|
Một con hẻm trên đường Bắc Hải, Q.Tân Bình |
Chém” cả nửa căn nhà
Chị Nguyễn Thị Lan, nhà tại hẻm 1078 Hương Lộ 2, P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân, năm 2008 khi đi làm sổ hồng chị mới biết bị dính lộ giới hẻm. Căn nhà chị Lan có diện tích 28m2, trong đó chiều rộng căn nhà là 4m, chiều dài căn nhà 7m nhưng lộ giới đã “chặt” hết khoảng 4m, mất hơn một nửa căn nhà. Không chỉ nhà chị Lan, tất cả những con hẻm khu vực này đều bị dính lộ giới. “Từ khi nhà tôi dọn về đây sống đến nay con hẻm vẫn vậy, chưa hề được mở rộng. Thế nhưng, nhà xuống cấp lại không thể xây dựng mới, mà chỉ dám xin sửa chữa, nâng cấp. Bởi nếu làm mới phải xin giấy phép xây dựng và khi đó chỉ được xây dựng trong phạm vi 3m, chứ không còn là 7m. Đến nay căn nhà của tôi đã nâng cấp, sửa chữa 3 lần rồi nhưng vẫn không dám làm mới”, chị Lan cho biết.
Nhà chật chội, xuống cấp xây không được nhưng muốn bán cũng không xong. “Gia đình tôi muốn bán căn nhà để ra vùng ven mua đất xây căn nhà rộng hơn cũng rất khó. Những người mua nhà, cầm sổ hồng thấy căn nhà bị chặt vào hơn một nửa đều bỏ chạy. Còn muốn bán thì phải rẻ, lại không đủ tiền mua chỗ mới. Đành chịu!”, chị Lan cho hay.
Những người dân sống trên đường Nghĩa Hòa (P.6, Q.Tân Bình), mấy năm qua cũng “khốn khổ” vì quy hoạch lộ giới con đường này 8m. Quy hoạch lộ giới đường đã có từ lâu nhưng đến nay chưa thực hiện và chưa biết khi nào mới thực hiện. Trong khi thiệt hại của người dân đã thấy rất rõ, nhất là việc xây sửa, mua bán.
Anh Hiển, tìm được một căn nhà ưng ý trên đường Nguyễn Giản Thanh (Q.10), với chiều ngang 7,5m và chiều dài 20m, giá bán 31 tỉ đồng. Khi cầm sổ đỏ anh Hiển thấy lộ giới đường đã cắt vào căn nhà 5,5m. Diện tích xây dựng thực tế chỉ còn khoảng hơn 100m2. Nhưng “choáng” hơn theo anh Hiển, đó là căn nhà anh định mua ở đường Châu Thới (Q.10). Diện tích rao bán là 111m2 nhưng lộ giới chặt mất 20m2, diện tích căn nhà còn khoảng 90m2. Hai bên đã thống nhất giá cả, thời gian đặt cọc, sang tên... Do giá trị căn nhà khá lớn, nên để chắc ăn, anh Hiển lên Phòng Quản lý đô thị Q.10 hỏi thông tin mới phát hiện thêm căn nhà bị “chặt” thêm mấy mét chỉ giới đường nên thực tế diện tích xây dựng chỉ còn 58 m2. “Tính cả chỉ giới và lộ giới đường “cắt” gần hết nửa miếng đất. Nếu xây dựng mới thì phần đất dính quy hoạch này chỉ có thể dùng làm sân vườn, không xây dựng được”, anh nói và không khỏi thắc mắc, khu vực cư xá Bắc Hải đường sá rộng thênh thang, được quy hoạch khá bài bản nhưng không hiểu sao đường nào cũng quy hoạch lộ giới, chỉ giới.
Nên rà soát tháo lộ giới
Phó chủ tịch phụ trách đô thị một địa phương cho biết trong các đồ án quy hoạch 1/2.000 đều yêu cầu phải có lộ giới các con hẻm, con đường. Điều này là bắt buộc khi lập quy hoạch. Tuy nhiên, việc thực hiện mở rộng đường, lộ giới thì không được đưa vào trong quy hoạch. Những con hẻm có thể hàng chục năm, thậm chí mấy chục năm mới thực hiện mở rộng. “Người dân kêu ca rất nhiều, nhất là khi đi xin phép xây dựng thấy nhà bị “chặt” đi không để làm gì. Là người lãnh đạo tại địa phương nhiều khi thấy băn khoăn nhưng không thể làm gì được”, vị này cho hay.
Kiến trúc sư Nguyễn Lân cho rằng quy hoạch, trong đó có việc đưa ra quy hoạch lộ giới đường, lộ giới hẻm là cần thiết. Tuy nhiên, cũng cần phải “khoanh vùng” lại những tuyến đường, hẻm nào khả thi, còn lại phải “tháo” ra cho dân nhờ, không thể giam mãi quyền lợi của họ. Người dân trên các tuyến đường, hẻm bị dính quy hoạch cũng cần phải được đối xử công bằng. Ví dụ, trên sổ hồng nhà nước có thể ghi rõ lộ giới nhưng không thể cấm người dân xây, sửa nhà. Bởi nếu cấm đoán như vậy không những quyền lợi về việc tạo lập nhà ở bị hạn chế mà giá trị căn nhà cũng bị giảm đi. “Phải công bằng với người dân. Không thể vì một mệnh lệnh hành chính mà kéo theo bao nhiêu thiệt hại, phiền toái ập đến cho người dân được. Quy hoạch là để phát triển chứ không phải kéo người dân đi thụt lùi, gây thiệt hại cho người dân”, vị này phân tích.
Ông Nguyễn Hoài Nam, nguyên Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, cho biết: Đến nay TP đã rà soát và bỏ đi nhiều tuyến đường, hẻm quy hoạch lộ giới nhưng không khả thi và điều này gây phiền toái cho người dân. Nguyên nhân là do nhà nước không có tiền để đền bù, nâng cấp, mở rộng các con đường, hẻm nên cứ để đó. Thực tế, quy hoạch lộ giới nếu thực hiện được sẽ giúp bộ mặt đô thị khang trang, hiện đại, người dân có lợi rất lớn. Nhưng vấn đề làm sao phải hài hòa lợi ích giữa những người bị giải tỏa làm đường, hẻm và những người hưởng lợi từ việc mở rộng này. Nếu quyền lợi giữa nhà nước và người dân gặp nhau, được hài hòa thì việc quy hoạch lộ giới mới khả thi.
Theo Thanh Niên