Sau lồng đèn, sách học... sẽ là gì nữa?

Thứ tư, 06/03/2013, 10:10
Trong khung cảnh một biên giới chung với sáu tỉnh phía Bắc cùng những chính sách thương mại “hữu hảo”, hàng hóa Trung Quốc có tràn ngập đất nước này không có gì khó hiểu, nhất là khi chính sự buôn bán đó đem lại lợi ích cho từng cá nhân, nhóm người, đơn vị, địa phương...!
Sách Trung Quốc
Ảnh nguồn: Tuoitre

Lợi ích riêng tư, cục bộ dễ làm mờ mắt và chôn lấp lợi ích quốc gia. Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa là tẩy chay, bài xích hàng một nước nào. Vấn đề ở chỗ ngay trong khi sôi nổi lao theo kinh doanh, đừng gián tiếp hay trực tiếp biến mình thành những “con ngựa thành Troy” cho thiên hạ.

Không phải để “ném đá”, song rõ ràng là cách ký kết hợp đồng theo kiểu “các điều khoản trong đó rất chặt chẽ, phải giữ nguyên xi như bản gốc, không được phép thay đổi..., không thể thay cờ Trung Quốc thành cờ Việt Nam bởi như thế là vi phạm hợp đồng” buộc phải đặt câu hỏi: liệu tinh thần dân tộc đã đi vắng?

Hơn một thế kỷ trước, mấy thế hệ học trò người Việt đã khổ nhục biết bao khi phải ê a những bài học “sử ký” như “nô-dăng-sết-sông-lê-gô-loa” (tổ tiên chúng ta là người Gô Loa), “Gian-Đác là nữ anh hùng cứu quốc”..., bấm bụng học, song khi thành nhân cũng lần lượt đứng dậy xé toạc những bài học cưỡng bách đó.

Ngay cả thời “Mỹ thuộc”, cả miền Nam có cùng học bộ English For Today, cho dù cuốn 3 mang tiêu đề là “Cách thức chúng tôi sống” trình bày “lối sống Mỹ”, cho dù ở bìa một cuốn sách có in ở góc phải logo Cơ quan Viện trợ Hoa Kỳ (USAID) là “bàn tay (lông lá) nắm lấy bàn tay nhận viện trợ” (theo cách mô tả của báo chí Sài Gòn thời ấy) do kinh phí in được USAID tài trợ, thì cũng đố ai dám in cờ “Mẽo” (Mỹ, cách gọi của dân miền Nam) lên sách và bảo đó là “cờ của nước mình”, rằng tiền của Mẽo, không in không được! Nói xin lỗi, chưa in xong đã bị sở kiểm duyệt hốt rồi!

Có phải do tinh thần dân tộc đã đi vắng nên mới xảy ra những cách kinh doanh xuất nhập khẩu “thả cửa” như thế! “Thả cửa“ đến mức từ năm 2000 tới nay, nhập khẩu từ Trung Quốc cứ liên tục tăng phi mã, còn hàng xuất khẩu cứ nay bị ngưng cho nhập món này, mai bị ngưng cho nhập thức kia, khiến nông dân năm sau cứ thế chặt cây hay nhổ bỏ!

Trước khi “thả cửa” nhập khẩu, theo tạp chí Cộng Sản 25/7/2008, Việt Nam vẫn giữ thế xuất siêu cho đến năm 2000 (ngoại lệ năm 1998 nhập siêu 74,9 triệu USD). Năm 2000, vẫn còn nhập khẩu từ Trung Quốc mới có 1,4 tỉ USD. Vậy mà năm 2012 vừa qua, cũng theo tạp chí Cộng Sản 19/12/2012, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch ước tính đạt 29,2 tỉ USD, tăng 17,3% so với năm 2011, trong khi đó xuất khẩu chỉ đạt 14,2 tỉ USD, tăng 11,1%.

Báo chí, dư luận, thậm chí các cơ quan ban ngành đều kêu rêu rằng giỏ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc kỳ cục quá, toàn những máy móc công nghệ cổ lỗ trang bị cho những nhà máy ximăng, sắt, thép... hoặc hàng hóa tiêu dùng quá đát hay không đạt chuẩn bán tống bán tháo hoặc trợ giá xuất khẩu, thậm chí thực phẩm độc hại, vậy mà vẫn cứ năm sau nhập nhiều hơn năm trước! Đây là nguyên nhân của sự “thả cửa” nhập khẩu đó? Sự “thả cửa” đó có đem lại cơ hội làm giàu cho một số tầng lớp, một số nhóm nào hay không?

Sự giàu có từ sự “thả cửa” đó có lần hồi triệt tiêu tinh thần quốc gia dân tộc hay không để rồi thấy dễ “ăn” thì nhập khẩu mọi thứ trần đời, kể cả những thứ “cõng rắn cắn gà nhà”, hay xuất khẩu cho bằng hết tài nguyên hoặc góp tay hủy hoại tài nguyên?

Lồng đèn đỏ, sách học, còn gì nữa?

Theo Tuoitre

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích