Vụ án dân làng đánh chết 2 người nghi trộm chó: Ngổn ngang chữ lý, chữ tình

Thứ sáu, 15/11/2013, 14:27
Hai người chết, sáu người bị khởi tố về tội “cố ý gây thương tích”. Hậu quả đau lòng từ vụ án dân làng Nhĩ Trung (xã Gio Thành, huyện Gio Linh, Quảng Trị) đánh chết hai người nghi là trộm chó vào ngày 29/8/2012 vẫn khiến nhiều người day dứt.


Những nghi phạm của vụ đánh chết người nghi trộm chó đứng trước vành móng ngựa hôm 14/11.

Vụ án vừa đưa ra xét xử hôm 14/11 đã phải trả hồ sơ, điều tra bổ sung vì chi tiết chưa được làm rõ. Bởi đâu đó, chữ lý, chữ tình vẫn ngổn ngang...

1. Khoảng 5 giờ sáng 29/8/2012, người viết nhận được cuộc điện thoại báo có vụ việc động trời ở Nhĩ Trung. Mặc dù đã nghe khá nhiều thông tin về những vụ đánh kẻ trộm chó của các làng khác, nhưng trên đường về Nhĩ Trung, tôi cứ băn khoăn mãi: “Nhẽ nào lại nghiêm trọng thế”.

Đến cổng làng, thấy xe công an đậu đầy đường, những điều tra viên dày dạn kinh nghiệm mà tôi quen nhìn mình rất “khác lạ”. Có chút gì đó ái ngại, “khó xử” trong những đôi mắt chấp pháp đó.

Phải khá lâu, vụ án và các bị can mới bị khởi tố. Hơn 14 tháng sau, vụ án mới đưa ra xét xử. Vậy nên có lúc dư luận cho rằng, ngay chính cả những cơ quan chức năng cũng có sự lúng túng nhất định khi “đụng” phải vụ án "tưởng chừng như đơn giản" này.

Chuyện trò ngoài lề, một điều tra viên nói với người viết rằng việc cơ quan Cảnh sát điều tra tống đạt quyết định khởi tố bị can về tội “cố ý gây thương tích”, thay vì tội “giết người”, là đã có sự cân nhắc, lưu ý đến... chữ tình.

Thực tế cho thấy, người dân vì bức xúc chuyện trộm chó hoành hành, nên... “lỡ tay”.

2. Tiếp cận lý lịch của 6 người ở làng Nhĩ Trung bị Viện KSND Quảng Trị truy tố về tội “cố ý gây thương tích” người viết không khỏi xót xa. Họ còn rất trẻ, chưa hề có “tì vết” với pháp luật trong đời.

Người làm ruộng, người lái xe, người tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, người làm công an viên, thậm chí có người là phó chủ tịch hội đồng nhân dân xã... Nhưng tất cả như cùng “mất trí” khi đánh hội đồng cho đến chết 2 người (cho dù đó có thể là kẻ trộm chó đi nữa).


Hiện trường vụ đánh chết người nghi là trộm chó ở Nhĩ Trung


Hiện trường vụ án sáng 29/8/2012

Một thẩm phán của TAND tỉnh Quảng Trị cho rằng, ngoài nhận thức về pháp luật kém, một bộ phận không nhỏ người dân luôn áp đặt, muốn giải quyết vấn đề bằng bạo lực, đặc biệt đối với lớp thanh niên trai trẻ. Chính vì thế mà pháp luật phải dẹp bỏ tư tưởng này. Đây là điều nên làm và khẩn thiết.

3. Người viết thử tra trên Google cụm từ “trộm chó bị đánh”. 964.000 kết quả trong vòng 0,26 giây. Việc trộm chó và việc người dân hành xử quá tay đang phổ biến?

Câu hỏi đặt ra là tại sao trước việc các “đồng nghiệp” bị đánh cho tơi tả thì những người trộm chó vẫn không “bỏ nghề”? Và tại sao trong khi có bao nhiêu người vướng vào pháp luật vì đánh chết người trộm chó thì có người vẫn quyết dùng nắm đấm để “xử” người trộm chó?

Câu trả lời xin dành cho các cơ quan chức năng... Chỉ biết rằng: khi mà người dân vẫn còn tư tưởng thay thế pháp luật để giải quyết vụ việc; khi mà pháp luật chưa nghiêm để bạo lực và nắm đấm thường trực trong sự bất bình... thì những hậu quả đau lòng như thế sẽ vẫn còn.

4. Ăn trộm bất cứ cái gì đều đáng lên án, nhưng đánh chết người lại càng đáng lên án hơn bội phần. Ở đây là 2 mạng người.

Có là người bị mất trộm chó mới hiểu sự uất ức, giận dữ của họ khi bị cướp mất con thú cưng rất đỗi gần gũi, mật thiết.

Nhưng nếu là thân nhân của những người bị nghi là trộm chó bị dân đánh chết thì bạn sẽ đau đớn đến thế nào?

Vụ án trên chưa tuyên nhưng hậu quả và những bài học kiểu như thế không ít. Xử một người có tội không khó, trong trường hợp này, những chứng cứ rành rành.

Nhưng để cải tạo, cảm hóa một lớp người trẻ không dùng bạo lực, không tự ý thay thế pháp luật hành xử, thì vẫn chưa đủ. Chữ tình, chữ lý chỉ vẹn toàn khi pháp luật nghiêm minh và người dân luôn thấy được sự nghiêm minh đó.

Theo Thanhnien

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích