|
Theo đó, người thi hành công vụ được hiểu là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật... Trong lúc làm nhiệm vụ, nếu gặp phải trường hợp chống đối, người thi hành công vụ giải thích cho người vi phạm biết lỗi mắc phải, yêu cầu chấm dứt ngay hành vi. Nếu người vi phạm không chấp hành, người thi hành công vụ mới được sử dụng biện pháp bắt giữ, khám xét, cưỡng chế...
Trong trường hợp cần thiết, cấp bách hoặc người có hành vi chống người thi hành công vụ sử dụng vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thô sơ tấn công tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nổ súng để phòng vệ chính đáng, tấn công, khống chế, bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ.
Nghị định nêu rõ, việc nổ súng trong khi thi hành nhiệm vụ được thực hiện theo quy định tại điều 22 pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Theo đó, việc nổ súng chỉ được thực hiện khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo.
Nếu việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cho bản thân hoặc người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được nổ súng ngay. Trong mọi trường hợp nổ súng, cần phải hạn chế thiệt hại gây ra và người nổ súng được miễn trừ trách nhiệm khi đã tuân thủ đúng quy định…
Theo trung tướng Trần Bá Thiều, Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng, Bộ Công an, tổng hợp báo cáo các địa phương từ năm 2000 đến tháng 8/2012, tình trạng chống người thi hành công vụ đã khiến 43 cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh và 2.218 cán bộ, chiến sĩ công an khác bị thương vì người chống đối. Qua phân tích, có tới 60% trường hợp chống đối là vi phạm luật giao thông.
Theo Thanhnien