Những dự án 'tai tiếng' nhất năm 2012

Thứ tư, 19/12/2012, 13:37
Năm 2012 được coi là năm “bùng nổ” các vụ kiện tụng, khách hàng tố chủ đầu tư chiếm dụng vốn, dự án chậm tiến độ.

Khách Splendora “méo mặt” vì mất tiền tỷ tiền chênh tỷ giá

Nhiều khách hàng mua dự án ở khu đô thị Splendora (huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã phải đứng ngồi không yên do cách tính giá của chủ đầu tư là Công ty Liên doanh Trách nhiệm hữu hạn phát triển đô thị An Khánh - An Khánh JVC chênh tới 1,5 – 2 tỷ đồng tiền lệch tỷ giá khi chuyển từ hợp đồng góp vốn sang hợp đồng mua bán.

Cụ thể, với mỗi căn biệt thự liền kề có diện tích 125 m2 (tổng diện tích là 259 m2 xây dựng), chủ đầu tư đã thu chênh của khách hàng khoảng 500 triệu đồng. Tương tự, biệt thự 210 m2 chênh khoảng 800 triệu đồng, biệt thự 270 m2 chênh khoảng 1 tỉ đồng; biệt thự 330 m2 vuông chênh khoảng 1,5 tỉ đồng.

Theo khách hàng của Splendora, nguyên nhân của việc chênh giá là do chủ đầu tư đã tính thêm yếu tố biến động giá căn cứ theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khiến số tiền chênh khách hàng phải nộp lên đến gần 10% hợp đồng mua bán. 

splendora
Nhiều tỷ phú Splendora đang ngồi trên đống lửa vì tiền chênh hàng tỷ đồng 

Tuy nhiên, phía An Khánh JVC là chủ đầu tư dự án Splendora kiên quyết khẳng định đã hoàn toàn làm đúng pháp luật. Sự chênh lệch giá giữa hợp đồng góp vốn và hợp đồng mua bán, chủ đầu tư cũng cho rằng không hề sai do thỏa thuận trước đó với khách hàng là thỏa thuận góp vốn chứ không phải là thỏa thuận mua bán.

Cũng theo chủ đầu tư, giá bán trong hợp đồng mua bán với khách hàng được niêm yết bằng VNĐ, và còn ấn định khoản tiền cụ thể cho từng lần thanh toán. Việc này cũng đã được khách hàng chấp thuận thông qua việc ký hợp đồng mua bán.

Tricon Tower dừng thi công, khách hàng khó đòi tiền

Một trong những dự án “lùm xùm”, khiến nhiều khách hàng bức xúc trong năm 2012 là dự án Tricon Tower (Bắc An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội). 

Theo phản ánh của nhiều khách hàng đã ký hợp đồng đóng tiền mua nhà cho chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Minh Việt từ tháng 11/2009. Khách hàng sẽ phải đóng tiền theo định kỳ 3 tháng/lần, mỗi lần 20.000 USD. 

Theo nguyên tắc nội dung ký kết, Công ty Cổ phần Đầu tư Minh Việt sẽ phải giao nhà cho khách hàng vào ngày 31/12/2011, muộn nhất là ngày 30/6/2012. Tuy nhiên đến nay, dự án này mới hoàn thiện phần móng và đã “đắp chiếu” từ nhiều tháng.

Nhiều khách hàng cho biết, họ đã nộp tiền cho Công ty Minh Việt lên tới 70% giá trị của căn nhà. Tuy nhiên cho đến nay, dù dự án đã chậm tiến độ nhưng vẫn chưa có khách hàng nào nhận lại được tiền từ Công ty Minh Viêt.

Trong khi đó, ông Edward Chi – Tổng giám đốc công ty Cổ phần đầu tư Minh Việt lại đổ lỗi cho rằng, việc chậm tiến độ là lỗi của nhà thầu làm ăn chậm trễ. Đến nay vụ việc vẫn chưa đi đến một hướng giải quyết cụ thể nào. Các khách hàng vẫn đang kiên trì yêu cầu chủ đầu tư hoàn lại tiền theo đúng như cam kết trong hợp đồng.

Dự án 409 Lĩnh Nam: Nguy cơ mất trắng tiền tỷ

Dự án Megastar Duminium 409 Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) do Công ty Trách nhiệm hữu hạn kinh doanh nhà Vĩnh Hưng và Công ty Cổ phần Megastarland đầu tư đã tiến hành huy động vốn của khách hàng từ 11/2009, nhưng đến nay dự án vẫn trơ cọc sắt hoen gỉ và chỉ là khu ao tù nước đục.

Theo các khách hàng, việc huy động vốn một mặt được tiến hành trực tiếp giữa chủ đầu tư là Công ty Vĩnh Hưng, một mặt thực hiện qua Sàn Giao dịch bất động sản của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và thương mại Hạ Long.

Rất nhiều khách đã đến làm việc với chủ đầu tư để đòi lại tiền nhưng không thể gặp được lãnh đạo. Một nhân viên kinh doanh sàn tại Megastar Land cho biết “không có thông tin về dự án này từ lâu rồi”. Còn trên website của công ty Megastas Land thông tin về dự án 409 Lĩnh Nam đã bị xóa hết chỉ còn phần giới thiệu chung chung có dự án này do công ty trực tiếp đầu tư.

