Nghị trường “nóng” chuyện cướp giật

Thứ sáu, 07/12/2012, 09:10
Tại kỳ họp HĐND ở TP.HCM, Đà Nẵng và một số địa phương diễn ra  trong ngày hôm qua, các đại biểu đã mạnh mẽ chuyển đến nghị trường những bức xúc nóng bỏng của người dân trước thực trạng tội phạm cướp giật lộng hành, cuộc sống bất an.
Lực lượng công an phải dập ngay từ đầu, trấn áp, xử lý mạnh theo quy định của pháp luật thì họ chờn ngay.

Do mình hết nớ, cái thứ tội phạm ni phải xử lý mạnh tay, chứ xìu xìu là nó nổi lên.

Ông Nguyễn Bá Thanh Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng
Phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại HĐND TP.Đà Nẵng cũng nóng lên với chuyện tội phạm đang gia tăng trên địa bàn.
 
Ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, cho biết thời gian qua, tình hình tội phạm trên địa bàn diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm tăng, trong đó nổi lên là hoạt động của các băng nhóm đòi nợ thuê, dẫn đến hành vi bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản... gia tăng.
 
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh nói thẳng ngành công an phải nhận trách nhiệm đảm bảo trật tự an toàn cho người dân.

"Người dân cần có cuộc sống yên bình, chứ không thể nơm nớp lo sợ khi ra đường. Những kẻ đòi nợ thuê, những băng nhóm tội phạm phải được xử lý nghiêm.

Những kẻ gây tội ác tày đình, phạm tội mất nhân tính, có tiền án tiền sự... thì không nên xử tù quá nhẹ, sau đó mấy năm lại đặc xá là không công bằng", ông Thanh nói.

 
Theo ông, các loại tội phạm như ma túy, đòi nợ thuê, cướp giật đã gia tăng hành vi, cực kỳ phức tạp.

"Lực lượng công an phải dập ngay từ đầu, trấn áp, xử lý mạnh theo quy định của pháp luật thì họ chờn ngay. Do mình hết nớ, cái thứ tội phạm ni phải xử lý mạnh tay, chứ xìu xìu là nó nổi lên" - ông Thanh giải thích một trong những nguyên nhân khiến tội phạm bùng phát.

 
Mới giải quyết phần ngọn
 
Có hiện tượng giấu án, bỏ án...
 
ĐB Lê Trương Hải Hiếu đặt vấn đề: “Chúng ta đặt nặng chỉ tiêu không tăng án, yêu cầu năm sau phải giảm hơn năm trước.

Đây là chỉ tiêu cần thiết nhưng nó đang gây nhiều áp lực, dẫn đến hệ lụy là công an địa phương giấu án, thậm chí bỏ án...”.

 
Thiếu tướng Minh thừa nhận có giấu án, và cho biết: “Vừa rồi, tôi đã đề nghị kiểm điểm, cắt thi đua, xử lý đối với một số cán bộ về việc không thực hiện đầy đủ chức trách trong trực ban, sai sót không thống kê đầy đủ các vụ tội phạm. Sai sót đó có tính hệ thống”.

Mở đầu phần trả lời buổi chiều, ông Minh nói rõ thêm: “Những việc đó chỉ xảy ra ở những tội cướp giật mà nại cớ là không có nhân chứng, nại cớ là địa bàn giáp ranh, chỉ qua chỉ lại...”.
Tại Khánh Hòa, nhiều ĐB cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc ngăn chặn nạn trộm cắp, cướp giật trên địa bàn tỉnh.

ĐB Lê Thị Hoàng Yến cho rằng, khi nào ngành công an ra quân tổ chức những đợt tấn công trấn áp tội phạm thì nạn trộm cắp, cướp giật giảm bớt nhưng sau khi lực lượng chức năng “chùn xuống” thì tệ nạn này lại tăng lên.

Vì thế, mới chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề.

 
Đại tá Trần Ngọc Khánh, Giám đốc Công an tỉnh nhìn nhận, trong năm 2012 nạn trộm cắp, cướp giật trên địa bàn tỉnh diễn ra phức tạp.

Trong số 714 vụ phạm pháp hình sự năm nay thì có tới 529 vụ là cướp giật, trộm cắp tài sản, chiếm 74,9%.

 
Ông Khánh cho rằng, muốn nạn trộm cắp, cướp giật giảm một cách ổn định thì lực lượng công an phải liên tục tấn công, trấn áp.

Thời gian tới, ngoài việc mở các đợt tấn công, trấn áp tội phạm, lực lượng công an tỉnh sẽ triển khai thêm nhiều biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh tận gốc.

Bên cạnh đó, ngành công an đã phát động phong trào quần chúng đấu tranh tội phạm cướp giật, nhằm tuyên truyền về các thủ đoạn của các đối tượng trộm cắp, cướp giật để người dân biết cách phòng ngừa, nâng cao ý thức bảo vệ tài sản.

 
Báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri tại kỳ họp cũng cho thấy nhiều cư tri bày tỏ sự bức xúc với nạn trộm cắp, cướp giật xảy ra ở nhiều nơi, cả đô thị và nông thôn, theo chiều hướng ngày càng phức tạp và nguy hiểm.

Do đó, cử tri đề nghị cần có những giải pháp cụ thể và chế tài đủ mạnh để trấn áp.
 
“Lực lượng công an phải xem xét lại”
 
Có đến hơn 40 ý kiến chất vấn nên phần trả lời của thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó giám đốc Công an TP.HCM đã kéo dài từ nửa cuối buổi sáng đến nửa đầu buổi chiều. Đây là điều chưa từng có trong những kỳ họp HĐND TP.HCM gần đây.
 
Nghị trường “nóng” chuyện cướp giật

Thiếu tướng Phan Anh Minh trả lời chất vấn - Ảnh: Diệp Đức Minh

Về nạn cướp giật táo tợn, gây hoang mang, bức xúc cho người dân mà đại biểu (ĐB) nêu ra, thiếu tướng Minh nói: “Tôi nghe các ĐB thảo luận, đặt vấn đề là công an có bị động, có phản ứng chậm hay không? Ở chỗ này ngoài các nguyên nhân khách quan, tôi cũng xin nói luôn là có một số chủ quan mà lực lượng công an phải xem xét lại”.

Ông thừa nhận các tổ hình sự đặc nhiệm một số quận huyện còn mỏng, bị chia cắt, khả năng kết nối hạn chế nên có nơi còn để trống địa bàn giáp ranh. Công an TP cũng đã kiểm điểm rất kỹ và đang khắc phục những hạn chế này.
 
Tôi nghe các ĐB thảo luận, đặt vấn đề là công an có bị động, có phản ứng chậm hay không?

Ở chỗ này ngoài các nguyên nhân khách quan, tôi cũng xin nói luôn là có một số chủ quan mà lực lượng công an phải xem xét lại.


Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM
Về thiếu sót trong tăng cường liên kết với công an các tỉnh trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm, thiếu tướng Minh thừa nhận: “Đúng như dự báo là năm 2012 có một số diễn biến phức tạp về tình hình tội phạm, tình trạng sử dụng vũ khí trái phép ở các tỉnh phía bắc có khả năng lây lan vào TP.HCM.

Trong tháng 11 năm nay, tội phạm có xu hướng tăng nhẹ, đặc biệt là cướp giật nhưng điều chúng ta hết sức quan tâm là tính chất hung hãn, phạm tội một cách công nhiên, táo tợn gia tăng, có một số vụ thủ phạm gây án dã man.

Đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp nhiều nhưng tỷ lệ phát hiện được ít. Có thể nói đây là một trong những mầm mống phát sinh tội phạm nguy hiểm”.

 
“Không biết để buồn hay để cười”
 
ĐB Lâm Đình Chiến đề nghị trả lời thẳng thắn 2 vấn đề: “Thứ nhất, trong tình trạng hiện nay nên chăng lập lại lực lượng SBC hoặc lực lượng 141 như Hà Nội? Thứ hai, TP tiếp nhận khoảng hơn 10.000 người nghiện hồi gia, Công an TP quản lý những người này ra sao?”.
 
Cho biết trước đây thống kê tội phạm liên quan đến ma túy chiếm khoảng 30%, nhưng gần đây đã tăng lên gần 50%, trong khi công tác quản lý người nghiện hồi gia rất khó khăn.

