Ga ngầm qua Hồ Gươm: PGS Hà Đình Đức phản ứng mạnh

Thứ sáu, 15/03/2013, 07:42
PGS Hà Đình Đức: “Dự án tàu điện ngầm Hà Nội không có đánh giá tác động các di tích văn hóa – lịch sử của Hà Nội là một sai lầm lớn".

Đặc biệt chú ý đến tuyến số 2 và dành nhiều thời gian, tâm sức nghiên cứu, PGS.TS Hà Đình Đức đã đưa ra ý kiến không đồng thuận của mình về vị trí của tuyến tàu điện ngầm này.

Ho Guom

Nhà nghiên cứu văn hóa Hà Nội, cũng là "nhà rùa học" Hà Đình Đức không đồng tình với vị trí tàu điện ngầm sát Hồ Gươm (Ảnh: VTC News).

Đúng sớm mùng 1 Tết Mậu Tý (2008), ông Đức gửi một tờ trình tới TS. KTS Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP Hà Nội và đồng gửi tới GS. Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và GS. TSKH Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.

Theo ông Đức, vấn đề ông đặt ra trong tờ trình này hết sức quan trọng, ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của người dân không chỉ của thủ đô Hà Nội mà còn của người dân cả nước, bởi Hà Nội là mảnh đất linh thiêng trong lòng mỗi người dân Việt, ở đó có mật độ di tích lịch sử văn hóa dày đặc.

Ông Đức nêu: "Tôi được biết Hà Nội đang triển khai Dự án Tàu điện ngầm. Tháng 6/2006, Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Môi trường & Phát triển Bền vững (CETASD), trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội mời tôi kiểm kê các Di tích Văn hóa – Lịch sử mà tuyến tàu điện ngầm sẽ đi qua.

Chuyên gia Phân tích Môi trường thuộc Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản Daisuke Oura cũng đã đến gặp tôi tham khảo thông tin về đoạn đường đi qua đường Đinh Tiên Hoàng và đường Lê Thái Tổ”.

Trong tờ trình, PGS Hà Đình Đức nhấn mạnh: “Tôi không thấy Dự án này Đánh giá Tác động các Di tích Văn hóa – Lịch sử của Hà Nội mà chỉ Đánh giá Tác động Môi trường. Nếu như vậy tôi cho là một sai lầm lớn”.

Bởi, ngoài khu vực Hồ Gươm, Hà Nội còn có Tứ Trấn (Đền Quán Thánh, Đền Bạch Mã, Đền Voi Phục và Đình Kim Liên) là khu vực địa linh của Thăng Long – Hà Nội, “nên các tuyến đường tàu điện ngầm nếu xuyên qua các khu vực thì hậu quả về tâm linh cho Hà Nội là… khó lường, không thể cân đong đo đếm được”.

Theo đó, PGS Hà Đình Đức đề nghị Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đồng thuận với đề xuất của ông và tham mưu cho UBND TP Hà Nội định hướng cho chủ đầu tư xây dựng và thực hiện Dự án vừa đảm bảo cho sự Phát triển của Thủ đô vừa Bảo tồn được các Di sản Văn hóa – Lịch sử của Hà Nội “tránh được những hậu họa”.

Làm rõ ý kiến của mình, PGS Hà Đình Đức cho rằng, trong 5 tuyến nêu trên, ông đặc biệt quan tâm đến tuyến 2 (Nội Bài - trung tâm TP - Thượng Đình). Đây là tuyến ngầm bắt đầu từ Nguyễn Hoàng Tôn cắt ngang qua Xuân Đỉnh và Xuân La, qua Nghĩa Đô vào ngã ba Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt, chạy dọc Hoàng Quốc Việt cắt chéo đi vào Hoàng Hoa Thám - Phan Đình Phùng. Từ đây chia làm 3 nhánh xuyên qua lòng phố cổ Hà Nội và dồn về Ngã Tư Sở.

Qua kiểm kê các di tích văn hóa - lịch sử mà tuyến tàu điện ngầm sẽ đi qua, ông Đức đã thống kê tổng cộng 61 di tích.

“Tôi đã khuyên họ nên tránh xa khu vực Hồ Gươm bởi vì nơi đây là vùng địa linh không chỉ của thủ đô Hà Nội mà còn của cả nước”.

Ông Đức cũng nhấn mạnh, nếu dự án này vẫn để chạy qua hai đường Lê Thái Tổ và Đinh Tiên Hoàng, chắc chắn không chỉ ảnh hưởng đến mặt văn hóa và tâm linh mà còn có những tác động lớn về mặt khoa học kĩ thuật.

"Tôi không cản trở dự án, tuy nhiên, tôi chỉ muốn dự án tránh xa khu vực Hồ Gươm và Thăng Long Tứ trấn" - ông Đức từng thổ lộ như vậy.

Theo VTC

Các tin cũ hơn