Đầu quý III/2016, Savills Việt Nam công bố thương vụ M&A này và cho biết thời gian thương lượng để đi đến chốt mua bán diễn ra trong vòng một năm. Khách sạn được trang bị 191 phòng ở hạng sang, 16 phòng họp và nhiều tiện nghi khác. Đây là một trong những khách sạn có vị trí đắc địa vì tọa lạc trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, thuộc nhóm các khu đất vàng hiếm hoi của trung tâm Sài Gòn chỉ cách tòa nhà UBND TP.HCM vài phút đi bộ.
Trước đó, hồi quý II/2016, Asiana Airlines - hãng hàng không lớn thứ nhì Hàn Quốc đã bán 50% cổ phần khu phức hợp Kumho Asiana Plaza cho Saigon Boulevard Holdings - công ty con thuộc Tập đoàn Mapletree (Singapore). Thỏa thuận trị giá 107,5 triệu USD và đã được hoàn tất ngày 9/6. Khu phức hợp này có nhiều hạng mục từ cao cấp đến hạng sang: khách sạn 5 sao, căn hộ dịch vụ hạng A, trung tâm thương mại, nhà hàng, hội nghị... Dự án có 3 mặt tiền giáp với các tuyến phố sầm uất bậc nhất trung tâm quận 1, TP.HCM.
Đây là thương vụ thâu tóm lớn nhất của Mapletree với một bất động sản đã hoàn thành và đang tạo ra lợi nhuận tại Việt Nam, phù hợp với chiến lược của hãng - đầu tư vào tài sản sinh lời lớn để phát triển doanh nghiệp, tăng lợi nhuận.
Savills dự báo, mức độ quan tâm của các nhà đầu tư sẽ còn tiếp tục gia tăng với nhiều giao dịch trong thị trường khách sạn sẽ được thực hiện trong năm 2016. Mục tiêu quan tâm của giới đầu tư săn lùng loại tài sản này là bất động sản phải có vị trí đắc địa, đã hoàn thiện và đang đi vào vận hành khai thác, có thể mang lại dòng tiền ngay lập tức. Mức lợi nhuận được kỳ vọng trong ngưỡng 7-10% tùy thuộc vào quy mô dòng tiền và quốc tịch của các nhà đầu tư.
Khách sạn vừa được nhà đầu tư Singapore mua lại với giá 49 triệu USD tọa lạc trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, thuộc khu đất vàng TP.HCM. Ảnh: Bestprice.vn |
Theo đơn vị này, những năm gần đây, Việt Nam trở thành một trong những điểm đến du lịch có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Sự tăng trưởng này được tạo nên do một lượng lớn các khách sạn quốc tế gia nhập thị trường, các chuyến bay trực tiếp gia tăng nhanh chóng, kèm theo chính sách cởi mở về thị thực nhập cảnh và mức đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng.
Tiếp nối sự gia tăng lượng khách quốc tế ở mức 7,9 triệu lượt vào năm 2015, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong quý I/2016 được ghi nhận khoảng 2,5 triệu, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, số lượng khách du lịch trong nước cũng tăng 48% vào năm 2015 và mức tăng trung bình đạt khoảng 14% mỗi năm trong vòng 10 năm trở lại đây.
Cùng với sự gia tăng nguồn cầu, các nhà đầu tư cũng hướng sự chú ý đến thị trường khách sạn ngày càng nhiều hơn. Dịch vụ khách sạn khắp cả nước được phát triển sôi động trong năm 2015, đồng nghĩa với việc xuất hiện của những bất động sản đẳng cấp quốc tế có sự tham gia của các kiến trúc sư nổi tiếng toàn cầu, toạ lạc ở những vị trí ven biển đẹp, những sân golf chất lượng cùng nhiều di sản văn hoá được thế giới công nhận. Những điểm đến nổi bật tại Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục chuyển mình phát triển mạnh mẽ trong năm 2016 và những năm kế tiếp.
Theo VnExpress