|
Vi phạm tràn lan
Theo thông tin từ cơ quan công an, thời gian gần đây, cơ quan này tiếp nhận hàng loạt đơn thư của doanh nghiệp, người dân bức xúc về nhiều công ty đòi nợ thuê (ĐNT) thực hiện không đúng theo quy định, như: không mặc đồng phục, không đeo bảng tên, không có giấy tờ gì để chứng minh là nhân viên của công ty đòi nợ.
Phần lớn nhân viên của nhiều công ty ĐNT mặt mày bặm trợn, đội mũ lụp xụp che nửa mặt, văng tục, chỉ trỏ gây rối...
Do loại hình kinh doanh này thuộc dạng “nhạy cảm” nên nó được xếp vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nghĩa là phải được Công an TP.HCM cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự (ANTT) mới được chính thức đi vào hoạt động.
Thậm chí, quy định về nhân sự của công ty ĐNT cũng hết sức khắt khe như đòi hỏi giám đốc điều hành phải có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh; còn nhân viên thấp nhất cũng phải có bằng trung cấp về các ngành nói trên, không có tiền án.
Triệt phá các nhóm đòi nợ thuê
Tin từ Công an TP.Hội An (Quảng Nam) ngày 14/1 cho biết đã bắt khẩn cấp 3 người có hành vi đòi nợ thuê, tống tiền trú tại thôn Bến Trễ, xã Cẩm Hà (Hội An) gồm: Phạm Văn Tình (27 tuổi), Nguyễn Văn Sơn (28 tuổi), Nguyễn Anh Tưởng (23 tuổi). Tình đã cho Ngô Rin (trú thôn Trà Quế, cùng xã) vay 13 triệu đồng để đánh đề; sau một thời gian đòi Rin trả 17 triệu đồng tiền gốc lẫn lãi. Rin không có khả năng trả nợ nên bị nhóm này bắt giữ, liên hệ cho mẹ nạn nhân đe dọa phải trả đủ tiền... Các nghi can còn sử dụng mã tấu hành hung công an viên Võ Đình Hưng (thôn Bến Trễ) gây thương tích 10% do tư thù. Trước đó, băng nhóm do Lương Văn Y (25 tuổi, trú P.Sơn Phong, Hội An) cầm đầu cho vay nặng lãi, đe dọa dùng vũ lực đòi nợ thuê đã bị PC45 Công an Quảng Nam lập chuyên án triệt phá. |
Quy định là vậy, nhưng thực tế theo tìm hiểu của chúng tôi, khách nợ (con nợ - PV), đại diện chủ nợ (công ty ĐNT), kể cả công an địa phương đều không nắm các quy định hoạt động này nên dẫn đến tranh cãi hoặc giải quyết những vụ việc phát sinh không đến nơi đến chốn.
Theo quy định, con nợ có quyền từ chối làm việc nếu nhân viên của công ty ĐNT xâm phạm đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự hoặc nhân viên của công ty này không đeo thẻ...
Thực tế, công ty ĐNT thường xuyên mắc phải các vi phạm như: phí dịch vụ đòi nợ không ghi rõ trong hợp đồng giữa chủ nợ và công ty ĐNT (có dấu hiệu trốn thuế); thông báo cho khách nợ biết về việc được chủ nợ ủy quyền đến đòi nợ; không đeo thẻ; nhân viên thiếu bằng cấp, chưa đảm bảo tiêu chuẩn.
Cũng như chưa báo cáo danh sách nhân viên cho công an phường, xã; chưa báo cáo đều hợp đồng đòi nợ cho cơ quan công an; VPĐD mà vẫn ký hợp đồng thực hiện đòi nợ ở TP.HCM (theo quy định là không được)...
