Tối 28/4, ông Đặng Công Ngữ, Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng) công bố đề án của nhóm tác giả Fuminori Minakami cùng kiến trúc sư Trần Quốc Thành và Nguyễn Huy Quang (công ty TNHH Kiến trúc VRIGHT, Nhật Bản). Nhóm đã vượt qua 43 đề án để trở thành thiết kế chính thức của bảo tàng Hoàng Sa.
Bảo tàng có diện tích 700m2 nằm trên đường Hoàng Sa (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), nhằm lưu giữ, giới thiệu với công chúng các hình ảnh, hiện vật về quần đảo thuộc chủ quyền nước CHXHCN Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép.
Mô hình bảo tàng Hoàng Sa (Đà Nẵng) trong tương lai. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Trước đó, từ tháng 1/2014, UBND TP Đà Nẵng đã chấm điểm các phương án xây dựng bảo tàng này để lựa chọn giải pháp tốt nhất, đảm bảo tính mỹ thuật, ý nghĩa lịch sử và xã hội của quần đảo Hoàng Sa. UBND huyện đảo Hoàng Sa cũng giới thiệu các phương án trên trang web hoangsa.danang.gov.vn để nhân dân góp ý.
Theo ông Ngữ, công trình được chọn là kết quả của ứng dụng kỹ thuật mới và ngôn ngữ kiến trúc hiện đại trên nền không gian kiến trúc và điêu khắc Việt. Thiết kế sử dụng vật liệu đá tự nhiên, tận dụng kỹ thuật chế tác đá nổi tiếng của nghệ nhân Đà Nẵng và các vùng miền.
Các khối vuông hội tụ thể hiện sự giao thoa của đất trời. Hai khối chính của công trình hòa quyện vào nhau là biểu tượng của sự thống nhất ý chí. Hình tượng con dấu Minh Mạng khẳng định sự tồn tại của Hoàng Sa đã được xác nhận tại thư tịch cổ trong và ngoài nước, được quốc tế công nhận. Màu đỏ trong thiết kế tượng trưng cho màu cờ tổ quốc và máu của những người đã ngã xuống.
"Con dấu vua Minh Mạng trong Sắc chỉ thành lập hải đội Hoàng Sa năm 1835 trở thành dấu mốc khẳng định chủ quyền, thiết kế này nhấn mạnh ý tưởng con dấu chủ quyền của đất nước. Với ý nghĩa đó, công trình sẽ là tiếng nói quan trọng, củng cố niềm tin về sự hiện hữu của một phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam", ông Ngữ nhấn mạnh.
Theo VNE