Thuyền trưởng Bùi Văn Long cho biết: “Hay tin ngư dân Lý Sơn bị Trung Quốc bắn cháy cabin, nhưng làm nghề thì cứ phải đi. Chuyện bắt bớ là bình thường rồi”. Anh cho biết, mùa này đang làm ăn được, chiếc tàu sẽ ra đó hành nghề lặn hải sâm ban đêm.
Thuyền trưởng Bùi Văn Long cùng các ngư dân chuẩn bị ra Hoàng Sa. Ảnh: Hà Anh. |
Những ngư dân đi biển, hàng ngày nối sóng với đất liền bằng máy Icom tầm xa. Tuy nhiên, sau 6 năm hành nghề, đội ngư dân 8 người trên con tàu của anh Long đến nay vẫn chưa sắm nổi chiếc máy Icom trị giá khoảng 14 triệu đồng để liên lạc. Nếu gặp sự cố hỏng hóc, có người đau ốm thì chỉ biết nổ máy chạy lòng vòng kiếm tàu bạn để xin trợ giúp.
“Trung Quốc bắt bà con mình nhưng con cháu trong tộc họ cứ xưa sao nay vậy, tiếp tục bám biển. Mình là con dân nước Việt thì phải có trách nhiệm với đất nước. Dòng tộc họ Phạm Văn trên đảo rất đông con cháu”. Ông Phạm Văn Đoàn (tộc Phạm Văn trên đảo Lý Sơn) cho biết. |
Trên trang giấy trắng, anh vẽ từng hòn đảo, đường đi lối về như trong lòng bàn tay. Các ngư dân trên tàu anh còn kể về quy luật hoạt động của tàu thuyền, lính tráng trên đảo.
Theo lời kể của các ngư dân, hòn đảo Xà Cừ như một mỏ vàng. Nhiều nhất tại đảo Xà Cừ là tôm mú ni. Hiện nay trên thị trường, tôm mú ni có giá 900.000 đồng/kg.
Trong chuyến biển trước, trưa 17/3, một chiếc tàu tuần tra ra bắt các ngư dân và xuống hầm xúc sạch tôm mú ni. Thiệt hại trên tàu lên đến gần 200 triệu đồng.
Tiếc của, có ngư dân rơi nước mắt vì thành quả lao động đã bị cuỗm sạch. Gạo trong tàu cũng đã cạn, nước ngọt đã hết, các ngư dân đành lủi thủi đánh tàu quay về.
Con tàu công suất chỉ 56 mã lực, thiếu thiết bị nghe nhìn, không có máy thông tin, các ngư dân đã nhiều phen phải trụ lại trong bão tố.
Tàu nhỏ, yếu ớt cũng có lợi thế của nó. Có khi tàu tuần tra muốn vào trong đảo để bắt chiếc thuyền mỏng manh này, nhưng gặp toàn bãi cạn nên nó chỉ đứng ngoài nhìn vào. Chuyến biển tháng 2 vừa rồi, tàu tuần tra lùa 5 chiếc tàu ngư dân Việt Nam. Vụ đẩy đuổi bắt đầu từ 15 giờ chiều. Mãi đến lúc trời tối, mỗi con tàu tỏa ra một hướng, chạy thoát. Rạng sáng, các ngư dân mới về tới đảo ngầm ở Đá Bắc và bắt đầu phiên biển đầu tiên.
Cần tăng cường lực lượng kiểm ngư
Chiều 27/3, tại Đà Nẵng diễn ra Hội nghị đánh giá kết quả phối hợp giữa lực lượng Bộ đội Biên phòng và Sở NN&PTNT thành phố trong năm 2012.
Anh Thạnh và anh Phải bên lá cờ Tổ quốc. Ảnh: Nguyễn Thành. |
Báo cáo của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Đà Nẵng cho hay, trong năm 2012, tàu đánh cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam tăng cả về số lượng và mật độ. Có 717 lượt tàu cá Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, cách Đà Nẵng từ 25 - 45 hải lý.
Đặc biệt, chiến thuật xâm phạm chủ quyền của tàu cá Trung Quốc cũng thay đổi, đi thành từng tốp, tàu lớn đi trước, tàu sắt làm trưởng đoàn xâm nhập, xua đuổi ngư dân Việt ngay tại khu vực Đông - Bắc Đà Nẵng.
Theo Đại tá Nguyễn Quốc Bình - Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Đà Nẵng: “Các vụ ngày 1/1/2013, ngày 11/3/2013 và mới đây nhất là vụ bắn cháy cabin tàu cá ở Quảng Ngãi khi tàu của ngư dân ta đang đánh bắt ở Hoàng Sa cho thấy Trung Quốc đã có những hành động rất trắng trợn”.
Năm 2013, BĐBP cùng Sở NN&PTNT tiếp tục tuyên truyền giáo dục, kiểm tra giám sát không để tàu thuyền ngư dân ta xâm phạm chủ quyền các nước, đồng thời phối hợp xây dựng Trung tâm thông tin biển và Trạm sửa chữa máy thông tin cho ngư dân để đảm bảo công tác bảo vệ chủ quyền, bảo vệ ngư dân yên tâm bám biển.
Ông Cao Khoa – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho hay, hiện chưa thể hình thành lực lượng kiểm ngư bảo vệ ngư dân. Trước mắt vẫn dựa vào BĐBP, Hải quân, Cảnh sát biển. “Chúng tôi chú ý đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng thật tinh nhuệ, đủ bản lĩnh và khả năng ứng phó sự cố, song song đó là thành lập tổ đội để giúp đỡ nhau”.
Trước hành động ngày càng trắng trợn của phía hải giám Trung Quốc, Đại tá Trần Văn Dũng – Chính ủy Cảnh sát biển (CSB) vùng 2 cho hay, lực lượng CSB luôn đồng hành bên cạnh ngư dân. Tuy nhiên, với những vụ việc như vừa rồi, chỉ có lực lượng kiểm ngư mới chính danh để giải quyết vấn đề.
Ngày 27/3, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho thuyền trưởng Bùi Văn Phải (24 tuổi) và thuyền viên Phạm Quang Thạnh (29 tuổi) của tàu cá QNg 96382 TS (Lý Sơn, Quảng Ngãi), ghi nhận sự dũng cảm, kiên cường của hai ngư dân trẻ.
Cùng ngày, chị Hà Thị Anh Thư, Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi cho biết, Tỉnh Đoàn quyết định tặng bằng khen và 20 triệu đồng cho hai ngư dân Bùi Văn Phải, Phạm Quang Thạnh vì kiên cường, dũng cảm bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Theo Tiền phong