Làn sóng người Rohingya ra đi bắt đầu từ khi xung đột bùng nổ giữa các cộng đồng Phật giáo và Hồi giáo ở bang Rakhine của Myanmar vào tháng 6/2012.
Myanmar xem khoảng 800.000 người Hồi giáo Rohingya là những người Bangladesh nhập cư bất hợp pháp và từ chối quyền công dân của họ. Bangladesh cũng không thừa nhận người Rohingya là công dân nước mình.
Đa số người Rohingya đã tìm đường đến Malaysia qua ngả Thái Lan. Sau bao nhiêu nguy hiểm đến tính mạng, đến được Thái Lan những người Rohingya này lại rơi vào tay những kẻ buôn người. Chúng đòi họ trả một số tiền lớn để đưa họ sang Malaysia.
Địa ngục trần gian
Tháng 11 năm ngoái, Ahmed từ biệt vợ và tám đứa con của mình ở phía tây Myanmar để lên đường tìm về miền đất hứa kiếm sống.
Thuyền đánh cá của anh đã bị phá hủy trong các cuộc xung đột giữa người Hồi giáo Rohingya và người theo đạo Phật ở bang Rakhine.
Sau 13 ngày lênh đênh trên biển Andaman, anh cùng 60 người khác cập vào bờ biển Thái Lan. Tại đây, họ đã bị hải quân và cảnh sát Thái bắt giữ.
Ahmed, cũng như những người Rohingya khác, bị bán với giá 40.000 baht (khoảng 1.300 USD)/người.
Vợ anh ở nhà bán một con bò nhưng không thể nào đủ tiền để chuộc anh ra. Ismail cũng không thể cầu cứu ai, liều chạy trốn vào rừng sâu.
Thân thể Ismail đầy sẹo sau các đòn đánh đập dã man của những kẻ buôn người |
Không may, những tên lính gác có vũ trang bắt được anh. Chúng lột truồng, còng tay anh lại và đánh đập dã man.
Những người Rohingya nói họ cũng bị những kẻ buôn người đánh đập và hành hạ dã man bằng gậy sắt và dây xích.
Những người Rohingya được đưa tới thị trấn Ranong gần biên giới với Myanmar trong một xe tải của cảnh sát.
Sau hai giờ, họ tiếp tục được chuyển sang sáu xe nhỏ khác, bị bắt nằm xếp lớp, nhồi nhét như cá hộp dưới một tấm lưới phủ.
Ahmed cùng 60 người đồng hương được chở xuống phía nam và bị giam giữ trong một khu trại của bọn buôn người ở thị trấn Su Ngai Kolok, tỉnh Narathiwat, giáp biên giới Malaysia.
Điều kiện ăn ở vô cùng kinh khủng. “Họ đào một cái hố để chúng tôi đi vệ sinh. Chúng tôi ăn, ngủ hay đi vệ sinh đều cùng một chỗ. Mùi hôi thối bốc lên thật tởm lợm” - Ahmed kể. Một người Rohingya khác là Ismail cho biết họ chỉ được ăn hai muỗng cơm đầy mỗi ngày.
Những kẻ buôn người đã trả tiền để có được những người Rohingya này và giờ chúng muốn lấy lại tiền.
Chúng đưa điện thoại cho Ahmed và những người đồng hương của anh để gọi về gia đình cầu cứu. “Những kẻ buôn người nói họ mua chúng tôi. Nếu chúng tôi không đưa tiền chuộc, họ sẽ không thả chúng tôi. Nếu chúng tôi chết họ cũng chẳng quan tâm” - Ahmed kể.
Sau một tháng bị giam cầm, Ahmed cầu cứu được một người Rohingya khác ở Thái Lan và đã được thả với số tiền 40.000 baht.
Những kẻ buôn người mặc áo lính
Báo Phuketwan mô tả đường dây buôn người hoạt động như sau: tàu của lực lượng tuần tra bờ biển sẽ cặp sát thuyền chở người Rohingya khi họ đến gần bờ biển Thái Lan. Các sĩ quan quân đội trên tàu tuần tra này đã móc nối với bọn buôn người Myanmar.
Chúng chuyên tổ chức các chuyến nhập cư lậu và có mặt trên thuyền cùng với người Rohingya. Khi bị bắt, người Rohingya bị chuyển đến các trại bí mật, thường là các đồn điền, thuộc các tỉnh miền nam Thái Lan.
Họ chỉ được thả tự do nếu như trả đủ tiền thế chân, nhiều khi lên đến hàng ngàn USD. Nếu không, họ sẽ bị đánh đập và bán lại cho các ngư dân hoặc các công ty xây dựng địa phương mà không được chi trả một đồng lương.
Tổng tư lệnh lục quân Thái Lan Prayuth Chan-ocha, như báo Bangkok Post ngày 19/1 cho biết, đã thừa nhận những cáo buộc liên quan đến sự dính líu của một số sĩ quan quân đội trong đường dây buôn người Rohingya ở phía nam Thái Lan là có cơ sở.
“Chúng tôi đang điều tra. Đó là những sĩ quan biến chất và họ sẽ bị xử lý” - tướng Prayuth tuyên bố. Các nguồn tin của cảnh sát cho biết các sĩ quan này thuộc Bộ Chỉ huy chiến dịch an ninh nội địa, một lực lượng an ninh quyền lực nhất ở Thái Lan, mà từ nhiều năm qua đã kiểm soát đường dây buôn người giữa phía tây Myanmar và Malaysia. Có lẽ do bất đồng trong việc ăn chia, một số sĩ quan trong số này đã đứng ra tố cáo vụ việc với cảnh sát.
Tư lệnh lục quân vùng 4 của Thái Lan là trung tướng Udomchai Thammasarorach cũng cho biết một ủy ban được lập ra để điều tra và đã bắt giữ ít nhất ba sĩ quan.
Vụ việc bị phanh phui sau khi cảnh sát phát hiện hàng trăm người Rohingya trong một đồn điền cao su ở vùng cực nam Thái Lan hồi đầu tháng này.
Đồn điền cao su này thuộc về một chính trị gia địa phương là ông Prasit Lemlae. Một cuộc điều tra đang được mở ra để xem liệu chính trị gia này có dính líu vào đường dây buôn người hay không.
Theo Tuoitre