Trùn sống nhiều nhất ở các kênh, rạch bị ô nhiễm nặng, để bắt được nhiều, thợ trùn phải ngâm mình giữa làn nước đen kịt, thò tay móc sâu dưới lớp bùn mới bắt được. Những "xóm trùn" chỉ có ở Sài Gòn như xóm bến Phú Định (Q.8), xóm Cầu Đò, xóm chài bên Cầu Bình Lợi (Q.Bình Thạnh), xóm bến phà An Phú Đông (Q.12 và Gò Vấp)...
Nhiều thợ trùn cho biết, làm nghề này cực khổ, dơ bẩn và nhiều nguy hiểm. Bao nhiêu độc hại dồn về chỗ trùn sống, nên ghẻ, lở loét, nhức khớp xảy ra thường xuyên. Nhiều khi còn gặp mảnh chai, sắt cắt vào tay, chân bị nhiễm trùng.
Tuy vất vả và độc hại nhưng thu nhập của những người bắt trùn cũng khá, trung bình một lon trùn (lon sữa bò) có giá 5.000 - 7.000 đồng, mỗi ngày ngâm mình một thợ trùn có thể kiếm được 200.000 - 300.000 đồng, đủ trang trải cho cuộc sống thường nhật của gia đình.
Muốn kiếm được nhiều trùn thì phải đến nơi có dòng nước ô nhiễm nhất, rồi ngâm mình ở đó hàng ngày. Mỗi ngày, thợ trùn kiếm được từ 200.000 - 300.000 đồng. |
Kênh Tân Hóa - Lò Gốm (Q.Bình Tân) lâu nay nổi tiếng là kênh "chết" vì bị ô nhiễm nặng, nhưng lại chính là nơi kiếm miếng cơm của ông Nguyễn Văn Hoàng (SN 1964) hơn 30 năm nay.
Hàng ngày, ông lội dọc con kênh, tay mò mẫm dưới dòng nước đen thối, cố tìm xem có thứ gì là lôi lên bỏ vào 2 chiếc thau nhôm to. Dưới kênh đủ thứ rác, sắt, miểng chai, kim tiêm… nhưng dụng cụ bảo hộ của ông chỉ có đôi giày vải màu xanh quân đội đã cũ. Với ông chuyện trầy xước, đứt tay thường xuyên xảy ra.
Mỗi lần lội xuống kênh, người ông bốc lên mùi hôi nồng nặc, sình đất bám đầy người, sau đó cặm cụi ngồi lọc lại số phế liệu để mang ra vựa bán.
Ông Hoàng cho biết, ông nối nghiệp "mò phế liệu" từ người cha, anh trai ông và mấy đứa nhỏ ở nhà cũng làm nghề này, tính ra được... 3 đời. Thu nhập của ông từ 80.000 - 100.000 đồng/ngày, hôm may mắn thì được 120.000 - 140.000 đồng. Số tiền này là thu nhập chính nuôi 6 miệng ăn trong gia đình.
Ông Nguyễn Văn Hoàng mưu sinh tại dòng kênh "chết" Tân Hóa-Lò Gốm. |
Gần 4 năm nay, hàng ngày chị Nguyễn Thị Thủy (36 tuổi, quê Đồng Tháp) vẫn một mình một thuyền dưới dòng sông Sài Gòn để vớt ve chai kiếm sống. Mỗi khi nước lên, từng đám lục bình trôi theo dòng nước, chị một tay chèo một tay vớt ve chai.
Chị Thủy cho biết: “Tôi chủ yếu làm theo con nước, vớt được nhiều thứ là lúc nước đang lên. Bình thường ngày kiếm 60.000 - 70.000 đồng, hôm nào nhiều thì được hơn 100.000 đồng. Mỗi lần đi vớt ve chai về, hai cánh tay ê ẩm, bàn tay thì chai sạn, tuy vất vả nhưng làm công việc này thoải mái hơn so với đi làm công nhân”.
Chị Thủy chủ yếu vớt dọc sông Sài Gòn từ cầu Sài Gòn đến cầu Lái Thiêu, nhiều hôm đang vớt ve chai còn gặp xác người chết trôi cùng lục bình.
Chị Thủy lục tung từng nhóm lục bình để vớt ve chai, phế liệu. Chị không muốn đổi nghề, vì công việc này... thoải mái hơn làm công nhân. |
Còn tại chân cầu Bình Lợi, Q.Bình Thạnh có một xóm chài nhỏ với vài gia đình sống trên những chiếc thuyền cũ - đây được xem là xóm chài cuối cùng ở Sài Gòn. Vừa tới xóm chài, chúng tôi gặp anh Nguyễn Ngọc Ái đang quăng chài bắt cá.
Anh Ái cho biết: “Từ khi còn nhỏ cho đến lúc lớn lên, lấy vợ sinh con tôi vẫn gắn bó với nghề quăng chài, lưới. Những ngày thủy triều xuống nước chảy khá mạnh, cá thấy động theo dòng, lúc đó quăng lưới mới dễ "ăn". Những lúc như thế vợ chồng tôi có thể kiếm hơn 100.000 đồng/ngày, còn những ngày thường thì ít hơn”.
Cũng tại xóm chài này, có một người đàn ông tên Nguyễn Văn Chúc (SN 1957) cùng vợ là bà Nguyễn Thị Hinh (SN 1959) cùng quê Vĩnh Phúc làm nghề đánh cá. Ông Chúc được nhiều người biết đến bởi ông là người chuyên vớt xác, cứu người trên dòng sông Sài Gòn hơn 30 năm nay.
Bà con gọi ông là "ông Ba Chúc chuyên nghề cứu người vớt xác". Vợ chồng ông có 5 người con gái, nhưng hiện chỉ vợ chồng ông là sống trên “căn nhà nổi” bên chân cầu Bình Lợi. Ông Chúc cho biết, bao nhiêu năm nay ông không nhớ đã cứu vớt bao nhiêu người, cứ ai báo có xác là đi vớt.
Những người ông cứu được thường là những chàng trai thất tình, cô gái trẻ buồn cha chán mẹ, vợ giận chồng ngoại tình, cụ già bị con cái bỏ rơi, người thua bạc…
Ông Nguyễn Văn Chúc 30 năm làm nghề vớt xác cứu người trên sông Sài Gòn. |
Anh Ái quăng chài bắt cá. |
Là nơi kiếm cơm nuôi gia đình hàng ngày, nhưng hiện kênh Tân Hóa - Lò Gốm đang được cải tạo, khiến tương lai của ông Hoàng cùng gia đình không biết trông đợi vào đâu. Ông cố gắng làm được ngày nào hay ngày đó, mong có chút vốn để chuyển sang công việc khác.
Đây là xóm chài cuối cùng ở Sài Gòn. Nhưng khu vực này sẽ bị giải tỏa, những con người cả đời gắn bó với khúc sông này không biết sẽ trôi về đâu? |
Còn xóm chài bên cầu Bình Lợi, khi công trình đường vành đai ngoài hoàn thành, khu vực bị giải tỏa, mấy chục con người chưa biết xuôi theo dòng nước về đâu bởi mấy chục năm nay họ đã gắn bó với khúc sông này.
Theo Infonet