Ao nuôi cá của người dân xã Tam An, huyện Long Thành, Đồng Nai đen ngòm vì ô nhiễm của Sonadezi Long Thành vẫn còn tồn tại ở lớp bùn phía dưới.
|
Đầu tháng 1/2013, tại cuộc họp giữa UBND tỉnh Đồng Nai, ban chỉ đạo bồi thường thiệt hại do ô nhiễm của Sonadezi Long Thành với Sonadezi, một lần nữa, người ta lại được nghe lời hứa: dự kiến người dân sẽ được chi trả bồi thường trước tết Nguyên đán.
Theo đó, những hộ dân đánh bắt thuỷ sản trong vùng ô nhiễm sẽ được bồi thường 95% thiệt hại; còn những hộ có cây trồng, vật nuôi nằm trong vùng ô nhiễm được bồi thường 50% trên tổng mức thiệt hại.
Khoảng thời gian các hộ được tính để bồi thường thiệt hại là 44 tháng. “Tỷ lệ đền bù đã được thống nhất” lần này là kết quả sau nhiều buổi họp kín giữa các cơ quan có trách nhiệm trước đó.
Ngoài ra, sau khi viện Môi trường và tài nguyên (được Đồng Nai thuê đánh giá thiệt hại do ô nhiễm) tính toán lại do sự không đồng tình của người dân, thì 11 hộ dân nằm ngoài và 27 hộ dân giáp ranh vùng ô nhiễm (theo đánh giá trước đó của viện) được bổ sung vào danh sách bồi thường lần này.
Như vậy, theo ban chỉ đạo, Sonadezi Long Thành sẽ phải bồi thường cho 175 trường hợp bị thiệt hại, nhưng tổng số tiền bao nhiêu thì chưa công bố được!
Nói về tỷ lệ bồi thường thiệt hại trên, ông Nguyễn Văn Trai, đại diện cho hàng chục hộ dân bị thiệt hại ở ấp 2, xã Tam An, bức xúc: “Chỉ có ban chỉ đạo với Sonadezi thống nhất, dân nào mà thống nhất ở đây!”
Theo nhiều người dân bị thiệt hại, họ không hề được tham vấn bất cứ thông tin gì về vấn đề liên quan. Ngoài ra đến nay, gần trăm hộ dân bị đẩy ra khỏi phạm vi bị ô nhiễm, theo tính toán của viện Môi trường và tài nguyên trước đây, tiếp tục bức xúc do thiệt hại thực tế là có, nhưng nay vẫn không được công nhận.
Có thể kể như trường hợp các gia đình ông Hưng, Phong, Trai (cách họng xả thải Sonadezi Long Thành khoảng 700 – 800m), hay gia đình anh Trung (cách họng xả thải khoảng 200m)… “Lần này nếu không giải quyết công bằng, chúng tôi sẽ kiện ra trung ương”, ông Trai bức xúc nói.
Nhiều người dân bị thiệt hại đã thất vọng cho rằng: “Chính quyền địa phương biết rất rõ những hộ dân nào bị ô nhiễm, thiệt hại ra sao trong bao nhiêu năm qua nhưng họ không mạnh dạn yêu cầu làm rõ vấn đề mà chỉ chờ chỉ đạo”.
Trong tình hình đó, trao đổi với phóng viên về kết quả giải quyết bồi thường thiệt hại cho người dân hiện nay, bà Nguyễn Thị Thu Hà, phó chủ tịch hội Nông dân huyện Long Thành, thành viên ban chỉ đạo bồi thường, cho rằng: “Có một điều tốt là sau khi tính toán thì nói chung người dân cũng có thêm một khoản kinh phí đầu tư thêm cho sản xuất, hoặc giải quyết một phần đời sống họ hiện nay. Khi áp giá ban đầu, chúng tôi thấy có những hộ được số tiền tương đối lớn”(!?)
Còn nhớ, thời gian gần đây, tại vụ việc thuỷ điện Đồng Nai 6, 6A, ngay từ đầu, Đồng Nai đã bày tỏ thái độ phản đối xây dựng hai thuỷ điện này rất quyết liệt.Không chỉ UBND tỉnh có công văn chính thức gửi các bộ, ngành và Thủ tướng Chính phủ đề nghị dừng triển khai hai dự án mà thường vụ Tỉnh uỷ cũng đã gửi công văn lên bộ Chính trị và ban Bí thư với đề nghị tương tự!
