Ai buông lỏng cho Địa ốc Alibaba tung hoành?

Thứ ba, 10/09/2019, 15:34
Chiêm ngưỡng hàng loạt công trình được xây hoành tráng trên đất nông nghiệp, nhiều khách hàng đã lầm tưởng rồi xuất tiền đặt cọc mua đất.

Một góc dự án Ali Venice City.

Giống với nhiều dự án ma của Công ty Địa ốc Alibaba tại Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, những dự án của công ty này ở tỉnh Bình Thuận cũng đều là đất nông nghiệp hoặc là rừng tràm.
Tuy nhiên, trong đó có một dự án khá đặc biệt được quảng cáo “mang phong cách Italia”: Ali Venice City tại xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân (Bình Thuận). Khu vực này cũng hoàn toàn là đất nông nghiệp nhưng lại đang mang dáng dấp của một khu du lịch hoành tráng. Rất nhiều công trình nhà cửa, biệt thự, tiểu cảnh… được xây dựng trong khuôn viên dự án tạo nên một tổng thể đẹp mắt. Chính vì thế, rất nhiều khách hàng sau khi tham quan đã bị ngộ nhận.
Thấy công trình tưởng có phép
Vì sao chỉ là đất nông nghiệp nhưng lại có nhiều công trình nhà ở, nhà nghỉ kiên cố, đường sá khang trang, vô tình tạo điều kiện cho Công ty Alibaba dùng làm “mồi nhử” để dẫn dụ khách hàng?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ban đầu khu đất này thuộc dự án trồng cây lâu năm, chăn nuôi kết hợp du lịch sinh thái có tên Thiên Thai Gia Trang do ông Bùi Văn Giáo, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Tự Cường, làm chủ đầu tư.
Dự án được UBND tỉnh Bình Thuận cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2009. Sau nhiều lần điều chỉnh, đến tháng 4-2013, mục tiêu đầu tư của Thiên Thai Gia Trang là dự án trồng cây lâu năm, chăn nuôi.
Toàn bộ diện tích trên có 39 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) nhưng chỉ có 12 sổ đỏ do Công ty Tự Cường đứng tên với diện tích gần 70ha. Số sổ đỏ và diện tích còn lại đứng tên bốn cá nhân trong gia đình ông Giáo và tất cả đều là đất nông nghiệp.
Theo báo cáo của Sở KH&ĐT tỉnh Bình Thuận, tháng 8/2018, Công ty Tự Cường đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông Hồ Văn Hùng và bà Trần Mỹ Lệ ở Biên Hòa (Đồng Nai). Tuy nhiên, gần một năm sau, công ty này mới có văn bản báo cáo việc chuyển nhượng và xin làm thủ tục trả lại giấy chứng nhận đầu tư dự án.
Đáng chú ý là trước khi Công ty Tự Cường có báo cáo thì ngày 17/6/2019, ông Hùng và bà Lệ đã sang nhượng khu đất trên cho ông Bùi Minh Đức (ngụ Bình Dương) với số tiền 175 tỉ đồng, đặt cọc trước 35 tỉ đồng. Tổng số tiền mua bán dự án này sẽ chuyển làm năm đợt, đến ngày 16/10/2019 tới đây là đợt chuyển tiền cuối cùng và Công ty Alibaba đang rao bán khu đất này dưới tên gọi dự án Ali Venice City.
Ông H., một khách hàng của dự án Ali Venice City, cho biết khác với các dự án của Alibaba ở Nhơn Trạch, Phú Mỹ chỉ là đất nông nghiệp mới bắt đầu san ủi hay Thắng Hải chỉ là rừng tràm mênh mông, dự án này rất hoành tráng nên khi tham quan ai cũng thích.
“Bước vào dự án, ai cũng choáng ngợp bởi nhà cửa khang trang, đường sá hoàn chỉnh. Ngoài ra, cảnh quan cũng rất được đầu tư, có thác nước, nhà sàn bên suối, cầu gỗ… khiến chúng tôi lầm tưởng đây là đất đã chuyển mục đích đất ở, được phép xây dựng nên mới mạnh dạn đầu tư. Thế nhưng qua thông tin báo chí, chúng tôi mới tá hỏa biết đây chỉ là đất nông nghiệp” - ông H. chua chát nói.
Vi phạm xảy ra trong nhiệm kỳ trước?
Ngày 9/9, trao đổi với PV, một đại diện của Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận cho biết Sở này vừa có văn bản báo cáo HĐND tỉnh sự việc trên. Theo đó, toàn bộ công trình đã xây dựng trong khuôn viên dự án Ali Venice City đều trái phép. Tuy nhiên, do địa phương không phát hiện khi các công trình xây dựng để báo cáo cho Thanh tra Sở Xây dựng phối hợp kiểm tra, ngăn chặn, xử lý. “Trách nhiệm này thuộc về chính quyền UBND cấp xã” - đại diện Sở Xây dựng khẳng định.
Trả lời chúng tôi, bà Phạm Thị Hải, Chủ tịch UBND xã Tân Phúc, cho biết các công trình xây dựng trái phép ở khu vực trên diễn ra đã lâu, từ thời điểm chưa chia tách Tân Minh thành thị trấn Tân Minh và hai xã Tân Đức, Tân Phúc. Lúc công trình này xây dựng bà Hải đang làm ở Hội Phụ nữ xã nên không biết xã có lập biên bản hay không. Tuy nhiên, bà Hải thừa nhận chính vì lầm tưởng những công trình xây dựng trái phép này, cộng thêm việc nghe Địa ốc Alibaba quảng cáo rầm rộ nên các khách hàng đã… sập bẫy.
Theo bà Hải thông tin, thực chất khu đất trên vẫn chưa phải của Công ty Alibaba do giao dịch mới chỉ dừng lại ở hợp đồng đặt cọc. “Xã đã cử lực lượng theo dõi, giám sát chặt khu vực này và đã cắm bảng cảnh báo cho người dân cảnh giác” - bà Hải nói.
Trong khi đó, ông Xà Dương Thắng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, cho biết hiện UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra làm rõ việc buông lỏng để xảy ra việc xây dựng trái phép trong thời gian dài tại dự án này. Đại diện Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận nhận định về nguyên tắc, các công trình xây dựng trái phép ở dự án Thiên Thai Gia Trang xảy ra quá lâu, đã hết thời hiệu xử phạt hành chính. Tuy nhiên, Sở sẽ phối hợp để tháo dỡ toàn bộ công trình trên.
Lợi dụng những công trình xây dựng trái phép, chỉ bằng những hợp đồng đặt cọc nhưng với 8.752 nền đã và đang được rao bán giá 1,9 triệu đồng/m2, Địa ốc Alibaba đã thu lợi hàng ngàn tỉ đồng quá dễ dàng.

Theo PLO

Các tin cũ hơn