Theo ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT, Công ty TNHH Xây dựng Tokyu (Nhật Bản) đã đề nghị bồi thường một khoản tiền khoảng 200 tỉ đồng do chậm tiến độ bàn giao mặt bằng thi công gói thầu số 3 thuộc dự án cầu Nhật Tân - Hà Nội.
Ông Trường cho biết đã trao đổi với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam về tiền lệ chưa từng có này và số tiền cuối cùng phải bồi thường sẽ được tính toán kỹ lưỡng, dựa trên trao đổi, thống nhất với các cơ quan liên quan.
Mới thi công 60% khối lượng công trình
Gói thầu số 3 là đường dẫn phía Bắc cầu Nhật Tân do Tokyu làm nhà thầu chính, khởi công tháng 3-2009 và dự kiến hoàn thành vào tháng 2-2012. Tuy nhiên, đến giữa năm 2011, Tokyu mới nhận đủ mặt bằng nên hiện chỉ thi công được khoảng 60% khối lượng. Việc chậm có mặt bằng là do chậm lên phương án đền bù, thiếu nhà tái định cư, người dân không chấp nhận phương án bồi thường và liên tục gửi đơn khiếu kiện…
Ngoài ra, tại khu vực đầu cầu phía nội thành Hà Nội, việc giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn do cả trăm hộ dân cho rằng chủ đầu tư thay đổi thiết kế, nắn đường đâm vào khu nhà của họ thay vì một khu biệt thự gần đó.
Dự án cầu Nhật Tân. |
Trao đổi với phóng viên Báo NLĐ ngày 24/1, một lãnh đạo Ban Điều hành dự án cho biết đến thời điểm này, cầu Nhật Tân đã thi công được 60% khối lượng và Tokyu không phạt hay yêu cầu đền bù mà thực chất là đề nghị bổ sung nguồn kinh phí hợp lý do kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng để bảo đảm thực hiện dự án.
“Nhà thầu mới chỉ đề nghị như thế. Việc này phù hợp với quy định trong hợp đồng ký kết giữa hai bên cũng như các quy định của pháp luật Việt Nam” - ông này nói. Theo ông, số tiền cụ thể chưa “chốt” chính thức nên chưa thể bình luận gì về con số 200 tỉ đồng.
Chi phí đổ lên phương tiện giao thông
PGS-TS Nguyễn Quang Toản, nguyên chủ nhiệm Bộ môn Đường bộ Trường ĐH GTVT Hà Nội, cho rằng nhà thầu chắc chắn đã huy động đầy đủ nhân lực, máy móc thiết bị để hoàn thành đúng tiến độ như cam kết. Vì vậy, chủ đầu tư không chuẩn bị tốt, không giải phóng được mặt bằng đúng hạn khiến những tính toán của nhà thầu bị thay đổi thì phải bồi thường là đúng.
Theo quy định về phân cấp quản lý do Chính phủ ban hành thì TP Hà Nội phải chịu trách nhiệm về việc chậm giải phóng mặt bằng chứ không phải Bộ GTVT.
Nếu Bộ GTVT bồi thường khoản tiền lên tới 200 tỉ đồng thì đây sẽ là tiền lệ chưa từng có ở Việt Nam và thực sự đã đến lúc phải nhìn nhận việc chậm trễ giải phóng mặt bằng là một vấn đề nhức nhối.
“Phải làm minh bạch như thế thì chất lượng công trình mới tốt, nhanh và giá rẻ được. Không thể từ chối thanh toán bởi nhà thầu lỗ thì người ta lấy gì để thanh toán các khoản liên quan và làm công trình tốt được?” - ông Toản nhận định.
Theo một chuyên gia kinh tế, những dự án giao thông phải dựng trạm thu phí hoàn vốn hoặc bán quyền thu phí… thì chắc chắn những khoản tiền bồi thường hoặc chi phí liên quan làm tăng suất đầu tư sẽ được tính cả vào chi phí “đổ” lên phương tiện lưu thông.
Nhiều hạng mục thi công cầm chừng Dự án cầu Nhật Tân bắt đầu từ nút giao Phú Thượng (quận Tây Hồ) bắc qua sông Hồng tới huyện Đông Anh (Hà Nội) và đi lên sân bay quốc tế Nội Bài, có tổng mức đầu tư 13.600 tỉ đồng (gồm vốn vay từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam cho phần xây dựng cầu và đường; vốn cho công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng nhà tái định cư lấy từ ngân sách của TP Hà Nội và do Hà Nội làm chủ đầu tư). Chủ đầu tư của dự án là Bộ GTVT và PMU 85 làm đại diện. Đây được coi là cầu dây văng dài nhất nước (8,9 km) với mặt cắt ngang 33m. Để có mặt bằng thi công, Hà Nội đã phải thu hồi, giải phóng 116 ha đất của 800 hộ dân. Sau 3 năm thực hiện, đến nay, nhiều hạng mục vẫn phải thi công cầm chừng do vướng mặt bằng. Theo chỉ đạo mới đây của Chính phủ, thời hạn cuối cùng để hoàn thành dự án là cuối năm 2014. |
Theo NLĐ