Theo ông Nam, mặc dù Nhà nước đưa ra gói 30.000 tỷ đồng để cho vay hỗ trợ nhà ở, nhưng chúng ta phải có nhiều giải pháp cũng như nhiều loại hình sản phẩm để các đối tượng người thu nhập trung bình và thu nhập thấp ở đô thị đều có thể giải quyết được vấn đề nhà ở.
Còn về vấn đề thu nhập, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam phân tích, một cá nhân đi làm thu nhập đến 9 triệu đồng/tháng vẫn được xếp vào thu nhập thấp, nhưng cũng có người có thể chỉ thu nhập 2-3 triệu đồng/tháng. Một gia đình có thể thu nhập tối đa ở mức thu nhập thấp là 18 triệu đồng/tháng, nhưng tối thiểu nhiều gia đình có thể thu nhập chỉ có 5 triệu đồng/tháng.
Để giải bài toán nhà cho dải thu nhập nói trên, đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng đưa ra 2 cách.
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: "Nhà nước cố gắng lo chỗ ở cho người dân, chứ không cố gắng lo sở hữu nhà cho người dân". |
Thứ nhất, những người có thu nhập thấp nhưng đủ khả năng vay ngân hàng, thì chúng ta phải có dải sản phẩm từ nhỏ tới lớn. Ví dụ, tiêu chuẩn nhà thu nhập thấp theo quy định là 30-70m2. Trên thực tế đã có những sản phẩm này trên thị trường mà công năng được thiết kế rất tốt, phù hợp với vợ chồng trẻ, hoặc thậm chí hai vợ chồng và một con nhỏ.
“Chúng ta có thể có những gói nhỏ như vậy, vì với đối tượng nghèo thì phải phát triển từng bước, sau 5-7 năm kinh tế phát triển, lương cao lên, số người trong gia đình đông lên, có điều kiện thì chuyển lên những căn hộ lớn hơn và chuyển căn hộ nhỏ đó lại cho những đôi vợ chồng trẻ khác”, Thứ trưởng Nam phân tích.
Do vậy, nếu tính mức tối thiểu là 30m2 (khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm hiện có nhà diện tích này giá 8,5 triệu đồng/m2), thì giá toàn bộ căn hộ khoảng 250 triệu đồng. Theo quy định, người mua phải tự lo đặt cọc khoảng 50 triệu đồng (20%), vay 80% là 200 triệu đồng, trả trong 10 năm, mỗi năm trả 20 triệu đồng tiền gốc, mỗi tháng trả 1,8 triệu đồng; lãi 6% tính trên gốc lớn đầu tiên, một năm trả 12 triệu đồng tiền lãi.
Đây là những tháng đầu, các tháng sau gốc giảm thì lãi cũng giảm theo. Ngay tháng đầu tiên, lãi mỗi tháng 1 triệu đồng cộng 1,8 triệu gốc. Như vậy, mỗi tháng trả 2,8 triệu đồng. Với thu nhập của những gia đình khoảng 5-6 triệu đồng, dành 30 - 35% thu nhập để trả, với sự hỗ trợ của gia đình thì sẽ trả được.
Và theo như các ngân hàng công bố, có thể vay 15 năm, 200 triệu đồng trong 15 năm thì con số trả hàng tháng còn giảm đi nữa. Đây là đối với những hộ gia đình thu nhập 5 - 6 triệu đồng, cũng là mức thấp, cố gắng dành dụm có thể sở hữu ngôi nhà.
Đó cũng là mức thấp nhất bởi chúng ta không thể đòi hỏi làm sao làm được căn hộ giá 80-90 triệu đồng/căn vì hiện nay Chính phủ đã hỗ trợ tối đa đất, thuế, tín dụng….
Còn với những đối tượng thu nhập quá thấp thì Bộ Xây dựng đang dự thảo quyết định thí điểm để trình Thủ tướng, ngay lập tức có thể phát triển một số dự án nhà ở thuê thí điểm dưới hình thức thuê từng tháng, trả tiền từng tháng.
Tuy nhiên, theo ông Nam, nếu thuê từng tháng, trả tiền từng tháng sẽ gặp rủi ro khi giá bất động sản lên cao, người cho thuê tăng giá. Do đó, Bộ có đưa ra phương thức thuê gói, tức là có thể thuê một hợp đồng 6 năm hoặc 12 năm. Nói cách khác, sở hữu nhà có thời hạn. Trong thời gian đi thuê, nhà đó coi như của mình, có thể cho thuê lại, thuê để kinh doanh hoặc chuyển nhượng hợp đồng nhưng giá cả ổn định trong suốt 6 hoặc 12 năm.
“Tôi cho rằng với gia đình thu nhập quá thấp thì phải theo phương thức đi thuê, rồi tích lũy. Bất kỳ nước nào, kể cả nước phát triển cũng vậy. Nhà nước cố gắng lo chỗ ở cho người dân, chứ không cố gắng lo sở hữu nhà cho người dân. Việc này chúng ta phải giải quyết trong hàng chục năm, chứ không phải trong một vài năm”, Thứ trưởng Nam nói.
Theo VnEconomy