Nhẫn trinh tiết (purity ring hay abstinence ring) xuất hiện ở Mỹ vào đầu những năm 1990 trong cộng đồng người theo Cơ Đốc giáo và Tin Lành, với chủ trương kiêng khem tình dục cho đến ngày kết hôn.
Nguyễn Hoàng Ngọc Bích “khoe” chiếc nhẫn trinh tiết.
Chiếc nhẫn được đeo trên ngón tay như một lời hứa công khai với cộng đồng, để một bạn trẻ cùng với nửa kia của mình thực hiện cam kết giữ trinh tiết đến ngày cưới. Thời gian gần đây, việc đeo nhẫn trinh tiết đã du nhập vào cộng đồng trẻ Việt, kể từ khi các báo mạng đăng bài viết rầm rộ về trào lưu này.
Lùng mua nhẫn
Trên nhiều diễn đàn và mạng xã hội, cộng đồng trẻ lao xao về nơi bán chỗ mua loại nhẫn đặc biệt này. Theo bình luận của nhiều thành viên, có thể đặt mua nhẫn từ nước ngoài thông qua kênh bán lẻ trực tuyến Amazon.com với nhiều mẫu đa dạng.
Với từ khóa “purity ring” (nhẫn trinh tiết), website bán hàng trực tuyến này cho kết quả hơn 700 mẫu nhẫn bạc, giá từ 200.000 đến gần 1 triệu đồng (chưa kể phí vận chuyển về VN). Nhẫn trinh tiết thường là nhẫn bạc và khác với nhẫn trang sức bình thường chỉ ở chỗ có dòng chữ mang thông điệp: “purity” (trong trắng), “I will wait” (Tôi sẽ chờ) hay “Ps 51:10” (trích đoạn trong Kinh thánh nói về việc gìn giữ “trong sạch”)...
Nắm bắt trào lưu mới của giới trẻ, các cửa hàng bán đồ bạc giờ đây bắt đầu gia công loại nhẫn trinh tiết này với mẫu mã sao lại trên trang Amazon.
Chị Võ Thị Thùy Dung, chủ cửa hàng Vũ Dung Silver trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.10, TP.HCM), cho biết trước giờ chị chủ yếu bán nhẫn cặp, nhưng mấy tháng gần đây bắt đầu làm thử một kiểu nhẫn trinh tiết và rao bán trên các website với giá 250.000 đồng. Ngoài thông điệp gìn giữ sự trong trắng trên chiếc nhẫn, cửa hàng còn nhận khắc thêm tên, hoặc biểu tượng tình yêu của riêng hai người... mà khách hàng yêu cầu.
“Khách mua nhẫn hoặc là các bạn gái hoặc là các bạn trai mua tặng người yêu. Hiếm có trường hợp một cặp đôi nào đó đến mua nhẫn trinh tiết vì các bạn còn ngại” - chị Thùy Dung cho biết.
Còn theo chị Nguyễn Thị Nga, làm việc ở một xưởng bạc thủ công làng nghề chạm bạc Đồng Xâm, Q.Đống Đa, Hà Nội, từ khi báo mạng đăng bài về nhẫn trinh tiết, nhiều bạn trẻ đến hỏi và đặt làm loại nhẫn lạ lẫm này nên xưởng mới bắt đầu gia công và bán đại trà. “Đa số khách hàng là các bạn học sinh, sinh viên, chủ yếu mua thông qua kênh Facebook” - chị Nga cho hay.
Lời hứa trên ngón tay
Ngay khi nhìn thấy người thân đeo chiếc nhẫn trinh tiết, cô sinh viên Trường ĐH Hoa Sen Nguyễn Hoàng Ngọc Bích đã háo hức “phải đi mua đeo liền mới được!”.
“Chỉ vì mình thích ý nghĩa của nó. Chiếc nhẫn đơn giản thôi nhưng làm tôn lên vẻ đẹp cao quý của người con gái mang nó trên tay”, Ngọc Bích giải thích. Từ trước đến giờ, cô gái “sành điệu” này không có thói quen đeo quá lâu một món đồ trang sức nào, “nhưng mình sẽ phá lệ với chiếc nhẫn trinh tiết này!”, Ngọc Bích nói.
Cũng giống như Bích, ngay khi biết tin có loại nhẫn trinh tiết, Võ Thị Mỹ Linh, phóng viên của một tạp chí ở TP.HCM, đã truy tìm địa chỉ nơi bán chiếc nhẫn này. Cô bạn còn tham gia “Hội những người đeo nhẫn trinh tiết” trên mạng xã hội Facebook. Mỹ Linh cho rằng với cô chiếc nhẫn là thiêng liêng.
“Khi bạn cảm nhận được ý nghĩa điều mình tôn thờ thì bạn xem đó là thiêng liêng”, cô chia sẻ. Mỹ Linh cho biết hiện có hai luồng ý kiến khác nhau về việc đeo chiếc nhẫn này. Một là cổ vũ với ý nghĩa gìn giữ trong trắng cho đến ngày “là của nhau”.
Hai là lên án những người đeo nhẫn vì có chắc họ “còn” hay mất, hay đó chỉ là cách khoe mẽ bên ngoài. Nhưng bản thân Mỹ Linh quan niệm: “Đeo chiếc nhẫn trên tay cũng giống như bạn đang giữ một niềm tin, và cũng là đánh dấu một giai đoạn của đời mình. Khi không “còn” nữa thì tháo nhẫn ra, coi như đã là người lớn, và một giai đoạn mới bắt đầu”.
Chuyện đeo nhẫn trinh tiết cũng trở thành chủ đề tranh luận rôm rả của nhiều diễn đàn. Trênwebtretho, thành viên Napal ví chuyện đeo chiếc nhẫn này như một chiêu lừa, giống như chuyện đi vá “cái ngàn vàng”, nếu như cô gái đó không “còn” nhưng vẫn khư khư đeo chiếc nhẫn trên tay.
“Trinh tiết không phải cái để khoe ra bên ngoài” - Napal cho ý kiến. Còn thành viên Bankoflove lo ngại chuyện đeo chiếc nhẫn chỉ càng làm hại cho chủ nhân khi nó như là “mồi” nhử cho những tên sở khanh.
Trong khi đó, một chàng trai 19 tuổi tham gia diễn đàn này nhấn mạnh việc hiểu được giá trị của điều mình đang làm quan trọng hơn nhiều chuyện có đeo hay không đeo một chiếc nhẫn trên tay.
“Người khác thừa hiểu bạn là người như thế nào nếu có quá trình tiếp xúc đủ lâu. Mọi toan tính và lừa dối đều là vô ích. Bạn cứ khoác lên mình bộ đồ lịch lãm, có thể họ ấn tượng bạn phút ban đầu, nhưng qua thời gian nếu bạn là kẻ thô tục thì sớm muộn gì “cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra”!”.
Nhưng nói như lời của Nguyễn Hoàng Ngọc Bích thì khi đeo chiếc nhẫn trên tay, cô không quan tâm đến người xung quanh nghĩ gì mà “chỉ cần bản thân mình hiểu là đủ rồi!”.
Cô còn quả quyết: “Sau này có bạn trai, mình càng nên đeo chiếc nhẫn này như một thông điệp, lời hứa và cam kết ngay từ ban đầu rằng mình đến với nhau vì trân quý tình cảm. Chiếc nhẫn khi đó giúp “thay lời muốn nói” với nửa kia của mình hiểu điều mà mình mong muốn giữ gìn”.