Chồng mất sớm, để lại cho bà Đặng Thị Liên ba đứa con cùng gánh nặng mưu sinh của gia đình. Giờ đây, mỗi khi nhìn lên di ảnh của chồng bà và những đứa con chỉ biết khóc trong câm lặng. Bà chỉ mong bệnh viện Bình Dân có những trả lời thỏa đáng trong cách chữa trị cho chồng mình để người ra đi được thanh thản hơn.
Người đi nỗi đau ở lại
Lòng vòng qua những con hẻm dưới sự chỉ dẫn của nhiều người, cuối cùng chúng tôi đã đến nhà bà Đặng Thị Liên (51 tuổi, ngụ tại phường 8, quận 4, TP.HCM), người phụ nữ này đã làm náo loạn ở trước cổng Sở Y Tế TP.HCM gây sự chú ý của dư luận vào ngày 25/1.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ chưa đầy 10m2, bà Liên kể về gia đình và người chồng vừa mất cách đây chưa lâu. Mỗi khi nhắc đến chồng, ông Đinh Văn Thường (ở nhà tên Dũng), nước mắt bà lại trào ra, giọng nói lạc hẳn đi trong tiếng nấc. Có lẽ vì quá đau xót trước sự ra đi đau đớn của chồng nên dẫu cố kìm nén nhưng những giọt nước mắt vẫn thi nhau tuôn ra trên đôi gò má khắc khổ của người phụ nữ này.
Ông Đinh Văn Thường đã xa bà hơn 3 tháng nhưng lúc nào bà cũng nhớ đến người đàn ông đã cùng mình đi đến nửa chặng đường của cuộc đời.
Lôi trong túi hồ sơ ra tất cả tài liệu về bệnh án, đơn thuốc của chồng, bà Liên kể: "Vào tháng 6/2012, mỗi khi đi làm về chồng lại kêu đau lưng, ông nhờ tôi đi mua thuốc về uống, ông tự dùng Salonpas về dán vào chỗ đau. Vì đơn giản cả hai vợ chồng nghĩ ngày đi làm đứng nhiều nên chỉ mỏi lưng thôi. Nhưng càng ngày chồng càng kêu đau nhiều hơn, nên tôi khuyên ông nên đi khám ở bệnh viện.
Ông Đinh Văn Thường (người đầu tiên từ phải sang) lúc chưa bị bệnh |
Bệnh viện Đa Khoa quận 4 là nơi hai vợ chồng tôi đến đầu tiên. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán chồng tôi bị trĩ nhẹ. Các bác sĩ khuyên chồng tôi nên mổ bằng phương pháp longgo sẽ rất nhanh khỏi.
Do sợ trì trệ công việc, mong muốn nhanh khỏi bệnh, chúng tôi đồng ý chữa trị bằng phương pháp này. Sau khi mổ, chồng tôi không thấy đau nữa. Nhưng khi đi làm lại chưa được một tuần lưng chồng tôi lại đau như cũ. Vợ chồng quyết định đi bệnh viện tuyến trên".
Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình là nơi thứ 2 vợ chồng bà Đặng Thị Liên đến. Tại đây ông Đinh Văn Thường được chẩn đoán bị đau cột sống, được kê đơn thuốc về uống nhưng cơn đau lưng vẫn không thuyên giảm. Tiếp tục lần thứ 3 hai vợ chồng lại khăn gói lên Bệnh viện Y học cổ truyền chữa trị.
Tại đây, ông Thường cũng được chẩn đoán bị đau cột sống, lại tiếp tục uống thuốc, nhưng căn bệnh vẫn không hết. Lần thứ 4 hai vợ chồng bà Liên lại đến bệnh viện Nhiệt Đới. Nhưng tại đây, các bác sĩ chẩn đoán lại là vẹo nhẹ cột sống. Hai vợ chồng bà Liên lại được cấp thuốc mang về uống. Nhưng ngày qua ngày bệnh của ông Thường càng nặng thêm.
Thấy tình trạng ông Thường tiều tụy, đi đứng khó khăn, nên chị Trần Thị Viễn ở gần nhà đã sang hỏi thăm. Bà Liên kể hết cho chị Viễn nghe. Nghe xong chuyện, chị Viễn nói rằng bệnh của ông Thường giống bệnh của cha chị Viễn ngày trước, bệnh sỏi thận, hay đi tiểu đêm nhiều, đi tiểu khó.
Tối đến bà Liên đã tâm sự với chồng, và ông Thường đồng ý cho vợ theo dõi lúc tiểu tiện. "Đúng như lời cô Viễn nói, ông thường đi tiểu rất khó và đi nhiều lần trong ngày. Ông đái rắt, mỗi lần đi tiểu phải mất cả chục phút liền", bà Liên cho biết.
Ngày hôm sau, bà Liên sang nói chuyện với chị Viễn. Thấy dấu hiệu bệnh giống cha mình, chị Viễn chỉ cho bà Liên biết ở bệnh viện Bình Dân có khoa chuyên về tiết niệu và khuyên bà đưa chồng đến đó để điều trị. Tối đến đợi chồng đi làm về, bà Liên thủ thỉ với chồng.
Ông Thường nghe vợ nói cũng có lý, lại đang bị cơn đau hành hạ, ông đòi đi luôn trong đêm hôm đó, dù rằng bà Liên đã ngăn lại để hôm sau. Sau một hồi đôi co bà Liên cũng chiều theo ý chồng và đưa ông đến bệnh viện Bình Dân để khám. Nhưng thật đau lòng cho hai vợ chồng bà Liên, từ ngày đi chữa trị tại bệnh viện Bình Dân về, ông Thường liên tục vật vã với những cơn đau của bệnh tật cho đến khi trút hơi thở cuối cùng.
Những dự định dang dở
Vợ chồng bà Đặng Thị Liên vào TP.HCM lập nghiệp từ năm 1984 với hai bàn tay trắng. Sau nhiều năm vất vả miệt mài lao động hai vợ chồng đã dành dụm được ít tiền và mua được mảnh đất khoảng 10m2 ở quận 4. Trước đây, ông Đinh Văn Thường là công nhân của công ty đóng tàu An Phú.
Vài năm trở lại đây, ông Thường chuyển sang làm bảo vệ ở khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (quận 7). Sau nhiều năm tiết kiệm, và nhận được số tiền bảo hiểm lao động của ông Thường ở công ty An Phú hai vợ chồng dành dụm được hơn 100 triệu đồng, dự định sang năm 2013 sẽ sửa lại căn nhà đã xuống cấp.
Nhưng trớ trêu thay, ông Thường một người đàn ông hiền lành, chịu thương, chịu khó lại vướng vào bệnh tật kéo dài liên miên, nên hai vợ chồng chạy vạy thuốc thang, đi khắp các bệnh viện cuối cùng số tiền dành dụm bao năm cũng ra đi theo người.
Giờ đây, căn nhà 10m2 ấy mùa khô bốn mẹ con bà Liên vẫn có thể sống yên ổn. Nhưng mùa mưa đến cả nhà phải thức đêm để giơ thau hứng từng giọt nước. Trong khi đó, người trụ cột chính của gia đình là ông Thường đã không còn. Tất cả mọi việc nặng nhẹ trong nhà đều đổ lên vai bà Liên.
Bà Đặng Thị Liên kể lại cảm giác khi nghe tin chồng bị ung thư: "Ngày có mặt tại bệnh viện Bình Dân, nghe các bác sĩ nói rằng ông nhà chỉ còn sống được ba tháng nữa, tôi không nói được lời nào, trước mắt tôi lúc đó chỉ là một màu đen, dường như trời đất đang sụp xuống chân mình.
Các con phải đỡ tôi ra ngoài. Đứng cạnh giường bệnh của chồng, tôi muốn hét lên nhưng nhìn chồng, nhìn những đứa con tôi kìm nén tất cả. Khi về nhà con cái bưng cơm đút từng miếng một nhưng cổ họng tôi đắng ngắt, còn nước mắt cứ thi nhau trào ra. Khoảnh khắc đó tôi mới hiểu được bát cơm chan chứa nước mắt là như thế nào".
Nhìn chồng héo hon, đau đớn do bệnh tật hành hạ mỗi ngày, nhưng bà Liên vẫn không nản lòng. Một lần nữa bà quyết tâm đưa chồng đi chữa bệnh. Trong nhà lúc này đã cạn kiệt tiền bạc, song với hi vọng còn nước còn tát, bà Đặng Thị Liên đã đi vay mượn 5 chỉ vàng của anh em, hàng xóm đưa chồng ra bệnh viện K (Hà Nội) chữa trị.
Tại đây, bà Liên chết đứng khi nghe các bác sĩ thông báo không thể mổ tiếp tục cho bệnh nhân do Bệnh viện Bình Dân vừa thực hiện ca mổ tương tự trước đó. Chuẩn đoán ban đầu của bệnh viện K cho thấy ông Thường tồn tại nhiều dịch trong ổ bụng, lượng đường mật trong gan giãm nhẹ về trọng lượng, giãn dài về kích thước ở thận.
Nhận được kết quả chuẩn đoán của bác sĩ của bệnh viện K và nhận thấy mình không đủ sức để chống chọi với bệnh tật nên ông Thường và vợ xin quay lại TP.HCM tiếp tục chữa trị. Tuy nhiên, đến ngày 26/12/2012 ông Thường ra đi trong sự tiếc nuối của gia đình và người thân.
Theo Nguoiduatin