|
Chủ mưu vụ án, ông Phạm Công Danh sau ngày xét xử. |
Luật sư Vương Công Đức (bảo vệ quyền lợi cho Sacombank), bác bỏ cáo buộc của công tố viên tại phiên tòa. Theo ông Đức, tại cáo trạng VKS cho rằng các bị cáo phải chịu trách nhiệm về 6.100 tỷ đồng thiệt hại cho VNCB, tuy nhiên khi ra tòa, VKS lại nêu quan điểm là 3 ngân hàng BIDV, Sacombank và TPBank phải hoàn trả cho VNCB. “Như vậy VKS đã thay đổi quan điểm” – LS Đức khẳng định và cho rằng việc Sacombank cho các Cty vay là đúng quy định. “Sacombank không có thiệt hại, nên tôi không đồng ý với quan điểm của VKS”- LS này nói thêm.
Về quan điểm của VKS cho rằng Sacombank nhận bảo lãnh của VNCB khi chỉ có chữ ký của ông Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) là vi phạm, theo LS Đức thì VKS không khách quan. “NHNN đã khẳng định giao dịch cầm cố giữa VNCB và Sacombank là đúng theo quy định pháp luật, giám định của NHNN đã khẳng định số tiền bảo lãnh của VNCB thuộc quyền sử dụng của VNCB nên có quyền bảo lãnh, việc Sacombank nhận tiền bảo lãnh là đúng”- ông nói.
Tranh tụng bổ sung với đại diện VKS, LS Nguyễn Huy Thiệp (bảo vệ quyền lợi của BIDV) cho rằng, công tố khẳng định 29 lượt Cty vay vốn của vụ án, trong đó 18 Cty vay vốn của ông Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch VNCB) đã làm hồ sơ vay vốn tại 3 ngân hàng, sau khi giải ngân, số tiền bản chất là để cho ông Danh sử dụng.
Trong hồ sơ pháp lý của 12 Cty vay của BIDV, không có tài liệu nào thể hiện 12 Cty chịu sự chi phối của ông Danh. Theo quy định thì 12 Cty này không liên quan đến ông Danh, vậy không có lý do chứng minh là ông Danh vay tiền. “12 Cty do VNCB giới thiệu vay về quá trình cho vay, nhận bảo đảm và thu hồi vốn vay BIDV không làm trái pháp luật” – LS Thiệp khẳng định.
Còn đại diện TPBank tại tòa một lần nữa nêu quan điểm đồng tình quan điểm của BIDV, Sacombank khi cùng phản bác quan điểm của công tố. TPBank cho rằng không có cơ sở pháp lý cũng như thực tiễn nào đối với quan điểm đề nghị TPBank hoàn trả cho VNCB.
“TPBank và VNCB với tư cách là 2 ngân hàng thương mại cổ phần, không phải giao dịch giữa TPBank với cá nhân ông Phạm Công Danh và đồng phạm. TPBank tất toán hợp đồng tiền gửi, tự động trích tiền gửi của VNCB để thu nợ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật” – đại diện TPBank nói.
Cũng trong phiên toà hôm qua, các luật sư của ông Danh đã đưa ra nhiều căn cứ, lý lẽ để khẳng định ông Danh không sử dụng số tiền 6.100 tỷ đồng và đề nghị thu hồi từ ông Trần Quý Thanh (Tổng giám đốc tập đoàn Tân Hiệp Phát) và con gái là Trần Ngọc Bích cùng bà Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng Đại Tín).
LS Phan Trung Hoài, Đoàn LS TPHCM, bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh đặt vấn đề số tiền hơn 6.100 tỷ đồng đã đi đâu? Ngoài ra ông Hoài cũng nói rằng khi VNCB bị NHNN mua lại với giá 0 đồng, VNCB đang có 22 chi nhánh, 1.300 nhân sự và đang nắm giữ số lượng tài sản cầm cố hàng ngàn tỉ đồng. Vì vậy, việc NHNN mua lại VNCB với giá 0 đồng là thiếu căn cứ.
Ông Phạm Công Danh tự bào chữa đã khẳng định mình có đủ chứng cứ, ủy nhiệm chi liên quan đến khoản tiền chuyển khoản cho ông Trần Qúy Thanh. Ông Danh trình bày là “Theo báo cáo kiểm toán CB (tiền thân VNCB sau khi mua lại 0 đồng) năm 2014 tiền mặt có trên 7.900 tỷ đồng do đó không phải chúng tôi sử dụng hết số tiền đó”.
Bảo vệ quyền lợi cho ông Trần Quý Thanh và Trần Ngọc Bích, LS của hai người này đã đồng ý với ý kiến của VKS khi đề nghị HĐXX tuyên không thu hồi số tiền từ ông Thanh và bà Bích. “Không có bất kỳ khoản tiền nào chuyển cho ông Thanh, bà Bích là vật chứng vụ án nên không có căn cứ thu hồi số tiền này” - vị LS khẳng định. Còn luật sư bảo vệ quyền lợi cho bà Hứa Thị Phấn cho rằng 600 tỷ đồng mà Danh chuyển vào TK phong tỏa của bà Hứa Thị Phấn không phải là “vật chứng” của vụ án để thu hồi, xử lý.
Theo Tiền Phong