Bộ Y tế sốt sắng "hạ hỏa" bệnh viện

Thứ hai, 25/03/2013, 09:46
Quá tải bệnh viện gây ra nhiều bức xúc trong khám chữa bệnh. Một loạt biện pháp giảm tải đang được Bộ Y tế triển khai đồng bộ để “hạ hỏa” tình trạng này.

Cuối tuần qua, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị triển khai quyết định của Thủ tướng liên quan đến đề án giảm quá tải bệnh viện; chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại các cơ sở khám chữa bệnh và khuyến khích đào tạo một số chuyên ngành.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế đã khái quát những điểm chính trong đề án giảm quá tải đã được Thủ tướng phê duyệt vào ngày 9/1 vừa qua để “hạ hỏa” các bệnh viện đang quá tải trầm trọng.

5 giải pháp, 4 nhiệm vụ

“Mục đích cuối cùng là sự hài lòng của người bệnh. Ngành y tế phải phục vụ người bệnh tốt, trân trọng họ, coi họ là khách hàng”.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.

Giải pháp đầu tiên mà Bộ trưởng đưa ra là tăng số giường bệnh cho các bệnh viện tuyến cuối với 5 chuyên khoa tim mạch, sản, nhi, ung thư, ngoại – chấn thương.

Mục tiêu đến năm 2015 sẽ tăng tối thiểu 7.150 giường bệnh.

Tuy nhiên, bà Tiến cũng cho rằng không thể tăng mãi giường bệnh ở tuyến cuối được, vì đã có tình trạng bệnh viện tuyến cuối mở rộng thêm ra đến đâu là khu vực đó lại quá tải.

Do đó, giải pháp tiếp theo được đưa ra là phải nâng cao năng lực tuyến dưới.

Với giải pháp này, các đề án nhánh như 1816 và bệnh viện vệ tinh sẽ được triển khai.

Theo Bộ trưởng, thay vì chuyển giao kỹ thuật luân phiên cho tuyến dưới từ 3-6 tháng/lần đối với một cán bộ y tế thì nay việc chuyển giao sẽ thực hiện theo gói dịch vụ chứ không chuyển giao chung chung nữa.

Muốn thực hiện đề án 1816 cần có điều kiện về cơ sở vật chất và có người. Bà Tiến cho rằng muốn “ra sản phẩm” từ đề án này thì cần có sự vào cuộc không chỉ của riêng ngành y tế mà còn của cả địa phương nữa.

Quá tải bệnh viện
Bệnh nhân chờ đóng tiền, lấy phiếu khám ở bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: C.Q) 

UBND các tỉnh cần hỗ trợ ngành y tế về mọi mặt (cơ chế chính sách, trang thiết bị…) để tạo điều kiện cho công tác chuyển giao kỹ thuật.

Các giải pháp còn lại được người đứng đầu ngành y tế đưa ra là triển khai đề án “Bác sỹ gia đình”, nâng cao năng lực y tế cơ sở và tập trung phòng bệnh.

Để từng bước thực hiện các giải pháp này, 4 nhiệm vụ được đề ra là đổi mới cơ chế tài chính, cải thiện cơ sở vật chất, xây dựng cơ chế đãi ngộ phù hợp và thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử (sắp tới Bộ Y tế sẽ tổ chức 10 lớp tập huấn về quy tắc ứng xử).

Giảm thời gian chờ đợi của người bệnh

Chờ đợi lâu là tình trạng phổ biến đang diễn ra tại các bệnh viện tuyến cuối trên cả nước.

Theo một nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương năm 2009, tổng thời gian bệnh nhân được tiếp xúc với bác sĩ là 40 phút, tổng thời gian chờ đợi cho 1 lần khám bệnh là 5 tiếng đồng hồ.

Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, sau nhiều nỗ lực, năm 2012, thay vì phải chờ đợi 7-8 tiếng thì bệnh nhân phải chờ đợi 4-6 tiếng là khám xong.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng “sốt ruột” khi chứng kiến cảnh mẹ nhếch nhác bế con ốm, ngồi đợi trên ghế đá mà trên đầu là mái tôn nóng nực.

Người đứng đầu ngành y tế cho rằng chỉ cần nhìn vào khoa khám bệnh của một bệnh viện là biết bệnh viện đó hoạt động thế nào, có nhận được sự hài lòng hay không.

Do đó, tại thời điểm này, dự thảo “Hướng dẫn cải tiến quy trình khám bệnh tại bệnh viện” đang được soạn thảo để thống nhất quy trình khám bệnh của các bệnh viện; hướng dẫn các bệnh viện thực hiện các giải pháp cải tiến quy trình và thủ tục trong khám bệnh, rút ngắn thời gian chờ đợi cho người bệnh, tránh gây phiền hà và tăng sự hài lòng của người bệnh, đặc biệt là người bệnh BHYT.

Quá tải gần 250%, viện đông như chợ

Năm 2011 quá tải bệnh viện xuất hiện ở cả ba tuyến điều trị (bệnh viện T.Ư, tỉnh, huyện), công suất sử dụng giường bệnh chung trên toàn quốc đạt 110%.

Đặc biệt ở nhóm bệnh viện T.Ư, công suất sử dụng giường bệnh tại Bệnh viện K lên đến 172%, Bệnh viện Bạch Mai 168%, Chợ Rẫy 139%, Nhi T.Ư 119%, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới 124%, nếu tính cả số giường kê thêm, Bệnh viện K có công suất giường bệnh lên đến 249%, Chợ Rẫy 154%...

Đáng chú ý, nguyên nhân quá tải hàng đầu do người dân mất niềm tin vào tuyến dưới. Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, 60% bệnh nhân nội trú là sinh thường, u nang buồng trứng, bệnh phụ khoa thông thường, ... đều có thể điều trị được ở tuyến huyện. Hầu hết bệnh nhân đều lên thẳng tuyến trên chứ không qua cơ sở y tế tuyến dưới nào.

Theo VNN

Các tin cũ hơn