"Thần đồng" thứ thiệt không thích làm thần đồng

Thứ sáu, 18/01/2013, 10:58
Kiavash Garakani, cậu sinh viên 12 tuổi của Ðại Học Berkeley, hiện làm mọi người ngạc nhiên với thành tích học tập đáng nể. Ngoài Garakani, nhiều “thần đồng” cũng từng theo học tại các trường đại học California khi bạn bè đồng lứa chỉ mới chuẩn bị vào trung học. Ðằng sau sự ngưỡng mộ của bạn bè, các em đối mặt với nhiều vấn đề do hai chữ “thần đồng” mang lại.

Hình minh họa

“Em muốn tìm cách trị bệnh ung thư, chế thuốc ngừa AIDS, và chữa bệnh cho trẻ em nghèo tại Việt Nam.” Nicole Tan từng nói vào năm 2000 lúc chuyển đến Ðại học Davis, miền Bắc California (Mỹ), khi vừa được 12 tuổi. Nicole phá kỷ lục của người anh mình tại trường Davis, Andrew Tan, 14 tuổi, là sinh viên nhỏ tuổi nhất trường trước khi Nicole được nhận vào học.

Nicole hoàn tất chương trình trung học lúc lên 9, lấy lớp tại trường cao đẳng cộng đồng gần nhà để đủ tiêu chuẩn vào học đại học. Thành tích học tập của Nicole làm tất cả anh chị cùng khóa cảm phục dù cô bé còn chưa ngồi vừa ghế của giảng đường đại học. Ngược lại, Nicole cho biết khó hòa nhập với môi trường mới vì đã quen học một mình tại nhà (home - schooling).

Năm 2012, Ðại học Berkeley, một trong các trường thuộc hệ thống đại học California, lại chào đón một “thần đồng” khác. Thành tích học tập của Kiavash Garakani, 12 tuổi, vượt qua hơn 60.000 đơn xin nhập học, của các học sinh 18 tuổi trở lên, để có được một tấm vé vào trường Berkeley.

“Kiavash không chỉ là học sinh nhỏ nhất của trường năm nay, mà là của mười bảy năm trở lại đây” - một thành viên trong ban tuyển lựa sinh viên cho biết.

Kiavash hoàn tất chương trình tiểu học với các bài thi dành cho trung học. Sau lớp năm, em bỏ qua các năm đầu trung học mà học thẳng cuối cấp trong khi lấy thêm lớp tại cao đẳng. Ðại học Berkeley nhận Kiavash dựa trên thành tích của em ở các lớp cao đẳng. Nhỏ hơn sáu tuổi, điểm số của Kiavash từ khi bắt đầu niên học tại đại học vào tháng 9/2012 luôn vượt xa điểm của các bạn bè cùng khóa.

Với mười tám tiếng mỗi ngày dành cho việc học, Kiavash cho biết “Em tính tốt nghiệp hai năm tới với bằng cấp về Tế bào học và kỹ sư Sinh học.”

Với những người từng học tại Berkeley, một ngôi trường nổi tiếng với sự cạnh tranh quyết liệt giữa các sinh viên California, việc hoàn thành chương trình đại học phải mất ít nhiều là bốn năm. Trên trang mạng của trường, một cựu sinh viên tên Alex, nói “Hai năm? Thiệt buồn cười. Một là cậu nhóc này mơ mộng hơi quá, một là cậu ta bị gia đình thúc ép.”

Cha mẹ em cho biết “Chị gái của Kiavash từng tốt nghiệp đại học trong hai năm để vào trường nhãn khoa Southern California College of Optometry lúc 14 tuổi. Cả hai chị em đều bắt đầu vào học cao đẳng lúc 7, 8 tuổi. Em gái của Kiavash hiện bảy tuổi nhưng chúng tôi không có kế hoạch cho cháu vào cao đẳng vì cháu không đủ trưởng thành. Chúng tôi không ép con học, chỉ là chúng nó có khả năng và thích đi học.”

Mehryar Garakani, mẹ của Kiavash nói thêm: “Phải đi học mẫu giáo khiến Kiavash khóc mỗi ngày. Giờ học tiếng Hoa không đủ cho khả năng ngoại ngữ của cháu. Tôi phải đưa cháu đến trường cao đẳng cộng đồng gần nhà để lấy lớp tiếng Hoa. Sau đó, em lấy thêm các lớp toán và văn tại đó và tại hai trường cao đẳng khác.”

Sự hiếu học “thần đồng” Kiavash đáng để cảm phục, thế nhưng việc một sinh viên không có thời gian cho các sinh hoạt xã hội là rất đáng tiếc, nhất là khi Kiavash còn trong độ tuổi của một đứa trẻ. Cô Mehryar cho biết “Kiavash vẫn chơi với các bạn thời tiểu học, sinh viên cao đẳng và đại học ít khi làm quen với cháu.” Kiavash tâm sự “Em chơi với bạn quen từ hồi nhỏ. Nhưng cũng không sao vì cuộc sống đại học cũng không khác gì tại cao đẳng. Khi học xong, em chơi game trên máy tính hoặc coi tivi.”

Không phải “thần đồng” nào cũng muốn làm “thần đồng”.

Adradon De Mello, người tốt nghiệp đại học nhỏ tuổi nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, quay lại trường trung học để có được tuổi thơ bình thường như bạn bè đồng lứa.

Vì sự ép buộc của người cha, Adragon vào học tại Ðại học Santa Cruz, California, và tốt nghiệp ngành Toán Tin khi chỉ mới 11 tuổi. Cha của Adragon kèm cặp em với kế hoạch cho Adragon đoạt giải Nobel lúc 16 tuổi. Sau khi cha mẹ ly dị, Adragon về sống với mẹ và xin được học với bạn bè cùng tuổi tại trường trung học. “Giấc mơ Nobel là của cha mình, không phải của bản thân mình” - Adragon tâm sự.

Alex, cựu sinh viên Berkeley, nói: “Khi 30 hay 40 tuổi, việc lấy bằng tiến sĩ lúc 20 hay 25 tuổi chẳng còn quan trọng nữa. Làm ‘thần đồng’ thì tốt thôi, nhưng đừng quên bỏ thời gian ra để thư giãn, kiếm bạn, và cảm nhận cuộc sống. Tuổi thơ đi rồi sẽ không quay trở lại.”

Theo baomoi

Các tin cũ hơn