Người phát ngôn Lương Thanh Nghị khẳng định: "VN phản đối và coi quyết định đơn phương nói trên của Trung Quốc là vô giá trị”.
Tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi trở về từ vùng biển Hoàng Sa (ảnh chụp chiều 15/5). |
Sẽ hỗ trợ ngư dân
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Đức, chánh văn phòng Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết trong ngày 16/5, hội sẽ có công văn gửi tới các cơ quan chức năng đề nghị hỗ trợ ngư dân Việt Nam tiếp tục đánh bắt cá bình thường. Hội cũng sẽ thông báo tới các địa phương để từng nơi nắm thông tin, hướng dẫn ngư dân thận trọng và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình đánh cá.
Ông nói: “Nếu họ cấm đánh cá ở vùng biển của họ thì mình không can thiệp, nhưng rõ ràng họ áp lệnh cấm này ở cả vùng biển của Việt Nam thì không có cớ gì ngư dân Việt Nam phải tuân thủ”.
"Nhảy lên tàu cá của ngư dân trên lãnh hải của ta thì đó là cướp"
Vừa trở về từ ngư trường Hoàng Sa, anh Phạm Hồng Sử đi trên tàu QNg 97058 cho biết đã gặp rất nhiều tàu cá Trung Quốc. Anh Sử nói gần đây tàu hải giám Trung Quốc làm rất căng, cứ thấy tàu cá Việt Nam là xua đuổi không cho dừng một chỗ để đánh bắt.
“Mình chẳng sợ họ bắt vì đánh ở ngư trường truyền thống xưa nay. Trường hợp gặp tàu Trung Quốc gây hấn thì mình còn có tàu hải quân, tàu cảnh sát hỗ trợ, bảo vệ” - anh Sử nói.
Anh Sử cho biết anh em trên tàu không quan tâm đến lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc và sẽ tiếp tục ra khơi trong vài ngày tới.
Khi được hỏi về việc Trung Quốc ra lệnh cấm đánh bắt cá và cho tàu cá tràn qua vùng biển nước ta, anh Hùng đi trên tàu cá QNg 98125 cho biết: “Chúng tôi đánh ở ngư trường truyền thống quen rồi, nếu giờ có cấm cũng kiên quyết bám biển”.
“Trung Quốc có cấm đánh bắt thì cũng là vô lý và vô nghĩa”. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Chước - chủ tịch Hội Nghề cá TP Đà Nẵng.
Theo Hội Nghề cá Đà Nẵng, địa phương có gần 200 tàu cá thường xuyên đi đánh bắt ở các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. “Bất kể là Trung Quốc hay nước nào, nếu họ nhảy lên tàu cá của ngư dân ở lãnh hải của nước ta thì đó là cướp và ngư dân phải bảo vệ tàu của mình” - ông Chước nêu rõ.
Ông Chước cũng cho biết dù phía Trung Quốc có xua tàu cá, có cấm đánh bắt nhưng tinh thần ngư dân Đà Nẵng vẫn rất vững. Ông cũng chia sẻ thêm ngư dân Đà Nẵng không bao giờ bỏ ngư trường, vẫn thường xuyên và đều đặn đánh bắt trên lãnh hải của Việt Nam.
Hành vi đơn phương và vô căn cứ
Từ 12h hôm nay (16/5), phía Trung Quốc thông báo sẽ bắt đầu cấm đánh bắt cá trên biển Đông kéo dài hai tháng rưỡi, kéo dài đến ngày 1/8. Mục đích, theo như phía Trung Quốc tuyên bố, là để nguồn cá ở các ngư trường có thời gian sinh sản, hồi phục.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc tuyên bố phạm vi cấm đánh bắt cá sẽ bắt đầu từ 12 độ vĩ Bắc đến khu vực tiếp giáp giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả vịnh Bắc bộ. Lệnh cấm áp dụng đối với ngư dân Trung Quốc và ngư dân các nước đang có ngư trường ở khu vực biển Đông.
Từ năm 1999, Trung Quốc hằng năm đều tự ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông, nơi mà Trung Quốc tự cho là thuộc chủ quyền của mình bất chấp phản ứng của Việt Nam, Philippines.
Trong thời gian này, cảnh sát biển Trung Quốc cùng các lực lượng ngư chính, hải giám tăng cường tuần tra trên biển Đông, nếu gặp tàu cá nước ngoài họ đòi tịch thu tàu thuyền, ngư cụ và thủy hải sản trên tàu. Theo Tân Hoa xã, ngay từ ngày 9/5, một số địa phương duyên hải phía nam của Trung Quốc đã bắt đầu triển khai kế hoạch này đến ngư dân của họ.
Thế nhưng, ngay trước khi cái lệnh vô lý và vô căn cứ này được ban hành chỉ vài ngày, Trung Quốc lại công khai thông báo đưa tàu của họ đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam để đánh bắt cá. Thông tin về đoàn tàu này được cập nhật hằng ngày qua các phóng viên tháp tùng đoàn tàu. Mạng Tin Tức Hải Nam cho biết đến chiều 15/5, đoàn 32 tàu Trung Quốc vẫn quanh quẩn ở thềm lục địa của Việt Nam.
Trong khi đó, ngày 15/5, đoàn quan chức tỉnh Hải Nam do phó chủ tịch Lý Hiến Sinh dẫn đầu đã trở về đảo Hải Nam sau chín ngày khảo sát cái mà Trung Quốc gọi là “thành phố Tam Sa”, được thành lập trái phép từ tháng 6/2012. Đoàn cán bộ tỉnh Hải Nam và chính quyền “thành phố Tam Sa” đã được tàu ngư chính 310 đưa đi hết chặng hải trình dài 2.270 hải lý (4.204km).
Theo Tuoitre