Trong nhiều chức năng quan trọng của hệ thống sông Đồng Nai, quan trọng hơn cả là chức năng cung cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu dân đang sinh sống ở các khu đô thị và khu công nghiệp tập trung ở vùng hạ lưu, đặc biệt là TP.HCM, TP.Biên Hòa (Đồng Nai), TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương)...
Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu môi trường đã vượt quy chuẩn cho phép ở mức độ đáng báo động, trong đó nghiêm trọng nhất là ô nhiễm hữu cơ, vi sinh, kim loại nặng và dầu mỡ. Lưu vực sông đã và đang bị khai thác quá tải không kiểm soát, giá trị sử dụng suy thoái đáng kể.
Xử lý ô nhiễm nguồn nước sông Đồng Nai là một vấn đề hết sức cấp bách, nhưng tại hội nghị 5 năm (2007 - 2012) triển khai đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai vào ngày 11.1, với kết quả "đạt được không rõ ràng, thành lập ủy ban chức năng thì có mà quyền hạn thì không, có cũng được, không có cũng được; vẫn chưa thống kê đầy đủ nguồn thải ra sông gây ô nhiễm để giám sát, xử lý.
Nước từ họng xả suối Siệp (bắt nguồn từ xã Đông Tân Hiệp, huyện Dĩ An, Bình Dương chảy qua địa phận xã Hóa An, P.Bửu Hòa, xã Tân Vạn, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) thải ra sông Đồng Nai chứa cả chất độc xyanua - Ảnh: Hoàng Tuấn |
Vấn đề xử phạt cũng không nhằm nhò gì, 5 năm với 11 tỉnh, thành mà chỉ xử phạt có 99 tỉ đồng thì không làm được cái gì hết, vi phạm vì thế sẽ còn kéo dài và không có hồi kết” đã gây ra thêm nhiều lo lắng đối với lãnh đạo nhiều địa phương trong lưu vực con sông này.
Ông Trần Ngọc Thới, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cảnh báo: “Dân số đô thị chiếm trên 50% và ngày càng tăng nhưng chất lượng nước của sông Đồng Nai đang giảm, có nguy cơ, rất là nguy cơ đến mức không xử lý được, đẩy khoảng 20 triệu dân các tỉnh, thành trong lưu vực sông phải dùng nước sinh hoạt bị ô nhiễm”.
Ông Thới đề nghị thành lập một cơ quan quản lý chuyên trách để kịp thời giải quyết các vấn đề tình huống, tăng chi ngân sách để giải quyết hiệu quả tình trạng ô nhiễm.
Ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, đưa ra đề nghị mạnh hơn, đó là Chủ tịch Ủy ban “ít nhất phải là Phó thủ tướng để có thể “gõ” mấy ông Bộ, “gõ” mấy ông TP, chứ bây giờ giải quyết vấn đề dựa trên cơ sở đồng thuận giữa các tỉnh, thành trong lưu vực thì rất là khó”.
Một nghịch lý là 11 tỉnh, thành trong lưu vực sông Đồng Nai chiếm tới 58% GDP công nghiệp của cả nước, với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm ở mức trên 15% nhưng các địa phương đều than thiếu kinh phí bảo vệ môi trường.
Ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, Phó chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai, cho biết: “Vấn đề tăng kinh phí đã được đưa ra nhưng do kinh tế khó khăn nên đành phải tạm để đó. Quốc hội có ý kiến nên để lại năm sau nhưng nếu tăng cũng không tăng vọt được mà chỉ tăng từ từ”.
Đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn này, ông Nguyễn Thanh Nguyên nói: “Cần có cơ chế nhằm tạo ra quỹ bảo vệ môi trường, đó là tỷ lệ ngân sách để lại cho địa phương phục vụ giải quyết nạn ô nhiễm. Không đi xin nữa, xin ngân sách T.Ư không đơn giản. Kêu gọi vốn ODA cũng khó lắm nên mình phải có cơ chế để tự mình lo thôi”.
Sông Đồng Nai bị “đầu độc” Sau “sự kiện” Vedan, cuối tháng 9.2008, tỉnh Đồng Nai công bố số liệu cho thấy, trong số 27 khu công nghiệp (KCN) của Đồng Nai hiện chỉ có 10 KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Một điểm chung của tất cả các KCN này là dù đã qua xử lý cục bộ, xử lý tập trung hay chưa xử lý, nước thải ra môi trường đều chưa đạt chuẩn cho phép và có thể coi các KCN tại Đồng Nai là những “đại” Vedan. - Giữa tháng 3.2009, Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai qua kiểm tra đã phát hiện chất độc xyanua tại suối Siệp chảy ra sông Đồng Nai. Kết quả phân tích nguồn nước suối Siệp khiến mọi người giật mình: coliform (chất gây bệnh về đường ruột) vượt 9.200 lần, amoni vượt 216 lần, BOD5 vượt 38,8 lần, chất độc xyanua vượt từ 1,3-2 lần, hàng loạt kim loại nặng khác như niken vượt 2,4 lần, sắt vượt 2,4 lần, phát hiện nhiều dầu mỡ loang... - Đầu tháng 6.2010, Sở TN-MT Đồng Nai xác định 2 vị trí có dấu hiệu của việc gây ra ô nhiễm là khu vực tiếp nước thải từ Nhà máy giấy Tân Mai và khu vực bến đò An Hảo - nơi tiếp nhận nước thải từ các công ty trong KCN Biên Hòa. - Đầu tháng 8.2011, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) Bộ Công an bắt quả tang Nhà máy xử lý nước thải tập trung Sonadezi (KCN Long Thành, Đồng Nai) đang xả nước thải không đạt tiêu chuẩn ra rạch Bà Chèo đổ ra sông Đồng Nai. |
Theo Thanhnien