Thị trường bất động sản thứ cấp TP.HCM đang yếu đi

Thứ năm, 30/06/2016, 15:42
Tổng giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, Marc Townsend cho biết, lượng người mua căn hộ để đầu tư quá lớn, có trường hợp bán sản phẩm với giá thấp hơn lúc mua vào, cho thấy thị trường thứ cấp đang yếu đi và đáng lo ngại.

Báo cáo thị trường bất động sản TP.HCM quý II/2016 của đơn vị này cho thấy lượng căn hộ tiêu thụ được trên thị trường không theo kịp so với lượng căn hộ chào bán. Trên thị trường thứ cấp, tại các dự án căn hộ cao cấp điển hình thuộc khu Đông TP.HCM đã ghi nhận hiện tượng giảm giá cục bộ. Có những trường hợp cá biệt người mua chấp nhận bán bất động sản với giá thấp hơn so với giá mua vào.

Theo ông Marc Townsend năm 2017-2018 chắc chắn có mối lo ngại về nguồn cung nhà hoàn thiện rất lớn và nguồn cung này chắc chắn tác động đến thị trường. Người mua nhà để đầu tư cho thuê chiếm 70%, tỷ suất cho thuê liệu có còn hấp dẫn là một dấu hỏi.

Việc chào bán những dự án khổng lồ trong năm 2015 đang ảnh hưởng đến lượng cung cầu trên thị trường đồng thời tác động đến kế hoạch bán hàng của các doanh nghiệp bất động sản khác. Cá biệt có chủ đầu tư đã, đang và có kế hoạch mở bán khoảng 7 dự án tại TP.HCM giai đoạn 2015-2017.

Người đứng đầu CBRE cũng đưa ra những nguyên nhân khiến cho lượng nhà chung cư bán được trong 3 tháng qua tại TP.HCM chỉ đạt 5.887 căn, giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái và sụt 35% so với quý trước.

thi-truong-bat-dong-san-thu-cap-tp-hcm-dang-yeu-di

Thị trường căn hộ thứ cấp (mua đi bán lại) tại TP.HCM bị đánh giá đang rất yếu. Ảnh: Lucas Nguyễn

Thứ nhất, nguồn cung mới trong quý II/2016 giảm sút, thị trường bị hút vào nhóm dự án cao cấp và hạng sang quy mô lớn với tâm lý thận trọng.

Thứ hai, thị trường thứ cấp đang rất yếu, mua đi bán lại không còn sôi động, bắt đầu xuất hiện trường hợp giảm giá và khiến cho các thị trường sơ cấp bị ảnh hưởng theo. Các chủ đầu tư phải nhìn vào diễn biến thị trường để đưa ra kế hoạch bán hàng và khá nhiều trường hợp phải lùi kế hoạch tung hàng.

Thứ ba, những tác động xấu từ các sự cố tranh chấp chung cư trong quý II. Thị trường cần thêm sự minh bạch, cần sự can thiệp của cơ quan quản lý cũng như phổ biến, thực thi nghiêm các quy định của pháp luật về việc kinh doanh, quản lý nhà chung cư. Việc cư dân treo băng rôn, biểu ngữ tố cáo những vấn đề của dự án là một hình phạt rất nặng nề đối với chủ đầu tư và các bên liên quan cũng như cả thị trường.

Trả lời cho câu hỏi liệu chu kỳ tăng trưởng của thị trường Việt Nam có quá ngắn và những kịch bản ảm đạm đến quá sớm hơn các dự báo hay không, ông Marc Townsend cho rằng chưa đến lúc phải lo ngại về một cuộc khủng hoảng nhưng cần thận trọng.

Chuyên gia này xác nhận năm 2015 thị trường bất động sản Việt Nam đúng là đã nổi đình nổi đám và được ví như một ngôi sao đang lên. Năm 2016, một số phân khúc có những điều chỉnh nhất định nhưng cũng không phải quá xấu và toàn cảnh vẫn là thị trường đầu tư rất sôi động. Các thương vụ M&A diễn ra nhiều hơn và vốn FDI chảy vào bất động sản khá ấn tượng cho thấy bất động sản Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn.

Quan điểm của ông Marc Townsend, con đường phát triển của thị trường địa ốc không phải lúc nào cũng bằng phẳng, có thể vẫn còn những chỗ bấp bênh nhưng nhìn chung vẫn tích cực. Hiện nay Việt Nam không chỉ cạnh tranh với những thị trường yếu hơn mà còn phải đối mặt với những thị trường mạnh hơn trong khu vực và vẫn đón nhận nhiều sự quan tâm của giới đầu tư. "Xét tổng thể, bất động sản Việt Nam vẫn đang trong chu kỳ tăng trưởng tích cực và xu hướng chính vẫn là đi lên", ông nói.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích