5 lý do mới đẩy Trung-Nhật gần miệng hố chiến tranh

Thứ hai, 21/01/2013, 10:18
Lời qua tiếng lại giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ về quần đảo tranh chấp ở Hoa Đông tiếp tục được đẩy lên cao, và thể hiện rằng, các chính sách hiện tại có thể ngăn chặn bất kỳ một giải pháp ngoại giao nào.

Bản đồ của Trung Quốc

Chưa đầy một tuần sau lễ Tạ ơn tại Mỹ cuối năm trước, Trung Quốc đưa ra tấm hộ chiếu mới có in hình “bản đồ 9 đoạn” thể hiện rõ tham vọng ở Biển Đông cũng như Hoa Đông. Vào thời điểm đó, Trung Quốc khiến rất nhiều quốc gia láng giềng bất bình và lo ngại. Việt Nam và Philippines đã từ chối đóng dấu lên hộ chiếu mới mà sử dụng hình thức khác thay thế.

Gần đây, cơ quan Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa chất quốc gia Trung Quốc (NASMG) lại công bố bản đồ 130 đảo ở Biển Đông và cả các đảo tranh chấp với Nhật ở Hoa Đông. Mặc dù chưa được phát hành chính thức, nhưng bản đồ mới được cho là nhằm “nâng cao nhận thức của người Trung Quốc về chủ quyền quốc gia” (theo người phụ trách nhà xuất bản Sinomaps - nơi đưa ra bản đồ mới).

 Trung-Nhat
 Tàu Nhật đối đầu tàu hải giám Trung Quốc

Chuẩn bị chiến tranh

Các quan chức quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) tuyên bố quân đội nước này đã chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh trong bối cảnh căng thẳng với Nhật Bản do tranh chấp lãnh hải ở biển Hoa Đông leo thang.

Phương hướng huấn luyện thường niên mới nhất của PLA là tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu và chuẩn bị cho các tình huống chiến tranh thực tế của binh sỹ.

Phương hướng này còn nhấn mạnh sự cấp thiết của khả năng chiến đấu thực tế bằng cách nhắc lại khoảng 10 lần cụm từ “chiến đấu trong các cuộc chiến tranh” trong toàn bộ nội dung không quá 1.000 từ của phương hướng huấn luyện. Cụm từ này hoàn toàn không có trong nội dung của phương hướng huấn luyện năm ngoái.

Nhật báo Quân giải phóng của PLA ngày 14/1 dẫn kế hoạch huấn luyện của Bộ tổng tham mưu PLA đối với toàn lực lượng, nêu rõ: “Trong năm 2013, mục tiêu đặt ra cho toàn thể quân đội và lực lượng cảnh sát vũ trang nhân dân là tăng cường khả năng chiến đấu và giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh bằng cách tiến hành các cuộc huấn luyện nghiêm ngặt và khắc nghiệt dựa trên cơ sở chiến đấu thực tế”.

Lựa chọn của Mỹ

Chỉ một ngày sau khi Mỹ và Nhật Bản bàn thảo việc sửa đổi các chỉ dẫn hợp tác quốc phòng lần đầu tiên trong 15 năm, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã ra lời cảnh báo gián tiếp đối với Trung Quốc.

Trong cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản, bà Clinton thẳng thừng tuyên bố, Mỹ tin là quần đảo tranh chấp ở Hoa Đông thuộc về Nhật Bản, nằm dưới sự kiểm soát của Nhật Bản và vì thế thuộc phạm vi hiệp ước an ninh mà Mỹ ký kết với Tokyo.

Báo chí Trung Quốc tuyên bố những lời cảnh báo ngầm của Mỹ rằng Bắc Kinh không được thách thức quyền kiểm soát của Nhật Bản đối với quần đảo tranh chấp đã khuyến khích chính phủ "thiên hữu nguy hiểm" ở Tokyo và "phản bội" lại cam kết giữ lập trường trung lập của Washington về vấn đề này.

Thể hiện của Trung Quốc

Vài giờ sau tuyên bố của bà Clinton, các tàu Trung Quốc đã tiến vào lãnh hải xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Ba tàu Hải giám Trung Quốc đã ở vùng biển này khoảng 5 giờ đồng hồ.

Đáp lời Ngoại trưởng Mỹ, Ngoại trưởng Nhật Kishida khẳng định: “Nhật sẽ không thừa nhận, và duy trì lập trường căn bản rằng, quần đảo Senkaku là lãnh thổ vốn có của Nhật”. 

Tờ Economist bình luận: “Cả Trung Quốc và Nhật Bản đang trượt vào con đường chiến tranh”. 

Thiết lập căn cứ quân sự nước ngoài

Báo chí Trung Quốc đã lên tiếng khuyến khích quân đội nước này nên xây dựng căn cứ ở nước ngoài để hình thành và duy trì sức mạnh. Tờ International Herald Leader, một ấn phẩm của Tân Hoa xã đã đăng bài bình luận, tư vấn cho hải quân Trung Quốc về việc xây dựng căn cứ ở nước ngoài để bảo vệ dòng năng lượng từ Ấn Độ Dương. 

Tờ này dự báo, trong vòng 10 năm tới Trung Quốc sẽ tập trung phát triển 3 tuyến đường biển chiến lược ở Ấn Độ Dương để khẳng định vị thế của mình và trong tương lai, hải quân Trung Quốc sẽ hình thành khoảng 18 căn cứ tập trung chủ yếu ở châu Á và châu Phi.

Chủ nghĩa dân tộc ngày một dâng cao ở cả Trung Quốc và Nhật Bản khiến giới lãnh đạo của cả hai bên “không có chỗ” cho chọn lựa nhượng bộ hay đàm phán về tranh chấp lãnh thổ. Xung đột trở thành khả năng lớn hơn so với thương thảo tìm ra giải pháp.

Theo Vietnamnet

Các tin cũ hơn