Đặt nhà ga ngầm hồ Gươm: Lộ "bức tâm thư" bị quên lãng

Thứ năm, 14/03/2013, 16:33
Sau khi TP. Hà Nội chính thức chấp thuận đặt nhà ga ngầm trên đường Đinh Tiên Hoàng, PGS. TS. Hà Đình Đức mới tiết lộ, cách đây 5 năm, vào đúng ngày đầu xuân Mậu Tý (năm 2008), ông đã gửi một bức tâm thư đến những người đứng đầu TP. Hà Nội về mối lo sợ các di tích lịch sử, văn hóa quanh Hồ Gươm sẽ bị “tổn thương” khi thực hiện dự án.

"Một sai lầm lớn!"

Trong bức tâm thư gửi đích danh TS. KTS. Nguyễn Thế Thảo, chủ tịch UBND TP. Hà Nội, đồng gửi đến GS. Phan Huy Lê, chủ tịch hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; GS. TSKH. Lưu Trần Tiêu, chủ tịch hội Di sản Văn hóa Việt Nam, PGS. TS. Hà Đình Đức không ngần ngại khẳng định: "Tôi không thấy dự án này đánh giá tác động các di tích văn hóa, lịch sử của Hà Nội mà chỉ đánh giá tác động môi trường. Nếu như vậy, tôi cho là một sai lầm lớn".

Ho Guom

Bức tâm thư cũng nêu rõ: "Ngoài khu vực Hồ Gươm, Hà Nội còn có Tứ Trấn (đền Quán Thánh, đền Bạch Mã, đền Voi Phục và đình Kim Liên) là khu vực địa linh của Thăng Long - Hà Nội, cho nên các tuyến đường tàu điện ngầm nếu xuyên qua các khu vực này thì hậu quả về tâm linh cho Hà Nội là khó lường và không thể cân đong đo đếm được.

Vì vậy, tôi viết tờ trình này, kính mong hai ông chủ tịch hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Chủ tịch hội Di sản Văn hóa Việt Nam đồng thuận với đề xuất của tôi và tham mưu cho UBND TP.Hà Nội, định hướng cho chủ đầu tư xây dựng và thực hiện dự án vừa đảm bảo cho sự phát triển của Thủ đô vừa bảo tồn được các di sản văn hóa, lịch sử của Hà Nội, tránh được những hậu họa".

Năm năm sau khi bức tâm thư được gửi đi, đến thời điểm hiện tại, khi UBND TP. Hà Nội chấp thuận đặt nhà ga tàu điện ngầm sát Hồ Gươm (đoạn trên đường Đinh Tiên Hoàng, như trong số báo trước, bài báo đã đề cập cụ thể - PV).

PGS. TS. Hà Đình Đức vẫn giữ nguyên tâm trạng vô cùng lo lắng, bởi với ông: "Hà Nội là mảnh đất linh thiêng trong lòng mỗi người dân Việt. Ở đó có mật độ di tích lịch sử văn hóa dày đặc, nhất là khu vực Hồ Gươm. Nếu không thận trọng, những công trình hiện đại đó không chỉ phá vỡ cảnh quan mà còn ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của người dân".

Nhưng có một việc mà chính PGS. TS. Hà Đình Đức - người có bề dày nghiên cứu về Hồ Gươm vẫn còn day dứt, bởi suốt quãng thời gian trên, bức tâm thư của ông dường như chưa đến được tay người nhận, khi không có bất cứ một tín hiệu  nào phúc đáp. Phải chăng, những lo lắng, kiến nghị của PGS. TS. Hà Đình Đức chưa đáng để những người đứng đầu TP. Hà Nội để tâm?

Ho Guom

Việc xây dựng nhà ga ngầm cạnh Hồ Gươm còn nhiều ý kiến trái chiều.

Điểm mặt những vụ "lình xình" quanh Hồ Gươm

Không phải đến bây giờ, Hồ Gươm mới được làm nóng bởi những dự án... "lạ thường", mà trước đó, hàng loạt những điều tiếng không hay đã được công luận phản ánh.

Đầu tiên là dự án "đại siêu thị" được "sản sinh" bởi công ty Thương mại (Bách hóa tổng hợp Tràng Tiền) thuộc sở Thương nghiệp Hà Nội ký kết liên doanh với công ty Dragon Property Asia Limited để biến Bách hóa tổng hợp Tràng Tiền mà người dân Hà Nội và khách thập phương quen gọi là Bách hóa tổng hợp, thành siêu thị Hà Nội-PLAZA với khối nhà 10 tầng và 20 tầng.

Tháng 5/1994, Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư đã cấp giấy phép đầu tư, thành lập công ty liên doanh trung tâm Thương mại Hà Nội với cái tên The Ha Noi - PLAZA.

