Trao đổi xung quanh đề xuất cho phép người thi hành công vụ nổ súng vào đối tượng chống đối của Bộ Công an, ông Lê Thanh Tòng – Phó Viện trưởng VKSND huyện Bình Chánh (TP.HCM) cho rằng: hiện nay pháp luật đã có những quy định về các trường hợp được quyền nổ súng. Tuy nhiên, các quy định trên đã đầy đủ và chặt chẽ hay chưa vẫn còn là vấn đề cần phải xem xét.
Ông Tòng nhìn nhận trong thời gian gần đây, các vụ việc chống người thi hành công vụ có chiều hướng tăng và ngày càng phức tạp, nhiều trường hợp người thi hành công vụ bị tấn công với thương tích nặng.
Theo ông Tòng, sở dĩ xảy ra tình trạng trên một phần do quyền giao cho người thi hành công vụ theo quy định hiện còn quá hạn chế.
Một bộ phận người thi hành công vụ khi thực hiện nhiệm vụ họ không dám mạnh tay với tội phạm, các đối tượng vi phạm ngày càng nhiều và tỏ ra “lờn thuốc”. Do vậy, tăng quyền cho người thi hành công vụ là việc nên làm nhưng tăng thế nào, tăng trong trường hợp nào thì cần có những quy định chi tiết, chặt chẽ và cụ thể?
Những hình ảnh chống người thi hành công vụ (Ảnh minh họa: Tiền phong) |
Ngược lại, trao đổi với VNN xung quanh vấn đề trên, ông Đinh Văn Quế - nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao cho rằng lý do Bộ công an đưa ra dự thảo nghị định trên là không thuyết phục.
Ông Đinh Văn Quế phân tích, pháp luật hiện hành đã có những quy định rất cụ thể về các trường hợp được nổ súng tại Điều 22 Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, việc nổ súng của Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, việc nổ súng của Công an nhân dân thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an và đương nhiên những quy định này không được trái với Điều 22 của Pháp lệnh trên.
Ông Quế phân tích và cho rằng các quy định tại Điều 22 của Pháp lệnh số 16 đã đầy đủ và rất rõ ràng, vấn đề Bộ Công an nên làm ở đây là cần tập huấn, trang bị cho các chiến sĩ, cán bộ trong ngành nhận thức và nắm chắc về các trường hợp được nổ súng, những trường hợp không được phép nổ súng… theo quy định tại điều này chứ không phải là việc đưa ra một dự thảo nghị định khác.
Đồng tình với quan điểm này, ông Đỗ Ngọc Oánh – nguyên Kiểm sát viên VKSND TP.HCM tỏ ra lo ngại với đề xuất của Bộ Công an. Ông phân tích, tính mạng con người là bất khả xâm phạm được pháp luật bảo vệ. Hiện nay, pháp luật đã có quy định về một số trường hợp được phép nổ súng do đó việc đưa ra dự thảo trên nữa là không cần thiết.
Ông Oánh phân tích, trong mọi tình huống thi hành công vụ thì bằng trình độ, nghiệp vụ của mình, người thi hành công vụ sẽ luôn phải vừa đấu tranh với tội phạm vừa có tinh thần cảnh giác, những biện pháp phòng ngừa.
Với những đối tượng có ý thức chống trả quyết liệt, đến cùng thì người thi hành công vụ có thể sử dụng các công cụ hỗ trợ như súng cao su, đạn gây mê… chứ nếu cho phép người thi hành công vụ nổ súng bằng đạn thật vào người chống đối sẽ rất nguy hiểm. Khi hậu quả đã xảy ra sẽ không thể khắc phục được.
Để nói rõ quan điểm trên, ông Oánh đưa ra giả thiết trong trường hợp đối tượng chống người thi hành công vụ là người mắc bệnh tâm thần, người thiểu năng nhận thức… lúc đó họ không thể kiểm soát được hành vi, nếu người thi hành công vụ nổ súng vào họ sau đó mới biết họ có tiền sử bệnh thì làm sao khắc phục?
Ngoài ra, với những hành vi chống người thi hành công vụ diễn ra ở nơi đông người, liệu việc nổ súng có đảm bảo an toàn tính mạng những người dân vô tội? Nổ súng đương nhiên sẽ gây hoang mang cho quần chúng nhân dân.
Đây là vấn đề liên quan trực tiếp tới người dân, nên việc soạn thảo, ban hành, thực thi các quy định này phải hết sức thận trọng.
Theo VNN