“Quy định là vậy, nhưng ít có công ty nào thực hiện đúng. Có công ty đưa người ngoài xuống đòi, thậm chí có nhiều vụ có cả đối tượng có tiền án tiền sự. PC45 đã từng đề nghị xử lý hành chính công ty vi phạm quy định đòi nợ” - một cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45), Công an TP.HCM, cho biết.
Xử lý nhẹ tay
Theo thống kê sơ bộ, từ tháng 6/2011 đến nay, cơ quan công an chỉ lập biên bản xử lý 4 trường hợp, gồm: Công ty TNHH thu hồi nợ Xương Rồng ở đường Hoàng Hoa Thám, Q.Bình Thạnh, vì sử dụng người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn.
Công ty TNHH dịch vụ thu nợ Tai Ga ở đường Nguyễn Văn Dung, P.6, Q.Gò Vấp, về hành vi hoạt động không đúng địa chỉ, nội dung ghi trong giấy phép.
Công ty CP dịch vụ đòi nợ Song Long ở đường Trường Sơn, P.2, Q.Tân Bình, vì sử dụng người không đúng quy định và chưa có giấy điều kiện ANTT;
VPĐD của Công ty TNHH thu nợ Hùng Hậu trên đường Hồ Hảo Hớn, P.Cô Giang, Q.1 (trụ sở chính ở Tiền Giang), vì hoạt động nhiều chức năng không đúng theo quy định.
Số vụ bị xử lý trên so với thực tế sai phạm của các công ty ĐNT chẳng thấm vào đâu. Trước tình hình phức tạp này, năm 2012, UBND TP.HCM đã ban hành quy chế phối hợp quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ trên địa bàn TP.HCM.
Quyết định này quy định rõ nhiệm vụ cụ thể của từng sở, ngành về công tác quản lý cũng như xử lý đối với đơn vị kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi ghi nhận một thực tế hầu hết con nợ nào cũng đều bị nhân viên của công ty ĐNT khủng bố tinh thần, đe dọa tính mạng gia đình, khiến họ hoảng sợ phải tìm mọi cách vay tiền trả nợ.
Thật sự, khách nợ không phải không có ý định trả nợ mà do làm ăn thua lỗ nên không có tiền trả nợ. Mới đây, ông L.Q.C (ngụ Q.8) đến tòa soạn BáoThanh Niên cầu cứu. Sau khi nhóm người của công ty đòi nợ ở TP.HCM đến công ty ăn vạ nhiều ngày liền, bọn chúng không thấy hiệu quả nên đi theo dõi ông T. đến tận nhà uy hiếp tính mạng gia đình ông.
“Nghĩ đến vụ ông Đặng Xuân Sĩ bị đâm chết sau khi bị đe dọa hoặc ông Võ Văn Tài (51 tuổi, ngụ Q.8) vừa bị nhóm người đi đòi nợ đe dọa, rồi bị thiêu sống, tôi lo sợ nên đã gửi hàng chục đơn thư cầu cứu đến cơ quan công an nhờ sự hỗ trợ nhưng cơ quan này trả lời không xử lý được. Nếu không xử lý được thì phải cho công an bảo vệ hoặc theo dõi để tránh xảy ra như vụ ông Sĩ chứ” - ông C. bức xúc.
Chính vì lời đe dọa, khủng bố tinh thần của công ty đòi nợ vẫn chưa đủ cơ sở pháp lý để xử lý nên nhân viên của công ty đòi nợ cứ thế mà lộng hành.
“Khi nhận đơn thư của doanh nghiệp, cá nhân tố cáo mặc dù lời đe dọa khó xử lý hình sự được nhưng chúng tôi mời đại diện của công ty đòi nợ lên làm việc, nhắc nhở, khuyến cáo và yêu cầu thực hiện đúng pháp luật... Chính vì phức tạp nên theo quan điểm của cơ quan công an bằng mọi giá phải chặn đứng, giám sát theo dõi xử lý kịp thời” - một cán bộ của PC45, Công an TP.HCM kiên quyết.
Theo Thanhnien