“Khi đó, sẽ không còn khó khăn nào đối với những người có nhu cầu xác định lại giới tính, kể cả những thủ tục về hộ tịch, giấy tờ tùy thân” - ông Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết.
Pháp luật nghiêm cấm can thiệp y học các trường hợp đã hoàn thiện về giới tính, nam đã là nam, nữ là nữ. Nhưng với những người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính, hoặc giới tính chưa được định hình chưa chính xác thì Luật cho phép xác định lại giới tính.
Đó là nhu cầu có thật trong xã hội, bởi theo thống kê, trong 2.000 đứa trẻ sinh ra thì có 1 đứa trẻ có bộ phận sinh dục không phù hợp với bộ nhiễm sắc thể. Và cứ 11.000 người thì có 1 người mắc bệnh về giới tính, nghĩa là có khuyết tật về giới tính hoặc giới tính không rõ ràng. Các khuyết tật này xuất phát từ đột biến hoặc khiếm khuyết gene chứ không phải là yếu tố tâm lý thông thường do xã hội tác động.
Về xã hội, những đứa trẻ như thế khi sinh ra và lớn lên đã chịu nhiều thiệt thòi nên việc can thiệp về y học trả lại giới tính thực là rất cần thiết. Vì thế, xuất phát từ quyền nhân thân quy định trong Bộ Luật Dân sự, Nghị định số 88/2008/NĐ-CP về xác định lại giới tính, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 29/2010/TT-BYT hướng dẫn thực hiện kỹ thuật xác định lại giới tính.
Theo đó, Bộ Y tế chỉ định 3 cơ sở y tế là BV Nhi T.Ư, BV Việt Đức và BV Nhi đồng 2 chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực để đến tháng 5 tới đây sẽ xem xét cho phép được thực hiện kỹ thuật xác định lại giới tính.
Bất cứ ai, ở độ tuổi nào có nhu cầu xác định lại giới tính thì có thể đến 1 trong 3 cơ sở này. Sau khi có giấy chứng nhận y tế đã xác định lại giới tính, họ có thể đến UBND quận/huyện để thay đổi lại tên và giới tính trong hộ khẩu. Từ đó tiếp tục làm các ch
uyển đổi trong giấy tờ tùy thân như chứng minh thư, hộ chiếu và các giấy tờ khác. Sau đó, họ hoàn toàn có thể kết hôn, sinh con và yêu cầu sự trợ giúp về sinh sản nếu có thể. Toàn bộ cơ sở pháp lý như vậy là đã thuận lợi. Trường hợp anh Phạm Văn Hiệp không thuận là do đã không xin giấy chứng nhận ở cơ sở y tế được phép thực hiện kỹ thuật này.
Quỳnh Trâm - cô gái đầu tiên ở VN được công nhận giới tính nữ sau khi đổi giới. |
Vì sao chỉ có 3 nơi được thực hiện kỹ thuật xác định giới tính, lại đặt ở những nơi rất quá tải, trong khi mà nhu cầu trên thực tế lại không ít?
- Các cơ sở này phải có cơ sở vật chất kỹ thuật, con người đảm nhận được những kỹ thuật chuyên sâu, đủ điều kiện theo quy định của Luật thì Bộ Y tế mới cho phép. Hiện nay, khó khăn chủ yếu là hạn chế về nhân lực, không nhiều nơi làm được nênBộ Y tế tạm thời chỉ định 3 cơ sở này.
Tỉ lệ dân số có những khiếm khuyết hoặc không rõ ràng về giới tính không ít. Vậy theo ông, đã đến lúc cần có sàng lọc những bệnh về giới tính này trước sinh và sau sinh như một số dị tật bẩm sinh đang được sàng lọc như hiện nay?
- Theo tôi là cần thiết, và một số quốc gia trên thế giới đã làm thường quy, mục đích là để có những đứa trẻ hoàn thiện về thể chất khi ra đời. Thế nhưng hệ thống sàng lọc trước và sau sinh ở VN còn chưa hoàn thiện và mới làm được ở một số nơi nên vấn đề sàng lọc liên quan đến những bệnh giới tính không rõ ràng chắc phải một thời gian nữa mới có thể thực hiện được.
Hiện nay, Luật Hôn nhân gia đình đang dự thảo sửa đổi, trong đó có bàn đến hôn nhân đồng giới. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao, thưa ông?
- Cá nhân tôi ủng hộ hôn nhân đồng giới, bởi tôi thấy mình may mắn hơn họ là có giới tính rõ ràng. Những người không may, họ cũng có quyền được sống thật với giới tính của mình, được yêu, được hưởng hạnh phúc, cớ sao xã hội lại cấm họ.
Lý do thứ 2 là nếu họ vẫn yêu nhau, ở với nhau và phát sinh tài sản như một gia đình mà pháp luật không thừa nhận thì sẽ để lại hậu quả khó giải quyết. Thứ 3, khi hôn nhân đồng giới không công khai, họ phải giấu giếm thì từ đó sẽ tạo ra thế giới ngầm mà xã hội không được minh tường. Từ đó sẽ có sự kỳ thị và phân biệt đối xử.
Trên thế giới quan điểm về hôn nhân đồng giới cũng khác nhau, xuất phát từ quan điểm tôn giáo, văn hóa, cách nhìn nhận của xã hội. Nhưng nếu nhìn nhận như một xã hội phát triển, thật sự vì quyền con người thì nên tán thành hôn nhân đồng giới.
Theo Laodong