Trao đổi với PV ngày 31/8, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho biết đơn vị vừa kiến nghị chính quyền thành phố đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) bổ sung dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn vào quy hoạch đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh).
Nếu được đầu tư xây dựng, đại lộ này sẽ nối trung tâm Sài Gòn từ bến Bạch Đằng (quận 1) với các quận huyện phía Tây như Củ Chi, Hóc Môn, 12, Gò Vấp. Dự án còn giúp khu vực huyện Bến Cát (Bình Dương); Trảng Bàng (Tây Ninh); Đức Hòa (Long An) phát triển.
"Có thêm một tuyến đường mới sẽ phá thế độc đạo của Quốc lộ 22, tức đường Xuyên Á hiện nay. Đại lộ này được đầu tư cũng sẽ tạo điều kiện phát triển khu đô thị Tây Bắc thành phố rộng 9.000ha đã quy hoạch rất lâu nhưng chưa thực hiện được", ông Châu nói.
Thành phố đang điều chỉnh quy hoạch hệ thống hạ tầng giao thông đến năm 2030. Theo ông Châu, việc bổ sung dự án này vào một phần tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài nhằm tận dụng quỹ đất hiện hữu của địa phương là cần thiết. Ngoài ra, trong tình hình ngân sách hạn hẹp, các doanh nghiệp tư nhân bỏ tiền ra làm dự án cũng là một giải pháp hiệu quả.
Sơ đồ tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (đường màu xanh lá) đi gần như song song với Quốc lộ 22. |
Trước đó, theo đề xuất của Tập đoàn Tuần Châu, dự án đại lộ ven sông có tổng vốn đầu tư khoảng 63.500 tỷ đồng, theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao). Tuyến đường dài 61km, nối từ cầu Bến Súc (huyện Củ Chi) dọc theo sông Sài Gòn đi về điểm cuối là ngã ba Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi (quận 1), đi qua huyện Củ Chi, Hóc Môn, quận 12, Bình Thạnh, 1. Tốc độ xe dự kiến là 100km/h nên chỉ mất 20-30 phút để đi từ Củ Chi về quận 1.
Việc thanh toán thực hiện bằng quyền khai thác quỹ đất thuộc huyện Củ Chi, hai bên tuyến đường song hành Tỉnh lộ 7 và các quỹ đất khác thuộc thành phố quản lý. Chủ đầu tư dự kiến thi công xong đưa vào sử dụng trong 18 tháng.
Đề xuất trên nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo TP.HCM. Tuy nhiên, Bộ GTVT và Kế hoạch - Đầu tư cho rằng cần xem xét tính khả thi của việc bố trí quỹ đất và bày tỏ e ngại về việc lựa chọn nhà đầu tư, năng lực tài chính, kinh nghiệm của chủ đầu tư...
Trong khi đó, dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh) theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) được Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIMP Cửu Long) đề xuất đầu tư với tổng vốn gần 30.000 tỷ đồng.
Dự án có điểm đầu tại nút giao Thủ Đức (giao giữa Quốc lộ 1 và Đường vành đai 3, quận 9, TP.HCM). Điểm cuối tại ngã tư giao Quốc lộ 22 với đường tỉnh 786 (huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh). Tổng chiều dài tuyến cao tốc là 84,5km; rộng 17m với vận tốc thiết kế 100km/h.
Theo phương án do doanh nghiệp này đề xuất, đường cao tốc được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu xây dựng 55,5km (4km đường vành đai 3 và 51,5km từ điểm đường vành đai 3 đi gần song song với Quốc lộ 22 hiện hữu) theo hình thức BOT, tổng mức đầu tư 14.462 tỷ đồng.
Phân đoạn hai làm thêm 29km (20km cầu cạn trên Đường xuyên Á và 9km cầu cạn trên Quốc lộ 22) bằng vốn Ngân sách với kinh phí 15.509 tỷ đồng.
Theo VNE