TP.HCM cần 11 tỷ USD để phát triển hạ tầng

Thứ sáu, 15/03/2013, 07:43
Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, những năm tới thành phố cần 11 tỷ USD để phát triển hạ tầng trong khi vốn ngành chỉ đáp ứng được 20% nên cần cấp bách kêu gọi vốn đầu tư bên ngoài.

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản rất muốn hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng ở TP.HCM, song điều làm họ lo ngại là cơ chế đầu tư chưa thực sự hấp dẫn. Vấn đề này đã được các nhà đầu tư Nhật Bản nêu ra tại hội thảo xúc tiến hợp tác đầu tư thị trường Việt Nam dưới góc nhìn doanh nghiệp Nhật Bản được tổ chức ngày 14/3 tại TP.HCM.

Theo ông Trần Thế Kỷ, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải, trong giai đoạn 2011-2015, nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông của thành phố ước tính 11 tỷ USD trong khi nguồn vốn đầu tư của ngành giao thông chỉ đáp ứng được 20%. Do vậy, việc kêu gọi các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách vào lĩnh vực hạ tầng giao thông là nhu cầu cấp bách từ nay đến năm 2020.

Cơ sở hạ tầng

Theo Sở Giao thông Vận tải, trong giai đoạn 2011-2015, TP.HCM cần đến 11 tỷ USD để phát triển hạ tầng nhưng nguồn vốn cho ngành chỉ đáp ứng được 20%. Ảnh: H.C.

Về phía các doanh nghiệp Việt Nam, bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) cho biết, rất mong muốn hợp tác với doanh nghiệp Nhật để đầu tư dự án hạ tầng mà CII đang thực hiện ở thành phố.

Từ trước đến nay chưa có doanh nghiệp nào của Nhật liên kết với doanh nghiệp Việt Nam để xây dựng hạ tầng thông qua hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Theo bà Trâm, CII cam kết trong 5 năm tới sẽ đầu tư ít nhất là 23.000 tỷ đồng vào 6 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng, sản xuất nước sạch và xử lý nước thải. Do vậy CII rất muốn hợp tác với các nhà đầu tư Nhật Bản thông qua hình thức góp vốn với tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam là 51% còn doanh nghiệp Nhật là 49%.

Đánh giá về cơ hội hợp tác đầu tư, các doanh nghiệp Nhật cho rằng phát triển cơ sở hạ tầng là thế mạnh của Nhật Bản và ngỏ ý sẵn sàng hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, điều mà doanh nghiệp Nhật lo ngại là các dự án hạ tầng chưa tách bạch được cái nào cần liên kết với tư nhân, cái nào là đầu tư công.

Ông Kazuya Hashimoto, Trưởng phòng kế hoạch đầu tư của Tập đoàn Kanematsu cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam được phân chia theo 2 hướng. Thứ nhất là liên kết đầu tư vào các dự án như điện, nước, đường sá ở khu công nghiệp. Thứ hai là thông qua các cơ quan hợp tác như JICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản) để thực hiện dự án.

Trong khi đó, ông Morifusa Ueda, chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng than phiền 2 năm trước các doanh nghiệp Nhật đã tìm hiểu hình thức đầu tư PPP (hợp tác công - tư) tại Việt Nam. "Tuy nhiên cứ nửa năm lại có sự thay đổi khiến các doanh nghiệp Nhật rất lúng túng", vị này cho biết.

Ông Ueda cũng nói thêm kể từ khi Việt Nam đưa ra hình thức đầu tư PPP đã 5 lần các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia góp ý với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, song đến nay hình thức này chưa có nhiều thay đổi. Vì vậy, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng cần có cơ chế hấp dẫn để thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản cho việc phát triển hạ tầng.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích