Ngồi một chỗ để thực hiện nhiều thủ tục mà không cần phải đến trụ sở cơ quan hành chính. Đến cơ quan công quyền thì được cán bộ chỉ dẫn một cách nghiêm túc nhưng thân thiện.
Dịch vụ hành chính đến tận nhà
Từ nhiều năm nay, UBND Q.1 (TP.HCM) đã triển khai nhiều chương trình cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, ứng dụng nhiều tiện ích công nghệ thông tin để phục vụ người dân. Về lý thuyết, người dân Q.1 có thể ngồi một chỗ để thực hiện nhiều thủ tục mà không cần phải đến trụ sở UBND quận.
Người dân muốn liên hệ UBND quận nộp hồ sơ hành chính có thể nhắn tin qua điện thoại để lấy số “xếp hàng”. Nếu không có thời gian đến trụ sở UBND quận để thực hiện các thủ tục như đăng ký lao động, cấp giấy phép kinh doanh, giấy phép xây dựng... người dân cũng có thể đăng ký hoặc nộp hồ sơ qua mạng. Việc đăng ký qua mạng có thể thực hiện vào bất kỳ thời gian nào trong ngày, giúp nhiều người bận rộn không bị mất thời gian đi lại, không phải bỏ buổi làm việc để chờ đợi và nộp hồ sơ.
Trong thời gian cơ quan chức năng giải quyết hồ sơ hành chính, người dân hoặc doanh nghiệp có thể tra cứu quy trình giải quyết hồ sơ qua tổng đài 1080. Đến khi có kết quả, người dân có thể đem các loại giấy tờ đến trụ sở UBND quận để nhận kết quả hoặc sử dụng dịch vụ trả kết quả tại nhà qua đường bưu điện. Một cán bộ ở bộ phận cải cách hành chính Q.1 cho biết người dân dùng dịch vụ trả kết quả tại nhà qua đường bưu điện chỉ phải trả tiền dịch vụ cho bưu điện chứ không mất thêm một khoản phí nào so với khi thực hiện trực tiếp các thủ tục tại trụ sở UBND quận.
Trường hợp hồ sơ trễ hẹn không có lý do chính đáng thì cơ quan chức năng phải có thư xin lỗi người dân, và phải mang hồ sơ đến tận nhà trả cho dân khi đến kỳ hẹn lần sau. Trong năm 2013, cơ quan chức năng của Q.1 phải xin lỗi công dân vì có hai hồ sơ bị trễ hẹn trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Tiếp tục mở rộng nhiều dịch vụ làm qua mạng
Q.1 còn tổ chức nhiều dịch vụ qua điện thoại hoặc qua bưu điện như tra cứu ngày nhận lương hưu, tra cứu mức đóng phạt vi phạm hành chính... qua tổng đài 1080. UBND Q.1 và bưu điện cũng ký kết dịch vụ đóng phạt vi phạm hành chính qua bưu điện, kể cả trường hợp có tang vật vi phạm bị tạm giữ. Điều này rất thuận tiện cho trường hợp công dân ở xa bị xử phạt trên địa bàn Q.1, những người không có nhiều thời gian.
Tránh để người dân bị phiền hà, UBND Q.1 cũng đã lắp nhiều bảng điện tử khảo sát mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp khi đến liên hệ tại UBND Q.1 và 10 phường trên địa bàn quận. Trong năm 2013, có 66 ý kiến không hài lòng với cán bộ, công chức (0,5%). Những trường hợp cán bộ, công chức bị người dân đánh giá không hài lòng đều được lãnh đạo UBND quận chuyển kết quả đến bộ phận trực tiếp phụ trách công chức để làm rõ nguyên nhân, qua đó kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, tạo điều kiện để công chức tự hoàn thiện phong cách, thái độ, tinh thần phục vụ nhân dân.
Ông Phạm Thành Kiên, chủ tịch UBND Q.1, cho biết: “Trong năm 2014, UBND Q.1 sẽ hướng tới xây dựng hình ảnh cán bộ thân thiện, đẹp (về tác phong, ngôn phong, hình thức, thái độ...). Bên cạnh đó sẽ triển khai nhiều thủ tục qua mạng như sao y, giải quyết bảo hiểm xã hội, thực hiện ba thủ tục liên thông khai sinh, bảo hiểm y tế và đăng ký hộ khẩu...”.
