Chúng tôi đến khu trọ ở đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7, TP HCM), nơi tập trung nhiều công nhân của KCX Tân Thuận sinh sống. Trời vừa chạng vạng, các khu trọ như được đánh thức bởi sự ồn ào của công nhân tan ca trở về.
“Xóm sống thử”
Chúng tôi vào xóm trọ 5/25 hẻm 385, đường Huỳnh Tấn Phát. Châm điếu thuốc, anh Lê Văn Sơn, công nhân một công ty đóng tàu, không chút ngại ngần, cho biết: “Xóm trọ này có 10 phòng thì đã có 7 phòng là các cặp góp gạo thổi cơm chung trong đó có mình. Đều là công nhân từ quê lên thành phố làm việc vốn thiếu thốn tình cảm nên khi có người yêu là tính chuyện về ở chung để bù đắp cho nhau thôi”.
Cuộc sống khó khăn khiến nhiều CN chấp nhận sống thử. (Ảnh minh họa)
Chị Đặng Thị Hạnh, công nhân Công ty Copal tâm sự: “Đi làm công nhân được 6 năm, đây là năm thứ hai mình và người yêu sống chung với nhau. Trước đây mình thuê trọ ở quận 4, sau đó người yêu tính chuyện về sống cùng để dễ chăm sóc nhau khi đau ốm nên mới dọn về đây ở”.
Câu chuyện tình cảm của những cặp đôi khu trọ rôm rả hơn khi tất cả công nhân về đầy đủ. Anh Bùi Văn Long, công nhân công ty đóng tàu Sài Gòn bộc bạch: “Nói thật, mình và người yêu đến với nhau được hơn một năm nay. Cũng tính chuyện đi đến hôn nhân, nhưng phải có tiền thì mới tổ chức được. Nếu ở mỗi người một nơi thì rất tốn kém, mà nói đúng ra con trai chẳng mấy ai biết giữ tiền. Trước đây mình cũng vậy, làm đồng nào xào đồng đó, vì vậy mới đi đến quyết định sống chung”.
Không riêng gì khu này, mà rất nhiều xóm trọ ở xung quanh cũng quy tụ các cặp đôi góp gạo thổi cơm chung. Bà Phạm Thị Hai, chủ một xóm trọ trong hẻm 324, đường Huỳnh Tấn Phát cho biết cả con hẻm này có tất cả 10 nhà kinh doanh phòng trọ với gần 100 phòng thì hết 90% là công nhân sống thử, vì vậy mà con hẻm này còn được gọi là “xóm sống thử”.
Kết cục buồn
Chuyện sống thử trong công nhân bây giờ đã trở nên bình thường. Tuy nhiên, đáng chú ý là đa số công nhân đều thiếu hiểu biết cần thiết khi sống thử. Tại xóm trọ P.Phú Lợi, tỉnh Bình Dương, mọi người không còn xa lạ với hình ảnh những bà mẹ công nhân không chồng có con ở đây. Chị Nguyễn Thị Thơm, quê Hưng Yên vào Bình Dương làm việc được hai năm thì yêu một nam CN cùng công ty.
Do không có tiền tổ chức đám cưới, hai người sống chung với nhau. Khi chị Thơm có thai thì nam công nhân kia lấy cớ không phải là con của mình và bỏ đi. Chị Thơm phải một mình sinh nở và nuôi con. Cùng xóm trọ với chị Thơm còn có ba bà mẹ khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Không còn đường về quê khi mang tiếng không chồng có con, những bà mẹ công nhân ở đây co cụm lại giúp đỡ nhau sống và nuôi con. “Tụi mình vất vả bao nhiêu cũng không lo, chỉ buồn vì con sinh ra mang tiếng không cha thôi” chị Thơm nói trong nước mắt.
Theo thống kê từ Hội chữ thập đỏ Bệnh viện Từ Dũ, có đến gần 80% các ca nạo phá thai hàng năm thuộc về các nữ CN ở TP.HCM. Ngoài ra, có 20% nữ CN không có điều kiện nuôi con phải gửi vào các mái ấm tình thương. Tại phòng khám và tư vấn sức khỏe sinh sản Marie Stope International Việt Nam (P.Thống Nhất 1, Thị xã Dĩ An, Bình Dương) trung bình mỗi tháng có gần 90 ca nạo phá thai của nữ CN tại KCX Linh Trung 1 và KCN Sóng Thần.
Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Ái, Phó giám đốc phòng khám, cho biết: “Các nữ công nhân khi tìm đến đây đều thiếu hiểu biết về tình dục an toàn, và sức khỏe giới tính. Nhiều người còn không biết mình đã mất đi thiên chức làm mẹ”.