Để đảm bảo chất lượng, uy tín cho sản phẩm gà đồi Bắc Giang cung cấp cho Hà Nội, ngày 26/12, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo lồng gà từ Bắc Giang sẽ được kẹp chì niêm phong trước khi đưa về tiêu thụ tại Thủ đô. Đến nay, việc này đã được địa phương triển khai như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Công Vân: - Chúng tôi đang thực hiện các chương trình kiểm dịch. Qua kiểm dịch ta kẹp chì xe, kiểm dịch xe chứ chưa kẹp chì lồng và xu hướng sẽ không kẹp chì lồng. Gà chế biến sẽ gắn thương hiệu vào con gà.
Gà Trung Quốc (bên trái) rất khó phân biệt với gà ta (bên phải). Ảnh: ĐOV |
Có thể chúng tôi sẽ lựa chọn dán tem vào chân gà cho đảm bảo, còn kẹp chì vào lồng gà độ tin cậy không cao. Bởi nếu kẹp chì thì các lực lượng khác cũng kẹp. Chỉ có tem vào chân gà chế biến, ta độc quyền tem rồi nên như thế mới đảm bảo thương hiệu.
Đối với gà sống, cũng sẽ dán tem vào chân. Theo lộ trình, tiến tới sẽ thực hiện. Việc kẹp chì không khó nhưng sợ rằng nó không đảm bảo.
Chúng tôi đang xem xét phương án cho phù hợp đúng tinh thần Phó Thủ tướng giao và đảm bảo giữ vững được thương hiệu.
Báo chí phản ánh hiện tại một số vùng nuôi gà thuộc Bắc Giang như Yên Thế, Lạng Giang, Tân Yên vẫn còn “loạn” giống gà Trung Quốc. Đây là giống gà “bóc vỏ” từ Trung Quốc rồi nhập lậu về Việt Nam. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
- Tôi khẳng định là không có gà Trung Quốc loại thải được nuôi ở địa phương. Vì muốn hay không muốn, người ta đã nhận biết được đàn gà kia bằng mắt thường rồi. Dại gì gà người ta đang nuôi lại đưa gà Trung Quốc vào. Đấy là đứng ở góc độ người dân.
Còn ở góc độ các cơ quan quản lý, đàn gà muốn xuất họ phải đăng ký kiểm dịch từ trước, cán bộ kiểm dịch xuống tận nhà, dõi theo và bắt gà vào lồng. Sau đó làm thủ tục kiểm dịch, kẹp chì rồi mới về Hà Nội được và hoàn toàn yên tâm. Chặt chẽ đến mức như thế.
Đứng ở góc độ giống, gà ri giống của địa phương mà cha ông ta đã thuần hóa hàng trăm năm rồi. Còn gà trong quãng thời gian gần đây mình cũng nhập chính ngạch nhiều loại của Trung Quốc như gà Tam Hoàng, gà Lương Phượng nó lai tạp nên giống gà ri của ta có dòng máu nhất định đối với các loại gà này. Còn đối với gà Yên Thế ri lai một là được lai với gà Lương Phượng, hai là lai với gà mía của Hà Tây.
Liệu giống gà con của Trung Quốc được nuôi ở các hộ gia đình có cho chất lượng tốt hay không và có trà trộn được với gà đồi Bắc Giang hay không?
- Về tỉnh Bắc Giang và một số địa phương chắc chắn là có vì nó giao lưu giống của mình ở các khâu kiểm soát, kiểm tra chưa triệt để nên lọt vào. Điều đó chắc chắn là sẽ có.
Huyện Yên Thế kiểm soát tình trạng này như thế nào để Hà Nội cũng như các tỉnh khác được cung ứng gà đồi chính chủ Bắc Giang như đã cam kết?
- Hiện nay, đứng về gà thịt của ta được kiểm soát chặt chẽ như tôi đã nói. Còn giống, chúng tôi đang lo đàn gà bố mẹ được lựa chọn một cách nghiêm ngặt để bà con nuôi, cung cấp giống cho địa phương làm sao đúng với giống đã đăng ký thương hiệu.
Nội dung này chúng tôi làm quyết liệt, đấy là cái gốc đầu tiên của chăn nuôi.
Ở tại địa phương đang nuôi đàn gà bố mẹ, các cơ sở ấp giống cũng được thông tin và vận động, tuyên truyền cho họ thực hiệntốt nội dung này. Các cơ quan chức năng như công an, tổ kiểm tra liên ngành cũng kiểm tra sát sao gà nhập lậu thịt, gà giống.
Nhìn bằng mắt thường, gà đồi Yên Thế khác với gà Trung Quốc như thế nào?
- Việc quảng bá tuyên truyền ở góc độ cơ quan thông tin tuyên truyền chuyển tải hình ảnh đến cho họ.
Giống gà hai loại khác hẳn, gà ri lai mía nó là con gà của Việt Nam mình, đẹp lắm. Còn gà ri lai Lương Phượng nó cũng đẹp, nó không bạc như gà Trung Quốc đâu.
Cụ thể khác như thế nào thưa ông? Màu sắc, cân nặng, thịt gà?
- Cái này nói miệng thì khó, phải bằng hình ảnh. PV lên trên này xem người ta xử lý một xe gà Trung Quốc và thăm các đàn, đi qua các khu vực xe là biết ngay. Nhìn bằng mắt thường đã biết rồi.
Xin cảm ơn ông!
Theo Phunutoday