Tại địa chỉ 409 Lĩnh Nam, người bảo vệ là người duy nhất làm việc trong dự án cho biết sắp tới sẽ triển khai xây dựng tiếp. Hiện tại, máy móc và thiết bị đang chuẩn bị về, dự kiến khoảng 15/9 sẽ làm. Còn những người dân xung quanh cho rằng đó chỉ là chiêu “tung hỏa mù” để khách hàng vẫn mua nhà và chủ đầu tư vẫn thu tiền.

Còn theo một nguồn tin từ Sở Xây Dựng Hà Nội cho hay, dự án 409 Lĩnh Nam chưa được cấp phép xây dựng đã huy động vốn từ khách hàng. 

Coma 7: Dự án cù nhầy 10 năm không xây

Hàng chục khách hàng mua dự án Khu tập thể Cơ khí và Xây lắp số 7 (Km 14, Quốc lộ 1A, Thanh Trì, Hà Nội ) đang khóc dở mếu dở vì dự án gần 10 năm vẫn là bãi đất trống, trong khi số tiền góp vốn  trị giá lên tới hàng chục cây vàng, thì nay chưa đến...2 cây vàng.

coma 7
Dự án khu tập thể Coma7 bị tố "cù nhầy" 10 năm không trả lại tiền cho khách 

Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2003 – 2004, dự kiến sẽ bàn giao căn hộ cho khách hàng vào tháng 8/2005. Tuy nhiên, đến nay, sau gần 10 năm khởi công, dự án vẫn là bãi đất hoang.

Theo hợp đồng, tiến độ đóng tiền được chia làm 3 đợt: Đợt 1 đóng 40% tổng giá trị hợp đồng (tương đương với số tiền 82.400.000 đồng) ngay sau 10 ngày ký hợp đồng. Đợt 2 cũng đóng 40% tổng giá trị hợp đồng sau 10 ngày xây xong phần thô và đợt 3 đóng nốt 20% còn lại (tương đương đương 41.072.030 đồng) khi hoàn thiện căn hộ.

Điều đáng nói, dù dự án không được triển khai, nhưng gần 10 năm qua, chủ đầu tư vẫn không chịu thực hiện theo đúng cam kết như trong hợp đồng là “nếu bên A xây dựng và bàn giao nhà không đảm bảo tiến độ quy định thì phải chịu lãi suất ngân hàng tương đương với lãi suất không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định”. Thậm chí, nhiều khách hàng đến công ty đòi tiền nhưng chủ đầu tư vẫn “cù nhầy” không chịu trả.

Siêu dự án Parkcity bị tố nứt móng

Dự án Park City (Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội) được coi là dự án có mức giá đắt nhất Hà Nội những năm 2009, nhưng đến nay theo phản ánh của nhiều khách hàng dự án vẫn nằm bất động vì bị lún và nút móng.

Hàng chục khách hàng mua dự án Park City cho biết, sắp đến thời hạn bàn giao nhà theo hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư và khách hàng, nhưng tại khu nhà thấp tầng Tiểu khu 1, dự án ParkCity vẫn chỉ dừng lại ở phần móng và “đắp chiếu” suốt gần 1 năm nay.

parkcity
Siêu dự án vẫn đang bị bỏ hoang 

Trong khi đó, theo lý giải của chủ đầu tư là Công ty VIDC (liên doanh giữa Vinaconex Hoàng Thành và Công ty Perdana Parkcity (S) Pte . (Malaysia), dự án hiện đang chậm tiến độ do xuất hiện sự cố kỹ thuật gồm: Nứt bề mặt móng và móng lún quá mức cho phép. 

Điều đáng nói, tại buổi gặp mặt khách hàng, đích thân ông Lawrence Peh, Tổng giám đốc công ty VDIC khẳng định: “Chậm nhất là giữa tháng 6/2012 công việc sửa chữa móng sẽ được triển khai”. Tuy nhiên, đến nay theo tìm hiểu của phóng viên, dự án vẫn “bất động”, còn khách hàng thì như ngồi trên đống lửa vì không biết đến bao giờ mới được nhận nhà.

Trong khi đó, hồi tháng 10/2012, theo thông báo trên website của Vinaconex, Tổng công ty này đã  hoàn tất chuyển nhượng 3,75 triệu cổ phần, tương đương với 25% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần đầu tư và Phát triển Đô thị Vinaconex Hoàng Thành (Vinaconex Hoàng Thành), chủ đầu tư dự án Park City tại quận Hà Đông (Hà Nội).

Với việc chuyển nhượng số cổ phần này, Tổng công ty Vinaconex đã chính thức rút hết phần vốn của mình tại siêu dự án đắt nhất Hà Nội này.

Sự “ly dị” này đã một lần nữa khiến cho hàng chục khách hàng phải đặt dấu hỏi về tương lai của dự án sẽ đi đâu về đâu và bao giờ các khách hàng có thể nhận nhà.

Theo VTC News

Các tin cũ hơn