Tiền có ngăn được ngoại tình?

Thứ sáu, 15/03/2013, 07:52
Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến nội dung dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp. Dự thảo gồm 8 chương, 74 điều, bao gồm các nội dung: Hôn nhân và gia đình; phá sản doanh nghiệp; hành chính tư pháp; bổ trợ tư pháp và thi hành án dân sự).

Trong đó, đáng chú ý, điều 46 quy định hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng. Cụ thể, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác, nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng.

Mức phạt cũng áp dụng với trường hợp: Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ, nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng.

Dự thảo của Bộ Tư pháp có nội dung tăng tiền phạt tội ngoại tình, quấy rối tình dục…  xem chừng cũng không thể ngăn được “xu hướng” ngày càng phát triển trong xã hội. Bộ luật Hình sự đã có điều khoản “phạt” tội này, nhưng chẳng mấy người ngoại tình phải ra tòa.

ngoai tinh


Theo Bộ Tư pháp, mức phạt tội ngoại tình nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng, “loạn luân” trong kết hôn giữa cha, mẹ nuôi với con; bố dượng, mẹ kế với con riêng, bố, mẹ chồng với con dâu, rể... đang áp dụng theo Nghị định 87/2011 là quá nhẹ, không đủ sức răn đe những người có hành vi vi phạm các tội trên.

Vì vậy, Bộ Tư pháp nhận thấy cần phải nâng mức phạt, hy vọng đủ sức răn đe, ngăn chặn cái tội mà các cụ ngày xưa “áp dụng” mức phạt mà ai phạm phải cũng thấy “tởn” đến già: Gọt đầu, bôi vôi, thả trôi sông.

Trên báo chí, ngày ngày xuất hiện dày đặc các thông tin đánh ghen được mô tả cực kỳ man rợ của các bà vợ có máu 'Hoạn Thư'. Không ít ông chồng, bà vợ vì quá ghen, mất lý trí... đã lâm vào con đường tù tội.

Giới công chức, nhất là với những người có chức sắc thì việc đánh ghen không gây “khói lửa”, họ cay đắng, âm thầm ghen trong “bóng tối” để giữ êm ấm gia đình, đặc biệt là vị thế của chồng..., hậu quả là phải tìm đến bác sĩ tâm thần, hay nhẹ nhàng hơn là xả stress trên mấy cái chuyên mục tâm tình.

Ngay sau khi dự thảo được báo chí đưa tin, dư luận lại “ầm ầm” bàn thảo, nhất là “ngoại tình” đang là cái mốt với giới công chức, các đại gia, những người lắm tiền, nhiều của. Có người tặc lưỡi, tiền triệu ư? Quá đơn giản! Nhưng cái khó nhất là người thực thi việc phạt.

“Con có khóc thì mẹ mới cho bú, phải chăng, nếu nghị định được ban hành, e rằng cũng chỉ áp dụng được với một nhóm nhỏ - đối tượng “có tóc”- nghĩa là nằm trong phạm vi quản lý hành chính. Nhưng những đối tượng phạm tội trên lại không dại gì mà “lạy ông tôi ở bụi này”, họ thuê nhà nơi không đăng ký hộ khẩu, đố ai phạt được họ.

Không biết Bộ Tư pháp thống kê được đối tượng vi phạm Nghị định 87 là bao nhiêu người để làm cơ sở, căn cứ mà nâng mức phạt lên gấp đôi? Bao nhiêu trường hợp đã bị xử lý trước pháp luật, được quy định tại Điều 147 Bộ luật Hình sự, tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng.

Đặc biệt hơn, thế nào là vi phạm “ngoại tình” gây hậu quả nghiêm trọng? Mức phạt dao động từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng, đối tượng nào áp dụng mức tiền nào, hay vi phạm “nặng nhẹ” tùy người có thẩm quyền phán quyết?

Nhân đây cũng xin nhắc lại chuyện Bộ LĐ-TB-XH đã từng đưa vào dự thảo Nghị định xử phạt hành chính... trong lĩnh vực lao động. Bộ này đề xuất hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc sẽ bị phạt số tiền lên đến 50 triệu đồng. Thế nào là quấy rối tình dục, để xác định được mức độ vi phạm để mà phạt đâu phải dễ.

Tiền không thể ngăn ngừa được những hành vi phạm tội liên quan đến tình cảm ngoài luồng. Liệu rằng hai dự thảo của hai bộ đang tổ chức lấy ý kiến có tính khả thi khi triển khai thực hiện không? E rằng, lại ban ra để cho có!

Theo Laodong

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích