Những con số “biết nói” về thị trường BĐS năm 2012

Thứ tư, 19/12/2012, 17:16
Nợ xấu BĐS tính đến 31/10 là 28.000 tỷ đồng, số căn hộ tồn kho tại TP.HCM là 15.000 căn, 500 sàn, trung tâm BĐS đăng ký hoạt động năm 2010 tại Hà Nội nay chỉ còn con số vài chục…

Đó là những con số tưởng như ít ý nghĩa nhưng nó lại phản ánh nên bức tranh về thị trường bất động sản năm 2012 “tương đối” chân thực về vấn đề nợ xấu bất động sản tại hệ thống ngân hàng hiện nay, ảnh hưởng đến nền kinh tế, về lượng hàng tồn kho lớn chưa bán được, về tính thanh khoản của thị trường còn rất yếu,…

Nguyễn Tấn Dũng

Thủ tướng làm việc với lãnh đạo TP.HCM về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

1,24 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng liên quan đến BĐS

Trong những tháng cuối năm 2012, vấn đề được quan tâm nhất  của thị trường bất động sản đó là những “cuộc họp” bàn thảo về giải pháp “cứu” thị trường của các cơ quan quản lý.

Những con số thống kê, báo cáo của các bộ, ngành với Chính phủ đã được đưa ra. Nhưng những con số trên giấy vẫn chưa thể phản ánh hết được tình hình thực tế hiện nay nhưng cũng đủ để thấy được vấn đề của bất động sản đang khó khăn như thế nào.

Tại cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ sáng 18/12, Bộ Xây dựng trích dẫn số liệu từ NHNN đến 31/10/2012 cho thấy, tổng dư nợ bất động sản khoảng 207.595 tỷ đồng, tăng 3,6% so với thời điểm 31/12/2011. Trong đó, nợ xấu khoảng 13,5% tổng dư nợ bất động sản tương đương 28.000 tỷ đồng.

Dư nợ tín dụng BĐS của TP.HCM cũng cao hơn Hà Nội, chiếm khoảng 47,8%, Hà Nội khoảng 23,7%.

Theo số liệu từ NHNN chi nhánh TP.HCM, 85.000 tỷ đồng là số dư nợ tín dụng bất động sản tại TP.HCM , chiếm khoảng 10,6% trong tổng dư nợ trên địa bàn. Riêng cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản là 66.084 tỷ đồng, cho vay khác khoảng 18.916 tỉ đồng.

Riêng nợ xấu BĐS tại TP.HCM khoảng 4.145 tỉ đồng, chiếm 6,27% tổng dư nợ kinh doanh BĐS. 

bất động sản
 Tồn kho, nợ xấu ở bất động sản đang gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế

15.000 căn hộ chưa bán được tại TP.HCM

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện trên địa bàn TP.HCM có tổng số 1.318 dự án KĐTM, nhà ở, đất quy hoạch khoảng 12.304 ha, trong đó đất xây dựng nhà ở thương mại là 4.074 ha, đất dành cho xây dựng nhà ở xã hội chỉ có 213 ha.

Về hàng tồn kho, số liệu từ Sở Xây dựng cho thấy, TP.HCM còn khoảng 15.000 căn hộ chung cư chưa bán, hơn 300.000 m2 nền đất tồn kho, thừa khoảng 58.748 m2 văn phòng cho thuê và mặt bằng thương mại. Ước tính giá trị tổng lượng vốn tồn kho khoảng 30.242 tỉ đồng.

Còn số liệu của NHNN chi nhánh TP.HCM, tính riêng chung cư hiện đang tồn kho khoảng 14.490 căn hộ, với trị giá khoảng 24.500 tỉ đồng.

Trong tổng số khoảng 35.000 căn hộ đã hoàn thành trước năm 2011 tại TP.HCM thì 37% là căn hộ cao cấp, 38% căn hộ trung bình và 25% căn hộ bình dân.

Số liệu trên chưa phản ánh được tình hình thực tế, do đặc điểm của tồn kho BĐS khác với tồn kho của các sản phẩm công nghiệp khác, nhiều dự án đã huy động vốn một phần, nhiều dự án đã giải phóng mặt bằng nhưng phải dừng do không có thị trường, các nhà đầu tư thứ phát đã mua nhưng không bán được cho người tiêu dùng, vì vậy số vốn tồn đọng trong BĐS còn lớn hơn rất nhiều so với số liệu báo cáo.

1,84 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào bất động sản

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng đầu năm 2012, tính cả vốn FDI tăng thêm và cấp mới vào BĐS đạt 1,84 tỷ USD. 

1,84 tỷ USD được đầu tư vào bất động sản trong 11 tháng 2012 là con số khá khả quan so với năm ngoái, khi mà năm 2011 FDI vào bất động sản chỉ đạt chưa đầy 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, chỉ tính riêng dự án khu đô thị Tokyu Bình Dương do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Bình Dương đã có tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,2 tỷ USD.

So với những năm trước đây, trong 2 năm qua số vốn FDI đầu tư vào bất động sản đạt thấp nhất trong 5 năm qua. Trong giai đoạn từ 2007 – 2010, số vốn FDI luôn đổ mạnh vào bất động sản, đặc biệt là năm 2008 vốn FDI ồ ạt đăng ký vào bất động sản với con số lên tới khoảng 23 tỷ USD. 

tồn kho bất động sản
 Tình hình vốn FDI vào BĐS 2004-2012 -nguồn FIA
 

Những con số thống kê một cách tương đối của các bộ, ngành liên quan đến lĩnh vực bất động sản trên cho thấy, thị trường bất động sản đang gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức mà hệ lụy của nó là một quá trình phát triển theo phong trào, thiếu quy hoạch kế hoạch, đầu cơ tràn lan, tín dụng tăng trưởng nóng chủ yếu đổ vào bất động sản...

Theo TTVN

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn