Ngồi trước mặt tôi tại cơ quan CSĐT Công an quận 9 là nữ sinh viên Đ.T.H.Y. (18 tuổi, ngụ Lâm Đồng). Khuôn mặt trắng trẻo, xinh đẹp của Y đang nhòa nước mắt vì cô mới nghe thông báo bị bắt tạm giam để điều tra về tội trộm cắp tài sản. Bên ngoài, anh trai và chị gái của Y. tái mặt, run rẩy khi nghe hung tin. Trao đổi với chúng tôi, điều tra viên hôm ấy cho biết, Y. phạm tội thuộc trường hợp đơn giản nhưng gia đình không thể bảo lãnh vì không có ai có địa chỉ thường trú ở quận 9.
Theo điều tra, từ Lâm Đồng xuống TP HCM đi học, Y. thuê nhà ở chung với các chị N.T.M., T.T.M. Ngày 28/11, lợi dụng những người ở chung phòng đi làm, Y. lục lọi và phát hiện chị M. để trong ví 2 triệu đồng nên chiếm đoạt. Chưa dừng lại ở đây khi thấy con heo đất của chị M., Y. đập bể và lấy được 102 USD bỏ vào heo đất của mình cất giấu.
Chiều cùng ngày, sau khi đi làm về phát hiện mất tài sản, những người trong phòng hỏi nhưng Y. chối nên đã báo Công an. Điều đáng nói là tại cơ quan điều tra, Y. thừa nhận hoàn cảnh không phải thuộc diện khó khăn nhưng khi thấy tài sản của người khác nảy lòng tham mà phạm tội.
Trước đó không lâu, Công an quận 9 cũng đã bắt giữ T.Q.T. (20 tuổi, ngụ thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) về tội trộm cắp tài sản. Vào thời điểm bị bắt giữ bị can này đang là sinh viên năm thứ 3 một trường cao đẳng ở quận 9.
Tại cơ quan điều tra, T. khai: do mẹ đang bệnh nặng không gửi tiền chi phí cho việc học, trưa 12/11, T. đi học về biết hai người ở trọ cùng đi ra ngoài nên đã lấy trộm 2 chiếc laptop đem bán, lấy tiền đóng học phí.
Ngoài những trường hợp túng thiếu làm liều hay nhất thời phạm tội như chúng tôi vừa mới phản ánh ở trên, gần đây nhiều vụ án do sinh viên phạm tội mang tính chất chuyên nghiệp, có tổ chức.
Cuối tháng 10 đầu tháng 11/2012, Công an quận 2, TP HCM đã triệt phá đường dây trộm cắp tinh vi, chiếm đoạt xe máy tại các bãi giữ xe trên địa bàn các quận 2, quận 9, Bình Thạnh. Trong số 3 can phạm bị bắt giữ có 2 đối tượng được xác định là sinh viên của một trường cao đẳng ở Thủ Đức.
Bị cáo Huỳnh Xao Thất bị phạt 18 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. |
Theo điều tra, sáng 25/10/2012, Thiều Văn Quang (22 tuổi, ngụ quận 9, sinh viên) cùng Trương Thanh Phước (22 tuổi, ngụ Thủ Đức, bạn học của Quang) và Trương Hoàng Thanh Thái (22 tuổi, ngụ Thủ Đức) vào gửi xe tại bãi xe của trường tại Trường Đại học Văn hoá, phường Thảo Điền, quận 2.
Do đã bàn bạc từ trước, tại đây, Quang tháo biển số xe Future Trung Quốc của Thái dán vào xe Wave Alpha BKS: 61F1 – 10839 của chị Huỳnh Thị Kim Liên (21 tuổi, ngụ quận 9), còn Phước dùng biển số xe Wave TQ dán vào xe Future của anh Đặng Ngọc Phú Thuận (18 tuổi, ngụ quận 6).
Sau khi tráo xe, Thái và Phước ung dung dẫn lấy xe ra trót lọt. Vụ việc chỉ bị phát hiện khi Quang tráo biển số và dắt chiếc xe Nouvo của chị Nguyễn Thị Phương Linh (20 tuổi, ngụ quận 5) ra ngoài thì mới bị bảo vệ phát hiện bắt giao Công an.
Mở rộng điều tra, Quang cùng đồng bọn thừa nhận trước đó bọn chúng thực hiện 6 vụ trộm cắp với thủ đoạn tương tự, chiếm đoạt hơn chục chiếc xe máy tại các trường học trên địa bàn các quận lân cận.
Mới đây (ngày 11/12), TAND TP HCM đã tuyên phạt Huỳnh Xao Thất (21 tuổi, ngụ TP Nha Trang, Khánh Hòa, sinh viên năm 3) 18 tháng tù (sơ thẩm xử 3 năm) về tội “trộm cắp tài sản”. Theo nội dung vụ án, trong thời gian đi học, Thất thường xuyên lên mạng xem lịch thi của các trường đại học, sau đó trà trộn cùng các sinh viên vào phòng thi lấy trộm tài sản.
Theo đó, trong khoảng thời gian từ cuối tháng 11/2011 đến giữa tháng 12/2011, Thất vào trường đại học Tôn Đức Thắng (quận 7) thực hiện 6 vụ trộm cắp tài sản, chiếm đoạt 5 máy laptop, 3 điện thoại di động. Tại trường đại học RMIT (quận 7), Thất thực hiện trót lọt 3 vụ trộm khác chiếm đoạt được 2 laptop và 1 điện thoại di động.
Đến ngày 21/12/2011, Thất trà trộn vào trường Đại học Mở, quận 4 lấy trộm trót lọt một máy laptop của sinh viên Nguyễn Tấn Huy sau đó Thất nhanh chóng chuyển sang địa bàn trường Đại học Tôn Đức Thắng, quận 7 chuẩn bị thực hiện phi vụ mới thì bị bảo vệ phát hiện bắt quả tang.
Tại phiên tòa, Thất khai do hoàn cảnh khó khăn, gia đình không cung cấp đủ tiền để chi phí cho việc học nên bị cáo túng quá làm liều. “Ăn cắp quen tay”, một lần trót lọt, rồi lần hai, lần ba… dần dần Thất trở thành một tên trộm chuyên nghiệp.
Theo Trung tá Trịnh Văn Sâm, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội - Công an quận 9, TP HCM, hầu hết sinh viên vừa bước qua tuổi vị thành niên lại phải sống xa gia đình, thiếu sự kiểm soát, bị kẻ xấu lôi kéo nên dễ bị sa ngã. Cũng có trường hợp là do lòng tham hoặc đam mê cờ bạc, nợ nần dẫn đến phạm tội.
Theo CAND