Nhưng chẳng lâu sau, tháng 12/1998, bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký quyết định chấm dứt hiệu lực pháp lý của giấy phép trên vì công ty nước ngoài chưa kiếm được tiền và sở Thương mại Hà Nội đã có dự án thành lập công ty Đầu tư thương mại Hoàn Kiếm để thực hiện xây dựng công trình này.

Tiếp theo là dự án Khách sạn Hà Nội Vàng, một công trình nếu thực hiện sẽ đè nát không gian kiến trúc Hồ Gươm. Nó đã gây nên sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận và được báo chí ghi nhận là sự kiện thứ 6 trong 10 sự kiện văn hóa và báo chí năm 1996. Sau gần 10 năm, từ liên doanh lòng vòng với các nhà đầu tư nước ngoài sau cùng lại thuộc về tập đoàn Bảo Việt và VP Bank.

Một dự án nữa, nhưng may mắn được dẹp từ trong "trứng nước", đó là dự án liên doanh giữa bộ Văn hóa Thông tin và tổng cục Du lịch tại khuôn viên 16 Lê Thái Tổ. Tháng 3/1996, cơ quan liên doanh dự định xây dựng ở đây toà nhà 4 tầng, cao 16m với diện tích 762,7m2, áp sát vào chân tượng vua Lê - di tích lịch sử Quốc gia.

Lúc đó, PGS. TS. Hà Đình Đức và hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã gửi thư lên Thủ tướng Chính phủ phản đối dự án này. Công luận đồng tình lên tiếng, cuối cùng, dự án đã được dẹp bỏ.

Thêm vụ được nhắc đến với tòa nhà khoác tấm áo choàng màu đen bên Hồ Gươm mang tên DAEWOO. Đây là công trình kết hợp, sai giấy phép (nhà xe điện cũ) và không giấy phép (bách hóa Bờ Hồ). Không lâu sau, Thủ tướng Chính phủ đã ra thông báo yêu cầu Hà Nội xử lý nghiêm khắc và buộc chủ đầu tư phải sửa kiến trúc công trình.

Trong Quyết định 448 ra ngày 3/8/1996, bộ Xây dựng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết Hồ Gươm và vùng phụ cận, trong đó có yêu cầu cần sớm sửa chữa kiến trúc toà nhà trụ sở UBND TP. Hà Nội.

Hơn hai tháng sau, UBND TP. Hà Nội cũng có quyết định mời năm đơn vị có uy tín chuyên môn tham gia lập phương án cải tạo kiến trúc công trình nói trên (gồm: Bộ Xây dựng, trường đại học Kiến trúc, trường đại học Xây dựng, hội Kiến trúc sư Việt Nam và công ty Kiến trúc ADC Hà Nội). Thế nhưng, hơn 10 năm trôi qua dự định cải tạo kiến trúc trụ sở HĐND và UBND TP. Hà Nội đã rơi vào quên lãng.

Sau một thời gian yên ắng, dư luận lại được dấy lên với nhà ga tàu điện ngầm C9 mới được TP. Hà Nội chấp thuận địa điểm. Vẫn biết, việc xây dựng các tuyến tàu điện ngầm là cần thiết, nhưng đặt trên đường Đinh Tiên Hoàng, ngay sát Hồ Gươm vừa được phê duyệt xem ra còn có nhiều ý kiến chưa đồng thuận.

Để kết thúc bài viết này, xin được trích đăng ý kiến của KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội: "Rất nhiều công trình xây dựng quanh Hồ Gươm đã không được dư luận đồng tình, chính quyền địa phương đã phải hủy bỏ. Theo tôi cần nghiên cứu đặt ga tàu điện ra khu vực phố Trần Hưng Đạo hoặc các tuyến phố khác rộng hơn".

"Bên hồ Lục Thủy xưa kia, vua Lý Thánh Tông đã cho xây chùa Sùng Khánh và dựng tháp Báo Thiên là những công trình văn hóa kỳ vĩ thời bấy giờ. Đến thế kỷ XV, vua Lê đã chọn nơi đây trao trả Kiếm Thần cho Rùa Vàng, sau khi quét sạch quân xâm lược để dệt nên truyền thuyết Hoàn Kiếm, mang đậm tính nhân văn về lòng yêu hoà bình của dân tộc ta.

Từ đấy khai sinh ra tên hồ gọi là hồ Hoàn Kiếm, mà nhân dân thường gọi với tên thân thuộc là Hồ Gươm. Sang thế kỷ XVI, các chúa Trịnh lại chọn nơi đây xây dựng lâu đài, cung điện nguy nga, hoành tráng làm tăng thêm vẻ linh thiêng của vùng đất này".

PGS. TS. Hà Đình Đức (hội Di sản Văn hóa Việt Nam)

Theo Nguoiduatin

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích