Tội nghiệp ’cụ’ rùa

Thứ tư, 06/03/2013, 11:46
 Nếu là sinh vật có lý trí như con người, hẳn “cụ” rùa hồ Gươm đã phải tự hỏi: Mình là gì, một linh vật hay một sinh vật? Ai đã biến mình thành “linh vật” hay là “động vật quý hiếm”? Và vì sao mình cứ là tiêu điểm cho những tranh cãi xã hội?

“Linh vật” hay “sinh vật”?

Tranh cãi trong dư luận xã hội về “cụ” rùa lại bùng lên sau đề xuất nghiên cứu công nhận “cụ” thành bảo vật quốc gia của PGS TS Hà Đình Đức. Lập luận của ông là “cụ” rùa không như những sinh vật bình thường mà là một “linh vật sống” liên quan đến huyền thoại lịch sử.

Cứ giả sử như rùa Hồ Gươm là một “linh vật sống” như PGS TS Đức nhận định, thì ta hãy xem xã hội đã đối xử với sinh vật mà họ đã sùng thượng này như thế nào.

Còn nhớ trước năm 2011, trước dịp đại lễ ngàn năm Thăng Long, “cụ” rùa đã phải sống trong môi trường bị ô nhiễm, bị bỏ bê không ai chăm sóc mặc dù mỗi khi “cụ” lên bờ phơi nắng hay ngoi đầu lên mặt nước đều là những sự kiện báo chí. Rùa tai đỏ và những móc câu của các kẻ câu trộm đã tạo nên những vết thương trên mình “cụ”.

Cu Rua

 Người dân "chiêm ngưỡng" cụ rùa nổi lên mặt nước vào tháng 3/2011

Cùng phát hiện tính “bảo vật” đại lễ của “cụ” rùa như TS Đức, cả xã hội xúm vào chữa trị và cải tạo môi trường cho “cụ”. Tham gia công việc chữa trị có cả… đặc công và các bệnh viện như bệnh viện da liễu, bệnh viện bỏng… Thế nhưng sau sự kiện rùm beng đó lại tiếp tục là một sự thờ ơ, không ai ngó ngàng gì đến “linh vật sống” này, như xác nhận của PGS TS Đức.

Có luồng dư luận cho rằng do “cụ” rùa là động vật quý hiếm, là loài mới nhưng có khả năng tuyệt chủng cao vì chẳng còn mấy cá thể, nên việc bảo tồn như quốc bảo cũng xứng đáng.

Thế nhưng “cụ” rùa hoàn toàn có thể đặt ngược chất vấn: Ai đã làm cho cụ trở nên đơn độc đến thế trên trần đời này nếu không phải là con người? Ai đã giết hại giống loài của “cụ”, tàn phá môi trường sống của con cháu “cụ”? Và con người có làm gì để chặn đứng nguy cơ tuyệt chủng đó thay vì đi bàn cãi ầm ĩ về chuyện phong tước hiệu cho “cụ” như thể “cụ” đã gần đất xa trời?

Huyền thoại chồng huyền thoại

Việc đề nghị nghiên cứu phong danh hiệu quốc bảo cho “cụ” rùa thực chất có thể xem như việc chồng thêm huyền thoại lên một huyền thoại. Huyền thoại ban đầu là việc “hoàn kiếm” trên hồ Gươm, và huyền thoại chồng thêm là việc ban phát danh hiệu quốc bảo cho một “con cháu” cuối cùng của dòng tộc rùa hồ Gươm.

Ngay ở huyền thoại ban đầu đã là một sự tranh cãi trong giới nghiên cứu. Có nhà khoa học cho rằng rắn và giải (ba ba) là loài bị người xưa quan niệm là gây ra lũ lụt nên là loài cần phải trừ hại, chứ không phải được tôn vinh như loài rùa hồ Gươm trong huyền thoại kể trên.

Nhưng cứ tạm bỏ qua tranh cãi ấy thì việc tôn vinh “cụ” rùa cũng cho thấy ít nhiều bất công trong quan niệm dân gian. Chắc chắn loài voi và ngựa có công trong việc trực tiếp tham gia những cuộc chiến tranh vệ quốc hơn loài rùa, và những chiến công này được xác thực trong lịch sử hơn là những truyền thuyết mơ hồ. Thậm chí như loài… ong vò vẽ cũng tham gia kháng chiến chống Mỹ như trong các bộ phim hoạt hình.

Có rất nhiều loài đang trong nguy cơ cực cao về tuyệt chủng, nhưng chưa thấy những nỗ lực cực cao tương ứng để bảo vệ. Hổ và cá sấu là loài cũng từng được tôn thờ như rùa, nhưng giờ đang bị săn bắn nấu cao hay bị nuôi nhốt như những loài gia súc. Với loài tê giác thì đã bị tiêu diệt đến con cuối cùng ở rừng Nam Cát Tiên.

Giải thiêng huyền thoại

Nhưng xu thế của nhân loại trong nửa cuối thế kỷ 20 đến nay là xu thế “giải thiêng” các huyền thoại. Như nhà văn Roland Barthes nhận định: “Huyền thoại làm cho con người ta mù quáng không thể nhận rõ điều kiện lịch sử của mình… Nhờ nghiên cứu huyền thoại mà quá trình trong đó văn hoá lăm le tìm cách trở thành cái “tự nhiên”, “bản tính”, nơi cái võ đoán hoành hành vô lối, mới bị vạch mặt chỉ tên và phê phán nghiêm khắc”.

Văn hào F. Kafka cũng đã từng nhắc nhở con người về việc họ cắt rời đời sống tự nhiên của các vật thể, chỉ mặc nhiên nhấn mạnh đời sống xã hội của chúng và ràng buộc cuộc đời mình vào chúng. Ông cảnh báo về việc con người tự trói buộc đời sống của mình vào những định chế do chính mình đặt ra, nhưng cũng đồng thời cáo buộc những định chế đó kềm hãm tự do của chính mình…

Nếu “cụ” rùa thực sự là “linh vật”, hẳn “cụ” đã biết đến những thảm cảnh của mình…

Theo SGTT

Các tin cũ hơn