Đi làm giấy tờ không còn nơm nớp sợ
Được nghỉ một ngày để đi đăng ký thi lại giấy phép lái xe, chị Phạm Thị Nhân, công nhân Công ty TNHH Midea Consumer Electric (VN) thuộc Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I, đã dậy rất sớm và háo hức chạy xe hơn 12km từ nhà trọ ở huyện Thuận An để có mặt tại tòa nhà đôi (Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương).
Đúng 8g, tất cả các khu vực tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông của tất cả các sở, ban ngành đều đỏ đèn hiện số thứ tự và loa phát thanh bắt đầu gọi số thứ tự khách hàng đến từng quầy. “Không ngờ mọi thủ tục lại được giải quyết nhanh chóng và nhẹ nhàng như vậy. Ở đây, thích nhất là được các cán bộ chỉ dẫn một cách nghiêm túc nhưng thân thiện chứ không như ở mấy nơi khác, cứ đi làm giấy tờ gì là nơm nớp sợ bị la” - chị Nhân chia sẻ.
Đã hơn ba lần đến đăng ký lý lịch pháp lý cho các công nhân Trung Quốc làm việc tại Công ty Lục Sâm (Khu công nghiệp Tân Uyên), ông Zhao Bao Jun, quản lý sản xuất của công ty này, cho biết: “Tôi thật sự bất ngờ và thích thú trước cách làm việc của Bình Dương ở tòa nhà hành chính tập trung này. Đã đi rất nhiều nơi để làm việc nhưng một nơi giải quyết thủ tục hành chính công khai, tập trung với bộ máy nhanh gọn thì lần đầu tiên tôi được thấy. Tuy nhiên, dường như người dân đến đây vẫn chưa tận dụng được hết những quyền hạn được thừa nhận của mình khi những máy móc được bố trí cho người dân tra cứu thông tin... Mọi vấn đề khúc mắc giữa chính quyền - người dân, chính quyền - doanh nghiệp sẽ được giải quyết nhanh hơn nữa nếu người dân có ý thức tìm hiểu và tra cứu thông tin. Đây là cơ hội để bạn hiểu rõ được những vấn đề pháp lý, các thông tư được ban bố...”.
“Chúng tôi biết hết những chính sách phát triển và mục tiêu đặt ra của chính quyền. Đúng là để có được điều này, thế hệ chúng tôi phải chấp nhận từ bỏ nhiều thứ, nhưng thế hệ con cháu chúng tôi lại có được rất nhiều điều tốt hơn từ các hoạch định chính sách này” - ông Phạm Văn Lộc (79 tuổi, ở đường Lê Thị Trung, thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương) khẳng định.
“Thành phố mới Bình Dương - Điểm đến cho tất cả” là slogan được Bình Dương đưa ra cho thành phố mới. Ông Lê Hồng Quân, phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương, chia sẻ thêm về mục tiêu của thành phố này: “Trong những năm qua, Bình Dương đã có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế, tuy nhiên nhìn về TP Thủ Dầu Một thì bài toán môi trường đô thị, đời sống thị dân đã bị bỏ quên và không phát triển đúng tầm với sự phát triển của nền kinh tế. Chính vì điều đó mà chính quyền đặt tất cả mục tiêu vào dự án “thành phố mới” với mong muốn tạo sự đồng bộ trong quản lý, xây dựng và phát triển. Xây dựng thành phố mới là nhằm khắc phục những khiếm khuyết cũ, đáp ứng cho nhu cầu mới để tiếp tục phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế. Trong tương lai không xa, đời sống thị dân sẽ được hình thành rõ nét ở khu đô thị mới thân thiện này với những tiện ích không khác xa gì một thành phố của nước ngoài”.
* PGS.TS Phạm Duy Nghĩa (Trưởng khoa luật Trường đại học Kinh tế TP.HCM): Người dân là khách hàng, chính quyền là tổ chức công vụ Vì khách hàng của nền hành chính cấp tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp, trụ sở mới của UBND tỉnh Bình Dương có dáng dấp rõ rệt là một trung tâm dịch vụ, thân thiện với khách hàng hơn là công đường quyền uy truyền thống. Ở đó, người dân không cảm thấy nhỏ bé trước công quyền, họ tự tin hơn vì cảm nhận được thái độ chính quyền được tổ chức ra để phục vụ nhân dân. Không có những người bảo vệ canh gác nghiêm cẩn, khách ra vào không phải xuất trình chứng minh nhân dân, không phải trình báo lý do tới công đường. Ngược lại, người dân được tư vấn, được phục vụ trong một không gian thân thiện, minh bạch, tiện lợi và sang trọng không kém các trung tâm thương mại hiện đại. |
Theo Tuổi Trẻ