỹ), vì nó phù hợp với các điều ước song phương và đa phương mà Việt Nam và Mỹ đã ký kết. Cũng theo luật sư này, Apple đã vi phạm Điều 106 của Luật Quyền tác giả của Hoa Kỳ; Điều 9 của Công ước Berne; Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam; và Điều 5 Hiệp ước Việt Nam - Hoa Kỳ về việc thiết lập quan hệ quyền tác giả năm 1997.
100 ngàn USD là bình thường
Luật sư Nguyễn Thành Công
|
Xin anh cho biết vì sao có con số 100 ngàn USD tròn trĩnh, mà không phải thấp hơn, hoặc cao hơn?
Căn cứ theo Luật Sở hữu trí tuệ (Đ.204, 205), Nghị định 105/2006 (Đ.16, 17, 18) về nguyên tắc xác định thiệt hại là tổn thất thực tế về tinh thần và vật chất do hành vi xâm phạm trực tiếp gây ra đối với chủ thể quyền sở hữu trí tuệ. Các khoản này gồm tổn thất về tinh thần do danh dự, uy tín bị xâm phạm; tài sản ở đây là giá trị chuyển nhượng quyền sở hữu về quyền tác giả của cuốn sách; tổn thất về cơ hội kinh doanh; chi phí để ngăn chặn (chi phí thuê luật sư).
Cụ thể, vì việc xâm phạm quyền tác giả này mà Lê Kiều Như đã mất đi cơ hội kinh doanh là chuyển giao quyền xuất bản đối với cuốn sách (20 ngàn USD); tổn thất tinh thần (30 ngàn USD); phí luật sư (50 ngàn USD).
Theo quy định của Đ.205 Luật Sở hữu trí tuệ, mức bồi thường thiệt hại về vật chất cao nhất là 500 triệu đồng, tức khoảng 25 ngàn USD.Ở đây xác định bồi thường vật chất chỉ là 20 ngàn USD là hợp lý.
Ngoài ra, vụ việc này với đối tượng là hãng Apple có trụ sở chính tại Mỹ nên nếu phải giải quyết bằng con đường tố tụng thì phải áp dụng luật Mỹ và giải quyết tại Mỹ nên các con số này rất thông thường.
Con số 100 ngàn USD này có phụ thuộc vào nhãn hiệu vi phạm không?
Con số 100 ngàn USD được đưa ra trong đơn kiện đã được ghi rõ là dựa trên sự tổn thất như đã nói trên. Không phải vì phía bên vi phạm là Apple mà bất cứ công ty nào khác, dù là ở Trung Quốc hay Việt Nam, thì những tổn thất do việc vi phạm bản quyền đối với tác phẩm Sợi xích của thân chủ tôi - Lê Kiều Như - là hiện hữu, không thay đổi.
Nếu Apple chính thức xin lỗi và đưa ra một con số thấp hơn 100 ngàn USD, với cách tính theo lập luận của họ, bên anh có đồng ý không?
Apple có cách tính và lập luận của họ, chúng tôi có cách tính và lập luận theo cách của mình. Nếu phía Apple nhận rõ được sai phạm và có những hành động khắc phục: Công khai xin lỗi thân chủ tôi; đền bù hợp tình, hợp lý, chúng tôi sẽ cân nhắc lời đề nghị đó.
Ngoài ra, chúng tôi cũng hiểu “vô phúc đáo tụng đình”, trăm nghìn sự nhiêu khê, phức tạp và tốn kém khi phải giải quyết vụ việc này bằng kiện tụng.
Mở thêm một tiền lệ tốt
Lâu nay nhiều người hay định kiến: Chỉ có Việt Nam mới thường vi phạm quyền tác giả. Từ vụ kiện này, bên anh muốn cảnh báo điều gì?
Gióng lên tiếng chuông cảnh báo sự vi phạm quyền tác giả nói riêng và quyền sở hữu trí tuệ nói chung đang diễn ra tràn lan, từ những tổ chức nhỏ hoặc cá nhân trong nước, cho đến các tổ chức lớn của nước ngoài, mà đích nhắm đến là người Việt Nam. Tức sự vi phạm này không chỉ ở những nước chưa phát triển mà còn khởi nguồn từ chính các nước phát triển, văn minh, nơi vấn đề sở hữu trí tuệ - quyền bậc cao của con người - luôn được bảo vệ mạnh mẽ với hệ thống pháp luật chặt chẽ, chi tiết.
Theo Lê Kiều Như, bước kế tiếp chị sẽ vận động nhiều tác giả đang bị xâm phạm quyền tác giả giống như mình lên tiếng. Theo anh, tại sao họ chưa lên tiếng? Có phải vì người Việt cũng hay vi phạm quyền tác giả nên mặc kệ?
Tôi không đồng ý với vế cuối của câu hỏi này. Theo tôi, nhiều tác giả, nghệ sĩ bị vi phạm quyền tác giả mà vẫn im tiếng, chưa lên tiếng, có thể, họ chưa nhận thức được tầm quan trọng và thiệt hại phát sinh từ những vi phạm đó; hoặc họ nhận thấy không đủ căn cứ để kiện đòi.
Hơn nữa tâm lý người Việt Nam từ xưa đến giờ đó là rất ngại va chạm trong cuộc sống, với những “va chạm” lớn, mang tính quốc tế như vậy, họ “không quen”, nên cứ “mặc kệ”.
Ngoài ra, đó là bởi từ trước đến giờ, chưa có một tiền lệ nào về việc kiện đòi quyền sở hữu trí tuệ từ phía Việt Nam đối với các nước khác, mà cụ thể là một cường quốc như Mỹ. Do đó, từ phía thân chủ tôi cũng như tôi, vụ việc lần này, nhằm tạo lập một tiền lệ tốt, để các tác giả, nghệ sĩ khác đứng lên kiện đòi lại công bằng cho bản thân, nếu bị xâm hại.
Bên anh nghĩ cơ hội thắng kiện của mình là bao nhiêu %?
Tôi hoàn toàn đặt trọn niềm tin vào sự công tâm của pháp luật. Bởi lẽ, mọi chứng cứ từ phía thân chủ tôi đưa ra đều xác thực. Bên cạnh đó là các chứng cứ mà chúng tôi đang tiếp tục thu thập là rất thuyết phục và có sơ sở. Thân chủ tôi có đầy đủ quyền tác giả đối với tác phẩm Sợi xích - cả về quyền nhân thân lẫn quyền tài sản, quyền sở hữu ấy được pháp luật nước CHXHCN Việt Nam cũng như thế giới bảo hộ.
Về phía Apple, sai phạm của họ đã rõ: Phát hành ấn bản điện tử dưới dạng E-book có thu phí của tác phẩm Sợi xích khi chưa được sự cho phép của thân chủ tôi. Hơn nữa còn mạo nhận “nội dung và hình ảnh được cung cấp bởi chính tác giả”. Chúng tôi tự tin về cơ hội thắng kiện của mình.
Theo TT&VH