Thiếu tướng Minh nói: “Đây là một thách thức rất lớn. Và cũng nói thêm một thông tin mà không biết để buồn hay để cười, cách đây mấy năm vẫn thường xuyên có đặc xá với một lý do ít được công khai là các trại giam quá tải, chứ không phải vì họ cải tạo tốt. Hậu quả mà chúng ta gánh rất là lớn”.

 
Thiếu tướng Minh chia sẻ, ông hiểu rất rõ SBC là mô hình hoạt động có hiệu quả và nằm trong lòng dân hơn chục năm nay. Bây giờ lực lượng hình sự đặc nhiệm đã thay thế.

“Dù là cướp thì cũng là con người, cũng không thể dùng từ săn bắt cho nên mới dùng từ đặc nhiệm. Chúng ta nên chờ đợi một thời gian nữa chứ đừng vội cho rằng, lực lượng đặc nhiệm hoạt động không có hiệu quả bằng mô hình SBC”, ông Minh nói.

 
Ông Minh cho biết thêm: “Chúng tôi cũng đã nghiên cứu và kế thừa cách làm của Hà Nội, tiếp thu mô hình 141 nhưng nó xuất phát từ việc Hà Nội có quá nhiều đầu gấu, tự cho mình lệch chuẩn giá trị, có mũ bảo hiểm mà không cần đội, qua mặt CSGT.

Nếu bị thổi thì giới thiệu là con ông cháu cha, sẵn sàng chống người thi hành công vụ cho nên Hà Nội buộc phải có cảnh sát cơ động, cảnh sát hình sự đặc nhiệm đi theo để bảo vệ CSGT mới dám xử lý hành vi đó.

Ở TP.HCM chưa đến mức đó và đang xử lý theo hướng thông tin nhanh. Hình sự đặc nhiệm phát hiện cái gì trên bộ đàm báo cho CSGT kiểm tra xe đó, chứ không cần một ông làm mà hai ông thợ vịn như thế. Đang thiếu lực lượng, chúng ta không nên lãng phí nhân sự như vậy”.

 
Bắt được cướp thưởng ngay 5 triệu đồng
 
Cho biết trong thời gian tới Công an TP sẽ triển khai đồng loạt nhiều biện pháp mạnh để trấn áp tội phạm, nhưng ông Minh cũng tâm sự: “Có ĐB hỏi tôi có hứa hẹn gì? Tôi chỉ có thể nói rằng là thách thức đang rất lớn.

Hiện nay Công an TP không được tăng biên chế. Việc xây dựng trụ sở từ 2008 đang giậm chân tại chỗ. Cả ban giám đốc và các đơn vị đang ở tạm bợ.

Chúng tôi không than vãn gì cả, chỉ biết cố gắng nỗ lực và chỉ biết hứa rằng nếu còn được làm việc, còn được phân công nhiệm vụ, chúng tôi sẽ nhìn thẳng vào thách thức, động viên anh em cùng nỗ lực để giải quyết các thách thức này.

Kết quả thì cũng phải nói thật rằng trong công tác công an đôi khi có nhiều cái ngẫu nhiên, phát sinh gì đó bất ngờ...”.

 
Ông Minh cũng cho biết sẽ trình UBND TP quy chế vận động Quỹ phòng, chống tội phạm. Trên cơ sở đó, bất kể người nào bắt được cướp sẽ thưởng ngay 5 triệu đồng. “Nếu chúng ta thưởng cho rõ ràng, giáo dục và quản lý tốt, thì ngay cả tội phạm cũng có thể sẽ quay lại chống trả trộm cướp”.
 
Phó chủ tịch UBND TP Lê Minh Trí chỉ đạo các quận huyện, phường xã phải củng cố lực lượng tại chỗ, trong đó có bảo vệ khu phố, thanh tra xây dựng, hội phụ nữ, đoàn thành niên… để cùng với lực lượng nòng cốt là công an nhằm chống tội phạm, nhất là tội phạm cướp giật.

“Cái gì dân lo lắng bất an thì chúng ta phải đặc biệt quan tâm, có trách nhiệm giải quyết đến nơi đến chốn”, ông Trí nói.

 
Theo Thanhnien

Các tin cũ hơn