Nguyên nhân vì những tác động tiêu cực của nó tới bảo tồn đa dạng sinh học, giá trị lịch sử, văn hoá và sinh kế của người dân trong vùng và dưới hạ lưu. Quan điểm của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai được nhiều người, nhiều giới ủng hộ và ngợi khen.
Trong khi đó, vụ việc Sonadezi Long Thành gây ô nhiễm nghiêm trọng, khiến đời sống kinh tế của người dân trong vùng bị thiệt hại lớn là một thực tế và đã được chứng minh. Với những diễn tiến hiện nay, cùng là thể hiện trách nhiệm và vai trò của mình trong việc bảo vệ môi trường nhưng thái độ của chính quyền Đồng Nai trong hai vụ việc dường như quá khác nhau!
Liệu trong vụ việc Sonadezi Long Thành gây ô nhiễm, vai trò bảo vệ quyền lợi cho người dân của chính quyền có quá mờ nhạt?
Cuối cùng thì sau nhiều lần “tập trung bày tỏ thái độ”, thất vọng vì sự tránh tiếp xúc dân, “xem thường dân” của Sonadezi và thái độ có phần “nhu mì” của chính quyền, người dân vẫn phải tiếp tục chờ đợi trong lo lắng, bức xúc.
Phải chi trong vụ việc Sonadezi, chính quyền Đồng Nai cũng quyết liệt, cứng rắn và minh bạch như vụ thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A.
Diễn tiến vụ Sonadezi Long Thành gây ô nhiễm • Rạng sáng 4/8/2011, cục Cảnh sát môi trường bắt quả tang Sonadezi Long Thành đang xả nước thải có màu đen đậm đặc, nóng, bốc hơi, có mùi hôi từ sau hệ thống xử lý nước thải tập trung qua cống ngầm bêtông đường kính 30cm, dài 600m chảy ra hồ hoàn thiện, rồi qua ba đường cống ngầm chảy ra rạch Bà Chèo. • Ngay sau đó, chính quyền bắt đầu tiếp nhận gần 300 đơn kiện Sonadezi Long Thành của người dân bị thiệt hại tại xã Tam An. Lúc này, các đại diện chính quyền xã, tổ chức địa phương thừa nhận có hiện tượng Sonadezi đã xả thải gây ô nhiễm từ nhiều năm trước đây, nhưng lần nào kết quả cũng không vượt quá tiêu chuẩn cho phép nên không đủ điều kiện để giải quyết khiếu kiện của người dân. • Tháng 10/2011, Sonadezi Long Thành bị xử phạt 405 triệu đồng do xả thải vượt tiêu chuẩn cho phép từ 5 – 10 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 5.000 – 10.000m3/ngày. Tại một buổi họp báo liên quan, trả lời báo chí về việc nước sau xử lý của nhà máy khiến cá, vịt chết, ông Phạm Anh Tuấn, phó tổng giám đốc Sonadezi Long Thành nói: “Nói mấy hồ, mấy hecta cá chết thì xin lỗi, phải có cơ sở!” Ông còn cho rằng xử lý nước thải là chuyện... lâu dài! • Tháng 3/2012, viện Môi trường và tài nguyên công bố kết quả điều tra: rạch Bà Chèo bị ô nhiễm do nước thải của Sonadezi Long Thành, các nguồn ô nhiễm khác không đáng kể tại đây. • Tháng 5/2012, ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Nai yêu cầu báo chí không được đề cập đến bà Đỗ Thị Thu Hằng, chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc tổng công ty Sonadezi, đại biểu Quốc hội, trong vụ việc Sonadezi Long Thành gây ô nhiễm. • Tháng 7/2012, hàng loạt người dân Tam An phản ứng vì không được công nhận bị thiệt hại do ô nhiễm. Trả lời phóng viên, đại diện viện Môi trường và tài nguyên thừa nhận: có thể thực tế người dân thiệt hại rất lớn nhưng viện không đủ cơ sở khẳng định Sonadezi gây ô nhiễm nghiêm trọng hơn. • Tháng 10/2012, ban Chỉ đạo bồi thường thiệt hại làm việc với Sonadezi Long Thành đưa ra mức giá đòi bồi thường của người dân bị thiệt hại là trên 30 tỉ đồng, theo áp giá ước tính ban đầu. Khung giá tính thiệt hại với các loại cây trồng, vật nuôi do sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tính toán dựa trên công thức điều tra thực tế mức đầu tư của người dân. • Tháng 1/2013, bà Phan Thị Mỹ Thanh, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu Sonadezi Long Thành chuẩn bị tiền bồi thường cho dân trước tết Nguyên đán, theo tính toán của viện Môi trường và tài nguyên. |
Theo SGTT