Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng vừa có báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ tư, khóa XIII, trong đó tập trung vào nhiều vấn đề của thị trường bất động sản.
Theo Bộ trưởng, hiện giá nhà ở đã giảm nhiều so với thời điểm sốt giá giai đoạn 2008-2010, nhiều dự án giảm tới 50%, trở về giá tương đương thời điểm 2006. Người đứng đầu ngành xây dựng nhận định gần đây phân khúc nhà ở bình dân tại Hà Nội và TP.HCM đã có dấu hiệu ấm dần lên.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, phân khúc nhà ở bình dân tại Hà Nội và TP HCM đã có dấu hiệu ấm dần lên. |
Một trong những giải pháp cốt lõi của báo cáo nhằm phá băng thị trường bất động sản là tập trung vào phân khúc nhà ở xã hội để khắc phục được sự lệch pha cung - cầu trên thị trường.
Báo cáo cho biết, từ nay đến năm 2015 trong khu vực đô thị cả nước có khoảng 1,7 triệu người sống bình quân dưới 5m2 và 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở. Để đáp ứng nhu cầu, cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ.
Đến nay, trên toàn quốc đã có 157 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai xây dựng với quy mô 68.500 căn, tổng mức đầu tư khoảng 19.900 tỷ đồng. Trong đó có 58 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp với quy mô trên 33.000 căn hộ và 99 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, với quy mô xây dựng khoảng 35.500 căn.
Tại Hà Nội, Tổng công ty HUD đã triển khai dự án Khu nhà ở xã hội Tây Nam Linh Đàm với tổng mức đầu tư 710 tỷ đồng, quy mô trên 1.000 căn hộ. Đơn vị này cũng đang nghiên cứu triển khai nhà ở xã hội tại các dự án Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 (Mê Linh), Nam An Khánh mở rộng khu 3, Giang Biên, Tân Lập, Kiến Hưng, Đại Áng… Theo đó, mục tiêu giai đoạn 2013-2015 là xây dựng trên 4.950 căn hộ và giai đoạn 2016-2020 xây dựng trên 20.000 căn hộ nhà ở xã hội.
Ở Bình Dương, Đồng Nai, các tổng công ty Becamex IDJ và IDICO cũng đang triển khai nhiều dự án nhà ở cho công nhân.
Để cơ cấu lại sản phẩm trên thị trường, theo Bộ Xây dựng hiện đã có 56 chủ đầu tư đề xuất điều chỉnh quy mô căn hộ hoặc chuyển đổi dự án nhà thương mại sang xã hội, với quy mô 33.000 căn hộ. Trong đó Hà Nội có 27 dự án với quy mô hơn 14.900 căn hộ. Ủy ban nhân dân thành phố cũng đã thống nhất chủ trương cho chuyển đổi 4 dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, các dự án khác đang được Tổ công tác thẩm tra. Còn tại TP.HCM có 23 dự án xin chuyển đổi với quy mô 14.500 căn hộ...
Theo VnExpress