Anh hùng khai man thành tích?

Thứ tư, 06/03/2013, 09:42
Theo đơn khiếu nại, bản báo cáo thành tích của người được nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang với 17 thành tích lớn diễn ra từ năm 1964-1975 là “khai man”.
Đơn khiếu nại
Lá đơn mang nội dung tố cáo ông Hồ Xuân Mãn đang gây xôn xao dư luận.

Những ngày qua, trên một số báo có đưa tin về việc ngày 5/2/2013, một số cựu chiến binh từng sống và chiến đấu với ông Hồ Xuân Mãn, nguyên bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, đã gửi đơn đến Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế khiếu nại ông Mãn khai man thành tích để được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào tháng 8/2010.

Theo đơn khiếu nại, bản báo cáo thành tích của ông Mãn với 17 thành tích lớn diễn ra từ năm 1964-1975 trong thời chiến tranh khi hoạt động tại địa bàn huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế đều là “khai man”.

Ông Hoàng Phước Sum (nguyên trung tá thanh tra Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, một trong những người ký đơn) cho biết: “Từ năm 1969 đến tháng 3/1970, ông Mãn đi học tại Quảng Bình cùng với tôi; từ tháng 3/1971 đến tháng 11/1971 về lại làm cần vụ cho ông Lê Sáu, bí thư Huyện ủy Phong Điền bấy giờ. Tháng 11/1971, do xích mích, ông Mãn bỏ ông Sáu giữa rừng rồi trở về xã Phong An.

Lúc đó ông Mãn chỉ là du kích xã, có chức vụ gì đâu mà nói là tổ chức gần 100 trận đánh, diệt hơn 150 tên Mỹ ngụy, phá hủy một máy bay và 37 xe quân sự?”.

Những người ký đơn khiếu nại còn nói rằng ông Mãn kê khai thành tích có công “giết chết tên ác ôn Nguyễn Công Đẳng” là khai man thành tích, cướp công đồng đội. Bởi trận đánh ở Bù Mạ, thôn Hiền Sỹ, xã Phong Sơn là do ba du kích xã này đánh mìn, hiện hai người còn sống ở địa phương, một người đã hi sinh.

Chiều 4/3, phóng viên Tuổi Trẻ đã gặp ông Lê Sáu, nguyên bí thư Huyện ủy Phong Điền giai đoạn 1969-1971. Ông Sáu xác nhận không có chuyện ông Mãn bỏ ông giữa rừng mà về Phong An.

Ông Sáu nói rằng cuối năm 1971 ông được rút lên Tỉnh ủy, ông Mãn lúc này còn trẻ, thấy chưa phù hợp để đưa đi theo nên khuyên ông Mãn trở về địa phương tiếp tục chiến đấu.

Về thành tích ông Mãn khai đã “giết ấp trưởng ác ôn” Hoàng Sớm làm quần chúng nức lòng, ông Sáu cho rằng đây không thể nói là thành tích, bởi dù giết chết được Hoàng Sớm nhưng trận đánh này đã làm chín người dân thường chết, trong đó có cả trẻ em.

“Tôi đã phê bình anh em đánh trận đó cần nghiêm khắc rút kinh nghiệm” - ông Sáu nói.

Hồ sơ đề nghị xét thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của ông Hồ Xuân Mãn đã được Bộ chỉ huy quân sự Thừa Thiên - Huế xác nhận, và đó là cơ sở quan trọng để Nhà nước khen thưởng. Chúng tôi liên hệ với đại tá Nguyễn Việt Dũng, chính ủy Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Ông Dũng cho rằng quy trình đều thông qua Hội đồng thi đua - khen thưởng của bộ chỉ huy. Việc xác nhận dựa vào nhiều cơ sở, gồm: hồ sơ cán bộ, hồ sơ Đảng, bản báo cáo quá trình công tác và thành tích của ông Mãn có giấy chứng nhận về các huy chương, huân chương, danh hiệu dũng sĩ...

“Quy trình thực hiện đúng. Còn sự việc đúng hay sai thì bộ chỉ huy chỉ là một trong nhiều khâu, từ cơ sở lên đến Tỉnh ủy. Chúng tôi còn lưu các văn bản đề nghị của Huyện ủy và UBND huyện Phong Điền, Ban chỉ huy quân sự Phong Điền, Ủy ban thi đua khen thưởng tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế” - ông Dũng nói.

Chiều 4/3, phóng viên Tuổi Trẻ đã liên lạc với ông Hồ Xuân Mãn để trao đổi, ông Mãn cho biết ông đang ở Hà Nội và không trả lời về việc này.

Ông Mãn nói: “Vì đơn khiếu nại gửi cho Thường vụ Tỉnh ủy thì thường vụ sẽ trả lời. Không gửi cho tôi nên tôi không trả lời”.

Chúng tôi liền gọi cho ông Nguyễn Ngọc Thiện, bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, song ông Thiện cho hay đang bận họp, không thể trả lời. Đến cuối ngày 4/3, điện thoại đổ chuông nhưng ông Thiện không nghe máy.

Ông Hồ Xuân Mãn bị oan hay “khai man” như tố cáo của một vài người ký đơn? Dư luận đang chờ cơ quan chức năng trả lời.

Theo Tuoitre

Các tin cũ hơn