30 năm qua, nhiều lần các nhân sĩ, trí thức góp ý về tên nước và bày tỏ mong muốn trở lại với tên do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt năm 1945. Ông nghĩ gì trước đề xuất đổi tên nước thành Việt Nam Dân chủ Cộng hòa?
- Theo tôi, chúng ta nên trở lại với tên đầu tiên đã đặt khi mới giành được độc lập. Tên gọi này thể hiện đúng bản chất của chế độ là Cộng hòa Dân chủ. Thể chế Xã hội chủ nghĩa cũng là một kiểu nhà nước dân chủ, tuy nhiên tên Cộng hòa Dân chủ khái quát và phổ biến hơn.
Lúc khối Xã hội chủ nghĩa phát triển mạnh nhất, trên thế giới cũng chỉ có 5 nước có tên Xã hội chủ nghĩa là Liên Xô, Anbani, Nam Tư, Rumani và Tiệp Khắc; còn các nước Xã hội chủ nghĩa khác lấy tên là Cộng hòa Nhân dân, Cộng hòa Dân chủ hoặc Cộng hòa Dân chủ nhân dân.
Ngoài ra, lúc đó có 2 nước không thuộc khối Xã hội chủ nghĩa cũng có cụm từ Xã hội chủ nghĩa trong tên nước là Myanma (từ năm 1974 đến 1988) và Lybia. Hiện, trên thế giới chỉ còn Việt Nam và Sri Lanka có cụm từ Xã hội chủ nghĩa trong tên nước, nhưng ta biết rằng quan niệm về Xã hội chủ nghĩa của Sri Lanka không giống Việt Nam.
Trở lại với tên gọi đầu tiên, giống như nhiều nền dân chủ khác trên thế giới, Việt Nam sẽ tranh thủ được sự đồng tình, thiện cảm của bạn bè quốc tế hơn. Những ai muốn đến với Việt Nam nhưng cảm thấy xa lạ vì cái tên thì nay sẽ không e dè nữa.
Đối với đông đảo kiều bào nước ngoài, kể cả những người đã ra đi trước năm 1945 thì cái tên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn là một tên gọi quen thuộc, gần gũi. Nó cũng sẽ tạo điều kiện để nhiều kiều bào xích lại gần hơn với đất nước.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Song, có ý kiến cho rằng nếu lấy tên đó thì có nghĩa Việt Nam đang xa rời mục tiêu lên chủ nghĩa xã hội và việc thay đổi cũng sẽ gây phức tạp, tốn kém tiền của?
Ngày 12/4, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 trình Thường vụ Quốc hội dự thảo Hiến pháp mới. Trong đó bên cạnh cách viết cũ tên nước là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, xuất hiện phương án mới, phản ánh chính xác hình thức chính thể và chủ quyền quốc gia về lãnh thổ: “(1) Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời. (2) Tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Phương án này thể hiện ý kiến nhiều tầng lớp nhân dân. Tên gọi ấy được khẳng định trong Hiến pháp 1946, 1959 và chỉ được thay đổi bởi Hiến pháp 1980. Về mặt pháp lý, đến thời điểm này, tên gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được sử dụng nhiều hơn so với tên nước hiện nay. |
Cái tên cũng giống như bức tượng Phật trong nhà. Có tượng hay không có tượng, tượng gỗ hay tượng đồng thì thế gian vẫn có Phật. Cái tên không phải là chỉ dấu cho một sự đổi hướng nào. Lấy tên nào thì mục tiêu của chúng ta vẫn là xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Đương nhiên, đổi tên nước sẽ dẫn đến việc chi tiêu một khoản tiền nhất định để đổi con dấu, biển hiệu của cơ quan nhà nước, giấy tờ giao dịch... Tốn kém là có, nhưng cũng không lớn đến nỗi không nên làm. Nếu so sánh thì lợi ích đem lại lớn hơn nhiều. Và cũng phải cân nhắc, những gì không nhất thiết phải đổi như đồng tiền chẳng hạn thì không nên đổi.
Cùng với nhiều đề xuất, việc đưa ra 2 phương án lựa chọn tên nước cho thấy điều gì qua 3 tháng lấy ý kiến góp ý sửa đổi Hiến pháp?
- Trước khi có chủ trương sửa đổi Hiến pháp, nhiều đại biểu Quốc hội đã bàn đến việc trở lại tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Song, lúc đó những ai nói ra ý kiến ấy thường bị quy kết là suy thoái về mặt tư tưởng. Điều đó làm tôi rất ngạc nhiên vì tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra.
So sánh với những gì chỉ mới diễn ra trong 1 - 2 tuần trước, đã có thể thấy việc đề xuất đổi tên nước đánh dấu bước chuyển trong nhận thức của những người chủ trì sửa đổi Hiến pháp. Điều đó cũng cho thấy Ủy ban Dự thảo Hiến pháp sửa đổi bước đầu đã tiếp thu nghiêm túc ý kiến của người dân và đấy là tín hiệu tốt.
Mấy hôm nay, đọc kiến nghị của Chính phủ về sửa đổi Hiến pháp, tôi cũng thấy rất mừng và rất ủng hộ những kiến nghị này. Ví dụ, Chính phủ kiến nghị những quy định giới hạn quyền công dân thì phải do "luật định" chứ không phải do "pháp luật" (hiểu theo nghĩa rất rộng) quy định. Thứ hai, Chính phủ kiến nghị việc thu hồi, trưng mua đất của dân phải trả ngang với giá thị trường.
Những quan điểm này không mới nhưng khi được cơ quan hành chính cao nhất của đất nước nêu ra thì rất đáng mừng vì nó phù hợp với mong muốn của người dân. Tôi mong những suy nghĩ này được đẩy xa hơn, ví dụ như công nhận chế độ đa sở hữu về đất đai, đặc biệt là đất ở - vốn không phải tư liệu sản xuất nên không thể công hữu hóa. Đất đai chiếm trên 75% các vụ khiếu kiện, nếu giải quyết tốt vấn đề này sẽ tháo gỡ được những khó khăn lớn và góp phần quan trọng ổn định xã hội.
Tán thành với đề xuất đổi tên nước, ông có góp ý gì thêm?
- Tôi ủng hộ việc trở lại tên nước lúc mới giành độc lập. Song, tên này cần sửa lại cho đúng ngữ pháp tiếng Việt, là "Cộng hòa Dân chủ Việt Nam". Năm 1945, chúng ta còn chịu nhiều ảnh hưởng tiếng Hán (Trung Quốc) nên cấu trúc của tên nước đặt năm ấy là theo ngữ pháp tiếng Hán. Bây giờ, nên gọi cho đúng hơn.
Tên nước Cộng hòa Dân chủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện để những ai còn lấn cấn trong việc xích lại gần với chúng ta sẽ cảm thấy không còn rào cản nữa.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: "Ngày 2/9/1945, trong bản Tuyên ngôn Độc lập đọc trước cuộc mít tinh tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố sự ra đời của một Nhà nước mới trên trường quốc tế - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tên nước sau đó đã được Quốc hội khóa I xác nhận trong bản Hiến pháp đầu tiên - Hiến pháp 1946. Tên gọi này phù hợp với thể chế của Việt Nam là thể chế Cộng hòa Dân chủ - chế độ do dân làm chủ, mọi việc thực hiện theo bản Hiến pháp do toàn dân phúc quyết và hệ thống pháp luật do những đại diện mà dân bầu ra ban hành.Tên nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa ra đời năm 1976. Hồi đó không có thảo luận trong nhân dân mà do Quốc hội quyết định trong hoàn cảnh đất nước vừa thống nhất và trong niềm hứng khởi trước chiến thắng lịch sử thể hiện sức mạnh của chế độ Xã hội Chủ nghĩa. Lúc đó, Đảng cũng đổi tên từ Đảng Lao động Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhà nước còn mở một cuộc vận động sáng tác Quốc ca mới để thay bài Tiến quân ca". |
Theo VNE