Quà biếu tết vô hình trung trở thành sự hối lộ của cấp dưới với cấp trên, của doanh nghiệp nào đấy với người có tầm ảnh hưởng nhằm mang lại lợi ích vật chất, sự cất nhắc sau này.
Nhà sử học Lê Văn Lan |
TS. Trịnh Hoà Bình (viện Xã hội học Việt Nam) cho rằng xã hội đang có những cuộc "chạy đua" quà biếu, người ta cứ muốn quà của mình, công ty mình phải đặc biệt hơn, sang trọng hơn, độc đáo hơn người khác mặc dù kinh tế có khó khăn việc biếu xén quà tết vẫn được coi trọng.
"Chúng ta biếu quà không vì tình cảm mà vì lợi ích cá nhân. Ngay cả chế độ tư bản, ở Mỹ cũng quy định quà biếu không quá 5 USD, nhưng chúng ta thì sao? Khi quà biếu đã lên tới tiền tỷ thì nó không còn ý nghĩa là một món quà biếu đơn thuần. Việc này không chỉ dừng lại ở phê bình nhắc nhở mà phải làm cuộc vận động xã hội tìm ý nghĩa tốt đẹp của quà biếu", TS. Bình cho biết.
Nhìn nhận dưới góc độ lịch sử văn hoá, nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng: "Tặng quà cho nhau trong mỗi dịp xuân về, tết đến là một nét đẹp văn hóa truyền thống vốn có từ lâu đời của Việt Nam nói riêng và các dân tộc trên thế giới nói chung.
Cũng vì lẽ đó đừng nên biến quà tặng thành một gánh nặng hay một nghĩa vụ cho người đi tặng. Hãy nên hiểu giá trị của những món quà đều gặp nhau ở một điểm: Đó là lời tri ân, cầu chúc an lành và may mắn cho nhau khi một năm mới sắp đến chứ không phải là nơi để thể hiện sự sành điệu, đẳng cấp sao cho xứng tầm hay có phong cách".
TS. Trịnh Hoà Bình |
GS. Lê Văn Lan cho rằng: “Người giao thiệp bình thường chẳng mấy khi biếu quà đắt tiền cho nhau họ chỉ đến thăm hỏi nhau là quý rồi. Ngày xưa chuyện biếu quà của những người giao lưu bình thường không có đâu vì họ theo tinh thần "Quân tử tri giao đạo nhược thuỷ" nghĩa là người là quân tử, giao tiếp với nhau thì nhẹ nhàng, nhạt nhoà như nước lã vậy thôi.
Đó mới là sự quý trọng nhau vì nó đảm bảo cho con người ta sự thanh khiết. Cái gọi là quà biếu ngày tết của người xưa chỉ có ở dân tết quan hoặc quan tết vua tức là chuyện đút lót hầu hạ nhau. Nó không có ở trong dân những người giao thiệp tình cảm đơn thuần".
Không ít nhà nghiên cứu khẳng định phong tục tặng quà, biếu xén nhau là sản phẩm của thời kinh tế thị trường có quan liêu, hối lộ. Chẳng hạn, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và thời bao cấp trước đây cũng có ai biếu quà nhau đâu.
Thời kinh tế thị trường gắn với chuyện làm ăn bất chính mới sinh ra biếu quà nặng về vật chất. Ở đây có hai dạng, giàu bất chính phất lên muốn khoe của, hợm mình nên họ đem cho nhau những món quà đắt tiền, còn phần quan trọng hơn chính những giới làm ăn bất chính đủ các cấp dùng quà cáp làm hình thức biếu xén, mà thực chất là hối lộ. Mà đã là hối lộ dưới hình thức quà biếu thì "càng nhiều càng ít", càng phải tìm thứ sang trọng, đắt tiền.
Thực tế, đây là sản phẩm của xã hội mà văn hoá, đạo đức xuống cấp. Tất nhiên, họ không mất tiền suông thôi đâu, bỏ một đồng ra họ mong nhận được nhiều tiền hơn nữa. Đó chỉ là sự vụ lợi của cá nhân, theo thời mà thôi chứ không phải sự tiết kiệm để mong có một văn hoá quà biếu tốt đẹp và đúng nghĩa.
Theo Nguoiduatin